Đổi mới hoạt động Quỹ HTND giúp hội viên, nông dân làm giàu
16:02 - 06/05/2024
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Đồng Tháp luôn xác định công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND là nội dung quan trọng trong phong trào thi đua ở tất cả các cấp Hội. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc.


 
Để thực hiện hiệu quả Kết luận 61 của Ban Bí Thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh ủy, UBND tỉnh xin bổ sung vốn điều lệ. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã đề nghị tỉnh ủy, UBND tỉnh cấp bổ sung nguồn vốn hoạt động theo lộ trình từ năm 2021 – 2025 đạt 48 tỷ đồng.


 

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, tại nhiều địa phương, các cấp Hội đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình, dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng các loại cây đặc sản mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao

 
Kết quả, giai đoạn các năm 2021 - 2022, tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt và cấp 18 tỷ đồng cho Quỹ HTND hoạt động. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân, giai đoạn năm 2023 - 2025, mỗi năm cấp bổ sung cho Quỹ HTND 10 tỷ đồng.

 
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh tăng trưởng đều hàng năm. Qua đó, nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của tổ chức Hội và nâng cao ý thức tự lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trong tỉnh. Đồng thời, hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành được kiện toàn, bổ sung thường xuyên giúp Quỹ HTND các cấp nâng cao hiệu quả hoạt động, dần đi vào nề nếp.

 
Có 12/12 Hội ND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều đã xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND, đạt 100%. Trong đó, có 4 đơn vị Hội ND cấp huyện có nguồn Quỹ HTND đạt mức 01 tỷ đồng trở lên, gồm các huyện: Tân Hồng, Châu Thành, thành phố Hồng Ngự, thành phố Sa Đéc; có 3 đơn vị Hội ND cấp huyện đạt mức từ 500 - 01 tỷ đồng, gồm các huyện: Thanh Bình, Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh.

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý trên 61 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 2.000 hộ hội viên, nông dân được tiếp cận vốn vay, có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đặc biệt, đang tập trung phát triển các ngành hàng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình hội viên, nông dân.

 
Hàng năm, hoạt động của Quỹ HTND các cấp trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương, của tỉnh ủy và UBND tỉnh; cùng với sự phối hợp tích cực của các sở, ngành chức năng trong tỉnh và sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn… đã dần đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả rõ nét. Để xây dựng các mô hình, dự án phát triển kinh tế hộ được thuận lợi, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tích cực hướng dẫn quy trình lập dự án, thẩm định dự án, quản lý, kiểm tra sau giải ngân dự án đối với các hộ hội viên, nông dân vay vốn.

 
Đối với nguồn vốn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương và nguồn Quỹ HTND tỉnh xây dựng, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã ủy thác cho Quỹ HTND các huyện, thành phố trực tiếp giải ngân và quản lý các dự án. Cán bộ nghiệp vụ của Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh tiến hành việc thẩm định hộ vay, hồ sơ và giám sát quy trình thực hiện dự án từ khâu bình xét đến khi giải ngân; tổ chức kiểm tra sau giải ngân 30 ngày và theo định kỳ trong quá trình vận hành dự án.

 
Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ hội viên, nông dân trong tỉnh, nhất là những hộ gặp hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Nhìn chung, các hộ tham gia dự án vay vốn đã có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách làm...

 
Cùng với đó, nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện và xã cũng đang được triển khai cho hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân vay đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, các cấp Hội còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực ủng hộ hoặc cho mượn tiền để tiếp tục xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND của các địa phương.

 
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ban quản lý Quỹ HTND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương chú trọng việc khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng đối tượng vay vốn. Hàng năm, tổ chức tư vấn, hướng dẫn việc xây dựng các dự án gắn với quy hoạch phát triển kinh tế chung của địa phương.

 
Nhìn chung các dự án đều phát huy tính hiệu quả rõ nét. Theo ước tính của bà con nông dân, bình quân giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đã tăng gấp 4- 5 lần so với việc trồng lúa như trước đây. Đáng chú ý, có nhiều mô hình nhờ triển khai tốt, đúng hướng còn cho mức thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm.

 
Nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả đồng vốn, bên cạnh hoạt động giải ngân, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn hội viên, nông dân cách thức xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tập huấn những kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi… Nhiều mô hình, dự án sử dụng vốn Quỹ HTND được đánh giá đã mang lại hiệu quả thiết thực và hiện các cấp Hội cũng đang tiếp tục tuyên truyền, triển khai nhân rộng trên địa bàn.

 
Từ các mô hình, dự án sản xuất phát triển kinh tế của hội viên, nông dân, tại các địa phương cũng đã chủ động hình thành mô hình các chi, tổ Hội ND, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là xây dựng xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

 
Đáng chú ý, thông qua các dự án vay vốn được triển khai theo hình thức nhóm hộ tại nhiều địa phương đã xây dựng và thành lập được mô hình các Câu lạc bộ, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng sản xuất, phát huy tốt lợi thế vùng để hình thành nên thương hiệu của các sản phẩm đặc thù ở mỗi địa phương.

 
Tại nhiều địa phương, các cấp Hội đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình, dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng các loại cây đặc sản mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: Dự án Tổ hợp tác trồng xoài theo hướng Vietgap của Hội ND xã Tân Thuận Tây- thành phố Cao Lãnh; sản xuất sầu riêng theo hướng Vietgap tại xã Phú Hựu- huyện Châu Thành; nuôi lươn sinh sản ở xã Bình Thạnh- thành phố Hồng Ngự; trồng hoa kiểng tại phường An Hòa- thành phố Sa Đéc…
 

Hộ gia đình ông Trần Văn Lắng ở xã Hòa An (thành phố Cao Lãnh) được các cấp Hội tạo điều kiện xét cho vay 55 triệu đồng vốn Quỹ HTND để đầu tư mở rộng quy mô nuôi dê sinh sản. Nhờ được tiếp thêm nguồn vốn, cùng với nguồn lực tích lũy của gia đình, ông đã đầu tư để mua thêm con giống, cải tạo và nâng cấp chuồng nuôi.

 
Cùng với nguồn vốn vay, Hội ND xã còn tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Nhờ đem áp dụng những kỹ thuật mới được học vào chăn nuôi đã giúp cho đàn dê của gia đình ông phát triển tốt. Với 6 con dê giống mua lúc ban đầu, hiện đàn dê đã tăng lên thành 14 con. Mô hình chăn nuôi phát triển ổn định, cho thu nhập khá và đảm bảo được tính bền vững cho gia đình ông.

 
Hộ gia đình anh Trần Thanh Long ở xã Tân Bình (huyện Thanh Bình) cũng là hộ hội viên, nông dân được thụ hưởng lợi ích nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND. Được các cấp Hội tạo điều kiện xét cho vay 50 triệu đồng, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng lúa theo hướng an toàn. Trên diện tích canh tác ban đầu 1 ha của gia đình anh, có thêm nguồn vốn vay kịp thời đã giúp anh tôi thuê thêm 2 ha ruộng nữa, mua vật tư nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển sản xuất, mang lại giá trị và lợi nhuận cao hơn.

 
Cùng với việc quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội trong tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn triển khai hiệu quả hoạt động ủy thác nhằm hỗ trợ kịp thời nguồn vốn vay giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác của Hội ND các cấp thông qua ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 1.338 tỷ đồng cho 43.442 lượt hộ hội viên, nông dân vay thông qua 872 Tổ TK&VV.

 
Qua đánh giá phân loại, có 669 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 76,7%); 170 Tổ TK&VV xếp loại khá (chiếm 19,5%); 33 Tổ TK&VV xếp loại trung bình (chiếm 3,78%). Các Tổ TK&VV đều được ủy nhiệm việc thu tiết kiệm với tỉ lệ hộ vay vốn gửi tiền tiết kiệm hàng tháng đạt 100%/tổng số hộ vay vốn. Một số đơn vị đang quản lý tốt nguồn vốn ủy thác như các huyện: Châu Thành, Tam Nông, thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự.

 
Đồng thời, các cấp Hội đã ký chương trình phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT triển khai giải ngân cho gần 1.577 lượt hộ hội viên, nông dân vay với tổng dư nợ hơn 130 tỷ đồng, thông qua 251 Tổ Vay vốn đang hoạt động trên địa bàn.

 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND cũng đã góp phần làm đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Mặt khác, nhiều hội viên, nông dân nhờ tập trung đầu tư phát triển kinh tế, có thêm việc làm, tăng thu nhập, giúp cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn.

 
Nhằm tiếp tục đưa hoạt động Quỹ HTND đi vào nề nếp trong thời gian tới, Hội ND tỉnh vừa ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động và cho vay vốn Quỹ HTND tỉnh giai đoạn 2024 - 2028. Theo đó, Hội ND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến cuối năm 2025, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đạt 80 tỷ đồng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc triển khai nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành và quản lý tài chính Quỹ HTND; truyền thông về hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân và công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động Quỹ HTND do các cấp Hội ND quản lý.

 
Thanh Lương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng