Kon Tum: Tổng nguồn vốn Quỹ đạt trên 12,8 tỷ đồng
14:38 - 24/01/2024
(Quỹ HTND)- Năm 2023, Quỹ HTND tỉnh được ngân sách cấp 2 tỷ đồng; Quỹ HTND cấp huyện được cấp 1,8 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Quỹ HTND thành phố được cấp 500 triệu đồng; Quỹ HTND huyện Sa Thầy 100 triệu đồng; Quỹ HTND các huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Kon Plong, Kon Rẫy 300 triệu đồng. Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 12.850 triệu đồng, tăng 3.800 triệu đồng so với đầu năm.
Các mô hình vay vốn Quỹ đều cho năng suất cao, kết hợp với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.


Trong kỳ, Quỹ HTND các cấp đã cho 16 hộ vay 4.950 triệu đồng thực hiện 17 dự án. Trong đó: Quỹ HTND tỉnh cho 42 hộ vay 3.050 triệu đồng triển khai 06 dự án; Quỹ cấp huyện cho 34 hộ vay 1.900 triệu đồng thực hiện 11 dự án.
 
 
Quỹ HTND các cấp đã thu nợ 1.150 triệu đồng của 18 hộ vay tại 03 dự án. Trong đó: Quỹ HTND tỉnh thu nợ 1.050 triệu đồng của 16 hộ tại 02 dự án, Quỹ cấp huyện thu nợ 100 triệu đồng của 02 hộ vay tại 01 dự án.
 
 
Đến nay, Quỹ HTND các cấp còn dư nợ 12.850 triệu đồng của 252 hộ tại 42 dự án. Trong đó: Có 16 dự án trồng trọt (chiếm 50%), 12 dự án chăn nuôi (chiếm 37,5 %), 02 dự án nuôi trồng thủy sản (chiếm 6,25%), 01 dự án kinh doanh nông nghiệp (chiếm 3,12%) và 01 dự án nuôi ong lấy mật (chiếm 3,12%).
 
 
Các dự án vay vốn Quỹ đã thành lập được nhóm nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác. Các hộ sau khi vay vốn được Hội tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm sản xuất nên áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, các mô hình đều cho năng suất cao, kết hợp với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.
 
 
Điển hình như: Mô hình chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp, tiền bán phân bò đã dư trả phí, người chăn nuôi có lãi từ bò sinh sản hoặc tăng trọng; mô hình cải tạo và chăm sóc cà phê đã tạo ra vùng chuyên canh, sản xuất theo mô hình ViệtGAP, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; mô hình nuôi heo sọc dưa là mô hình lai tạo giữa heo đen địa phương và heo rừng, tạo ra con lai F1 có sức đề kháng cao, ít mắc bệnh và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho hội viên tham gia dự án; mô hình dự án trồng sâm Ngọc Linh –“Quốc bảo” của Việt Nam, giúp nông dân phát triển nguồn sâm quý.
 
 
Chị Y Bơr - thôn K’Bay, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND và 50 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư trồng 01 ha cao su, 3ha cà phê. Sau nhiều năm chăm sóc, vườn cây giờ đây đã cho thu hoạch. Sau đó, tôi tiếp tục phát triển mô hình nuôi heo thịt. Đến nay, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 250 triệu đồng và đã thoát nghèo bền vững.
 
 
 Năm 2019, 13 hội viên, nông dân xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) được vay 800 triệu đồng Quỹ HTND Trung ương triển khai Dự án trồng và chăm sóc cà phê theo chuỗi giá trị trên diện tích gần 20ha. Sau hơn 3 năm thực hiện, các vườn cà phê sinh trưởng rất tốt, năng suất trung bình hằng năm đạt hơn 30 tấn tươi/ha. Trừ mọi chi phí, nông dân lãi ròng hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, các hộ tham gia dự án đến nay đã thoát nghèo, hoàn trả được vốn vay.
 
 
Còn nhiều nông dân huyện Sa Thầy đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn Quỹ HTND. Tiêu biểu như: Anh A Wĩ ở thôn Kơ Tol, xã Hơ Moong với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ việc phát triển cây cao su; chị Vũ Thị Tám ở thôn Ya De, xã Ya Xiêr thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ việc nuôi bò vỗ béo; anh Lê Xuân Khiêm ở thôn 2, xã Sa Sơn với thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm từ việc phát triển cây cà phê...
 
 
 Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, Hội ND tỉnh phối hợp tổ chức được 14 tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 430 hội viên, nông dân; Hội ND huyện, thành phố phối hợp tổ chức được 20 lớp tập huấn chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi cho 675 hội viên, nông dân; Hội ND cơ sở phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 203 lớp tập huấn chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi cho 6.090 lượt hội viên.
 
 
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh còn tổ chức 10 đợt kiểm tra tại 10 huyện, thành phố, 14 cơ sở và 26 Tổ TK&VV và 180 hộ vay vốn. Hội ND huyện, thành phố kiểm tra 101 lượt cơ sở và 235 Tổ TK&VV; Hội ND cơ sở tổ chức kiểm tra 202 cuộc với 942 lượt Tổ TK&VV và 20.000 lượt hộ vay vốn. Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh tổ chức kiểm tra 5 huyện, 12 cơ sở, 15 dự án, 120 hộ vay.
 
 
Thực hiện chương trình ủy thác ngân hàng CSXH, năm 2023 các cấp Hội đã phối hợp với ngân hàng CSXH cho hội viên vay 256.416 triệu đồng. Hiện tổng dư nợ qua Hội đạt 1.171.561 triệu đồng, cho 20.035 hộ vay thông qua 472 Tổ TK&VV. Trong đó, 323 tổ hoạt động tốt (chiếm 68,43%); 123 tổ khá (chiếm 26,05%). 100% số tổ được ủy nhiệm thu lãi với tỷ lệ đạt 98%; thu tiết kiệm đạt 75% kế hoạch.
 
 
Chị Y Loan- xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) năm 2023 được vay hơn 100 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để mua 1 con trâu và 5 con bò thực hiện chuyển đổi nghề từ trồng mì sang chăn nuôi gia súc. Đến nay, đàn bò vừa đẻ thêm được 3 con khiến chị rất phấn khởi.
 
 
Anh A Linh - làng Pu Tá, xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) được vay 100 triệu đồng ngân hàng CSXH mua giống sâm Ngọc Linh về trồng. Đến nay anh có vườn sâm nhiều năm tuổi khác nhau, số lượng khoảng 3.000 cây. Dự kiến từ năm thứ 4, thứ 5 cây sâm đậu hạt (trung bình 20 - 30 hạt/cây khỏe mạnh), anh có thể thu được hạt, giống cây để bán. Với giá bán trên thị trường trung bình khoảng 100.000 đồng/hạt, 300.000 đồng/cây sâm 1 năm tuổi, 100 triệu đồng/kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả củ, lá, hiện anh là một trong nhiều tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh.
 
 
Thực hiện thỏa thuận liên ngành 01 về việc thực hiện sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 và 116 của Chính phủ, các cấp Hội đã cho 44 hộ vay 1.300 triệu đồng thông qua 02 Tổ Liên kết vay vốn.
 
 
Các nguồn vốn trên đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân được đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, vươn lên làm giàu. Qua đó, phát huy tốt tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, sản xuất, củng cố niềm tin của hội viên, thu hút được nhiều nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Mạnh Dũng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng