Quỹ HTND Phú Thọ: Giúp hội viên nông dân vượt khó, làm giàu
14:53 - 28/10/2022
(Cổng ĐT HND) - Với việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản và hỗ trợ nông dân phát triển thông qua nguồn vốn, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đang tạo "đòn bẩy" giúp nông dân dám nghĩ, dám làm, thi đua làm giàu mạnh mẽ.
Nguồn vốn Quỹ HTND giúp các hộ trồng bưởi tại địa phương có thu nhập khá.


Ngay từ đầu năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung xây dựng và quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, trở thành nguồn vốn hiệu quả giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế.


Theo đó, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đang quản lý cho vay tại 219 dự án, với số tiền gần 50 tỷ đồng cho 1.201 hộ vay (trong đó: Nguồn vốn trung ương ủy thác là 15,5 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh trên 17.9 tỷ đồng; cấp huyện gần 16,5 tỷ đồng).


Đồng thời, Hội Nông dân còn phối hợp với Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 13 lớp tập huấn tại 13 huyện, thành, thị về nghiệp vụ quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân và công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, với 1.560 cán bộ hội cơ sở, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.


Các cấp Hội đã tổ chức tốt các hoạt động tương trợ, giúp đỡ trong nội bộ nông dân, thông qua phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cho mượn vốn, đổi công, cung cấp cây, con giống, vật tư, lương thực....với tổng giá trị trên 6,1 tỷ đồng, trên 6.400 ngày công; trực tiếp và phối hợp giúp đỡ hội viên nông dân thoát nghèo được 320 hộ.


Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Phú Thọ ký kết chương trình phối hợp và triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.


Thông qua 1.092 tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội đã chuyển tải nguồn vốn tới 35.597 hộ, với tổng dư nợ 1.323.207 triệu đồng.


Bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo thêm nguồn lực cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, DTTS có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều nông dân tại địa phương.


Cụ thể, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp của Hội Nông dân đã trực tiếp tổ chức 18 lớp nghề cho 630 lao động nông thôn.


Hội Nông dân các huyện, thành, thị phối hợp tổ chức 27 lớp nghề cho 930 lao động nông thôn với các ngành nghề kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Qua đó, 1.450 lao động qua đào tạo có việc làm ổn định; xây dựng 21 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHKT.


Bà Nguyễn Thị Phương Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Nguồn vốn phát triển nông nghiệp cũng là trăn trở của nhiều nông dân hiện nay. Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên để tiếp tục mở rộng sản xuất, nhiều nông dân, các hợp tác xã vẫn đang gặp khó khăn về vốn. Để người nông dân sản xuất với quy mô lớn vay được mức 500 triệu đến 1 tỷ đồng là cả câu chuyện. Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ xác định tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, triển khai cho vay gắn với tập huấn kỹ thuật, phương án tổ chức sản xuất để xây dựng các mô hình liên kết, các tổ hợp tác và nhóm hộ, câu lạc bộ cùng cộng đồng trách nhiệm phát triển kinh tế bền vững".


Chính vì thế, để nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đạt hiệu quả tối đa, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh xác định trọng tâm hai nhiệm vụ: Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân và hỗ trợ nông dân phát triển thông qua nguồn vốn.
Mai Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng