Quỹ HTND Bắc Giang: Điểm tựa giúp nông dân phát triển sản xuất
10:37 - 06/08/2022
(Quỹ HTND) – Hiện nay, nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn có điều kiện xây dựng, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các dự án  vay vốn được thực hiện với mục đích giúp hội viên, nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình "liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản"; sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tăng sức cạnh tranh trên thị trường đồng thời tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn



Quỹ HTND các cấp đã cho hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn triển khai xây dựng hàng trăm mô hình, dự án theo hướng liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có nhiều hộ nông dân đã trở lên khá, giàu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.


Năm 2021, nguồn vốn Quỹ HTND  tăng trưởng 4.548 triệu đồng nâng tổng nguồn vốn Qũy HTND trong toàn tỉnh đạt trên 58 tỷ đồng.


Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp được sử dụng đúng mục đích giúp cho hội viên, nông dân có nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, các dự án được đầu tư đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.


Đến nay, toàn xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đã có 245 ha đất chuyển đổi để trồng cam, hình thành một vùng trồng cây có múi chất lượng cao của cả huyện.


Xã Quý Sơn được chọn để triển khai thực hiện dự án "Trồng và thâm canh cây cam canh". Theo đó, 15 hộ được vay 750 triệu đồng thực hiện dự án với quy mô 08 ha, trồng 6.400 cây cam canh.


Dự án được thực hiện với mục đích giúp hội viên, nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình "liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản"; sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tăng sức cạnh tranh trên thị trường đồng thời tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, tăng thu nhập kinh tế hộ.


Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội ND tỉnh đã tích cực tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND.


Trong quá trình cho vay, Hội ND tỉnh đã khảo sát nhu cầu vay vốn, ưu tiên lựa chọn các hộ nông dân có khát vọng và ý chí làm giàu, cần cù lao động, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay.


Sau khi giải ngân Dự án, Hội ND xã đã phối hợp với phòng nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam canh theo tiêu chuẩn VietGap, sử dụng phân vi sinh, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và hướng thâm canh hữu cơ cho các hộ tham gia dự án.


Các hộ vay vốn đã đầu tư cây giống, cải tạo vườn, mua phân bón và chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh vốn vay cùng với nguồn vốn tự có của mỗi hộ gia đình đã đầu tư 800 cây giống/ha, bước đầu đã giải quyết được việc làm cho các hộ vay vốn và từ 20-30 lao động theo thời vụ.


Sau thời gian đầu tư chăm sóc cây cam đã cho thu hoạch với sản lượng và chất lượng rất cao, sản lượng bình quân đạt 20 tấn/ha, giá bán bình quân trên 50.000đ/kg giúp các hộ có thu nhập cao, có hộ thu trên 5 tỷ đồng.


Dự án đã đạt được tất cả các chỉ tiêu chủ yếu mà dự án đề ra, chứng minh thực tế rằng lựa chọn đúng cây trồng đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất rất cao; các hộ sản xuất biết liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình kinh tế tập thể (mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản) chung mua, chung bán sẽ giảm chi phí đầu vào tăng giá bán và lợi nhuận.


Dự án đã trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật và phương pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân nhằm nâng cao năng suất, tăng nhanh sản phẩm hàng hoá, tạo việc làm nâng cao thu nhập.


Đặc biệt thông qua thực hiện dự án, đã thành lập tổ Hội nghề nghiệp nông dân trồng cây cam canh của xã với trên 50 thành viên tham gia.


Những năm trước chưa thành lập tổ Hội, nên việc định hướng đầu tư như thế nào, khoa học kỹ thuật ra sao, chăm sóc cây trồng như thế nào do anh Lưu Văn Sáng Tổ Trưởng tổ Hội nghề nghiệp tự tìm hiểu.


Anh được Hội ND xã định hướng thành lập các tổ liên kết, anh đã cùng 14 hộ trong thôn, thành lập tổ Hội sản xuất và tiêu thụ cam đường, anh đã được Hội ND hướng dẫn tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây cam đường.


Tổ Hội của anh được tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ HTND để đầu tư sản xuất đến nay anh cùng các thành viên trong tổ đã thu về trái ngọt. Năm 2020 với diện tích trên 3ha trồng cam đường anh thu về hàng tỷ đồng.


Dự án "Trồng và thâm canh cây cam canh" đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân.


Hoạt động của mô hình "liên kết và tiêu thụ nông sản" đã có tác dụng hỗ trợ hội viên, nông dân trong hoạt động sản xuất; thúc đẩy sản xuất trên địa bàn phát triển, tạo tiền đề cho cung cách làm ăn mới, hướng sản xuất tới thị trường. Hiện nay mô hình trồng cây ăn cam canh được nhiều hộ hội viên, nông dân trong xã, ngoài xã tìm đến thăm quan và  học tập theo làm theo.


Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giai đoạn từ năm 2016-2021, với hơn 56 tỷ đồng từ Quỹ HTND, các cấp Hội đã cho gần 2.000 hộ vay để thực hiện hơn 230 dự án. Đồng thời, Hội phối hợp ngân hàng NN & PTNT, ngân hàng CSXH giúp hơn 68.000 hộ vay với tổng dư nợ hơn 4.800 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng/năm.


Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Chiếm (thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn) cho thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động; mô hình chăn nuôi lợn của ông Hoàng Đình Quê (xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động.


Hay như mô hình sản xuất chế biến gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Sự (xã Hợp Đức, huyện Tân Yên) thu nhập bình quân hàng năm 2,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động; mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Ngô Văn Ánh (xã Bảo Đài, huyện Lục Nam) cho thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 102.000 lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn thành lập 71 Hợp tác xã và 191 Tổ hợp tác, cùng hơn 1.000 tổ liên kết và chi Hội Nông dân nghề nghiệp… Đồng thời, Hội tăng cường thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.


Năm 2021, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp với Hội ND huyện Hiệp Hòa giải ngân nguồn vốn Qũy HTND cho dự án "Nuôi cá nước ngọt thâm canh".


Với tổng số tiền 600 triệu đồng, 10 thành viên HTX thủy sản Quế Sơn vay thực hiện dự án "Nuôi cá nước ngọt thâm canh" với tổng diện tích nuôi thủy sản 75.000m2, thời gian cho vay 24 tháng.


Được tiếp cận vốn vay Quỹ HTND và được hỗ trợ phí cho vay trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19, các hộ vay vốn cam kết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả vốn và phí đầy đủ, đúng hạn. Nguồn vốn vay đã hỗ trợ kịp thời giúp các hộ vay duy trì và phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn.


Như vậy, từ đầu năm đến nay, Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân trên 4 tỷ đồng cho 80 hộ vay thực hiện 08 dự án phát triển mô hình kinh tế tập thể, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, trong đó có 02 dự án thủy sản, 06 dự án phát triển cây chủ lực, đặc sản của địa phương góp phần phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh.


Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã giúp nhiều hội viên, nông dân đã thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời triển khai có hiệu quả hỗ trợ, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.


Năm 2021, trên địa bàn xây dựng 12 mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp; 85 mô hình tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đạt 200%KH. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, kết quả đã hướng dẫn thành lập 18 HTX, 58 Tổ hợp tác đạt 258%KH.


Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần củng cố và xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới.


Có thể nói, qua các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ đã tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm tạo ra các loại nông sản hàng hoá, dịch vụ đạt chất lượng cao. Qua đó, khẳng định được vai trò, vị thế của các cấp Hội trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Hội trong hệ thống chính trị.




 
Hòa Hảo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng