Hội viên, nông dân khá giả nhờ nguồn vốn Quỹ
17:01 - 02/07/2024
(Quỹ HTND) – Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu quả các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã tập trung hướng dẫn, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế theo đặc thù và lợi thế của từng vùng


Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND các cấp, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân.


Nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt 103.8 tỷ đồng (tăng 2.33 tỷ đồng so với cuối năm 2023) hỗ trợ cho 3.266 hộ vay. Hội đã phối hợp với các ngân hàng nhận ủy thác với tổng dư nợ 3.090,7 tỷ đồng cho 32.783 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Trung ương hội ủy thác 16 tỷ đồng; quỹ cấp tỉnh trên 45,5 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng; cấp huyện gần 17,8 tỷ đồng, tăng 1,6 tỷ đồng; nguồn cấp cơ sở gần 24,5 tỷ đồng, tăng 737,5 triệu đồng.


Tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND đạt trên 102,7 tỷ đồng (chiếm 98,9% tổng nguồn vốn), hỗ trợ cho 3.266 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 377 hộ vay vốn Quỹ cấp Trung ương; 1.182 hộ vay Quỹ cấp tỉnh; 1.707 hộ vay quỹ cấp huyện.


Trong số tiền Quỹ cho vay đã hỗ trợ 32% số vốn đầu tư vào trồng trọt; 28% vào thủy sản; 23% vào chăn nuôi...Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên, nông dân đã vươn lên sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi và hỗ trợ được các hội viên hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo.


Quỹ HTND tỉnh Hải Dương được thành lập từ năm 1997. Sau hơn 27 năm, Quỹ đã tổ chức hoạt động hiệu quả về các mặt chính trị, xã hội, tài chính. Quỹ đã tổ chức cho vay 1.182 hộ ở 111 dự án nhóm hộ, dư nợ hàng năm đạt 100%.


Nguồn vốn ngày càng lớn mạnh đã giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trên địa bàn trở nên thuận lợi, có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp còn tăng cường phối hợp với phòng chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Sau tập huấn, các hộ đã áp dụng vào sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập.


Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 557 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Nguồn vốn trên đã giúp nhiều hội viên, nông dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.


Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được hội viên, nông dân trên địa bàn tích cực tham gia. Toàn tỉnh có 176.154 hộ nông dân đăng ký trở thành hộ SXKD giỏi 4 cấp; vận động cán bộ, hội viên đăng ký giúp đỡ 2.618 hộ nghèo thông qua hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp với tổng trị giá 4.632,6 triệu đồng và 4.334 ngày công lao động.


Có được kết quả trên là nhờ hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch vận động ủng hộ xây dựng Quỹ và tích cực triển khai thực hiện đến từng cơ sở Hội. Hội ND các huyện, thành phố cũng chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp và nhận được sự quan tâm, ủng hộ.


Nguồn vốn vay Quỹ HTND các cấp đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả ở khu vực nông thôn. Đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành tại nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, khẳng định được thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao và xây dựng, phát triển thành các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng.


Để nguồn vốn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, Hội ND tỉnh luôn chú trọng công tác huy động xây dựng Quỹ, quản lý, điều hành, thẩm định dự án và giải ngân nguồn vốn bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định. Đồng thời, Hội cũng sẽ lựa chọn những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi, đảm bảo phát huy hiện quả nguồn vốn và có khả năng nhân rộng.


Bên cạnh đó, các cấp Hội ND đã chú trọng việc cho vay vốn theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm.


Hầu hết các dự án đang triển khai trên địa bàn chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp. Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, tạo được không khí thi đua sôi nổi ở các vùng nông thôn, gắn kết hội viên, nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung.


Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập. HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương (xã Gia Lương, huyện Gia Lộc) là một trong những mô hình điển hình do các cấp Hội Nông dân hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động. Trước đây, nhiều người dân xã Gia Lương đã bắt đầu nuôi gà thương phẩm.


Tuy nhiên, thời điểm đó, người dân nuôi nhiều giống gà khác nhau và mạnh ai nấy nuôi. Năm 2016, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà lai chọn thương phẩm. Sau khi thành lập, Tổ hợp tác được vay 400 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh.


Năm 2019, THT phát triển thành HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương. Sau đó, HTX được vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội. Mỗi hội viên được vay 40 triệu đồng để mua con giống, xây dựng chuồng trại hoặc mua thức ăn chăn nuôi.


Thông qua việc vay vốn từ Quỹ HTND, các thành viên gắn bó với nhau hơn, thường xuyên trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi và thị trường tiêu thụ, cùng nhau thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, cuộc sống ngày càng khá giả. Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.


Tiêu biểu như: Anh Lê Văn Hơn-thành viên HTX  được vay 40 triệu đồng từ Quỹ HTND để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn Quỹ cộng với vốn tự có của gia đình mua 100 con gà lai chọi về nuôi. Đến nay, nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi, mô hình chăn nuôi đã mang lại lợi nhuận cao giúp đời sống gia đình anh ngày càng ổn định.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hội viên được hỗ trợ vay vốn thông qua các mô hình HTX, THT, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, các thành viên cùng tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.


Thời gian qua, huyện Cẩm Giàng đã thành lập gần 10 Tổ hợp tác thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Nhờ nguồn vốn của Quỹ HTND, các cấp Hội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thêm các Tổ hợp tác Trồng dưa hấu ở xã Ngọc Liên, nuôi cá ở các xã: Cẩm Văn và Cao An; trồng rau củ ở xã Đức Chính và bí ngô, bí xanh ở xã Cẩm Hưng.


Từ 100 triệu đồng vốn Quỹ HTND, 3 Tổ hợp tác tại các thôn Địch Tràng, Yển Vũ, Xuân Kiều ở xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) được thành lập để liên kết người dân trong vùng sản xuất. 3 Tổ hợp tác hiện có khoảng 300 thành viên, canh tác gần 300ha, chủ yếu là trồng cà rốt sạch xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia. Ước tính, bình quân mỗi ha cà rốt cho thu nhập trên 100 triệu đồng.


Hay Tổ hợp tác tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt, huyện Thanh Hà có 20 thành viên tham gia, tổng quy mô chăn nuôi 14 vạn con gà. Để động viên, thu hút các thành viên Tổ hợp tác thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn, Hội Nông dân tỉnh cũng đã hỗ trợ cho vay các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ HTND và ngân hàng CSXH…


Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên, thành viên Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt  và các thành viên trong tổ hợp tác đã cùng liên kết mua thức ăn, thuốc thú y và giống gà ri Hòa Phát (Phú Thọ) để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập.  Nhờ liên kết chăn nuôi, các thành viên đã giảm được giá thành sản xuất 1kg gà thương phẩm thấp hơn so với các hộ ngoài mô hình là 1.500 đồng/kg. Theo đó, cuộc sống của các thành viên Tổ hợp tác ngày càng ổn định.


Mô hình nông dân liên kết của các tổ hợp tác nằm trong số hơn 400 mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn xây dựng và hỗ trợ hoạt động hiệu quả. Các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm.


Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả; các hộ vay đều có khả năng trả vốn, trả phí đầy đủ. Nhìn chung, hội viên, nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập và trở nên khá, giàu.


Thông qua dự án, các hộ nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, gắn bó với nhau; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế hợp tác trong nông thôn, từng bước tạo thành vùng sản xuất có quy mô hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.


Tham gia dự án sản xuất với nguồn vốn vay Quỹ HTND bao gồm các hộ có kinh tế khá đến hộ nghèo, hộ chính sách nên đã tạo điều kiện cho các hộ được học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 
Việc triển khai tốt hoạt động vay vốn của các cấp Hội trong tỉnh thông qua Quỹ HTND còn giúp hội viên, nông dân hạn chế dần tình trạng phải vay tín dụng đen. Với việc đưa nguồn vốn Quỹ đến bà con còn khẳng định vai trò của Hội trong cán bộ và hội viên, là chỗ dựa của nông dân, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia đoàn thể.


Nguồn vốn Quỹ HTND cũng là cầu nối tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện tốt việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cơ cấu tập trung.
 




Xuân Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường