Lào Cai: Tăng cường hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình hiệu quả
10:31 - 16/08/2022
(Quỹ HTND) – Từ Quỹ HTND tiếp sức, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội ND các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, đồng thời chú trọng công tác tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho từng hộ để phát triển sản xuất hiệu quả



Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND. Đến nay, Quỹ HTND tỉnh quản lý 26,614 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ đạt 25,481 tỷ đồng với 38 dự án cho 475 hộ vay.


Nhờ nguồn vốn vay kết hợp với kiến thức KHKT được trang bị, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã triển khai thành công các dự án. Các dự án vay vốn Quỹ HTND đều mang tính khả thi và có hiệu quả cao về kinh tế, phát huy được thế mạnh của hội viên, nông dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.


Giai đoạn 2021-2025, Hội ND tỉnh xác định mục tiêu xây dựng khoảng 100 tổ, nhóm liên kết, Tổ hợp tác, HTX theo hướng "5 cùng"; tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn thông qua các dự án, tăng thu nhập bình quân 25-30 triệu đồng/năm/hộ vay vốn.


Quỹ HTND đã trở thành một phần nguồn lực thiết thực giúp hội viên nông dân, nhất là những hộ có ý chí quyết tâm làm giàu nhưng thiếu vốn có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh.


Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện giúp nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Ngoài ra, hoạt động của Quỹ luôn gắn với xây dựng các mô hình, dự án, Tổ hợp tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ vay.


Tại huyện Bảo Thắng, thôn Múc - xã Thái Niên được biết đến là cái nôi của đặc sản bưởi Múc. Đây là giống bưởi vỏ mỏng, mọng nước, ngọt dịu, có đặc trưng vượt trội so với các giống bưởi khác.


Người dân thôn Múc nhiều năm nỗ lực chăm sóc giống bưởi quý này, những cây bưởi bố mẹ như là báu vật được nông dân nơi đây chăm sóc, bảo vệ, nhân giống. Thôn Múc có 263 hộ, trong đó có 240 hộ trồng bưởi Múc (chiếm hơn 90% số hộ trong thôn).


Đa phần các hộ dân trồng bưởi với số vốn tự có của mình, nhiều hộ muốn đầu tư phát triển mở rộng quy mô và nâng cao năng suất, chất lượng bưởi nhưng còn thiếu vốn.


Biết được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân thôn Múc, Hội ND xã Thái Niên xây dựng dự án trình Hội ND tỉnh xem xét và đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội, Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương cho vay vốn để người dân đầu tư trồng bưởi.


Dự án “Trồng và chăm sóc cây bưởi Múc” tại xã Thái Niên được Ban Thường vụ Trung ương Hội phê duyệt cho vay với tổng số tiền đầu tư thực hiện dự án là 1,6 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ nguồn Quỹ HTND Trung ương 01 tỷ đồng, gồm 11 hộ vay, trung bình mỗi hộ được vay từ 50 - 100 triệu đồng (tùy theo quy mô và khả năng tài chính của từng hộ), thời gian vay 03 năm.


Có vốn, các hộ đã đầu tư trồng mới 3 ha bưởi, cải tạo 8,6 ha vườn bưởi trồng cũ để đầu tư chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP (trung bình mỗi hộ trồng từ 0,5 - 01 ha).


Đến nay, nhờ có vốn vay từ Quỹ HTND Trung ương, đồng thời được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đoàn thể, vườn bưởi của các hộ đã phát triển tốt, nông dân thôn Múc đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, đưa quả bưởi Múc trở thành sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, giá trị kinh tế thu được cao hơn rất nhiều lần so với trước đây, thu nhập bình quân của mỗi hộ tham gia dự án đạt trên 100 triệu đồng/năm, giúp đỡ được 5 hộ trong thôn thoát nghèo, có hộ đã vươn lên trở thành khá, giàu.


Ngoài ra, mô hình còn giúp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 40 lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững.


Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, Hội ND xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, đồng thời chú trọng công tác tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho từng hộ vay.


Đến nay, Hội đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 5 buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi cho các hộ vay vốn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất nên vườn bưởi của các hộ phát triển tốt, ít sâu bệnh, sai quả, quả to và đẹp, chi phí sản xuất giảm so với phương pháp sản xuất truyền thống trước kia.


Đặc biệt, từ khi bưởi Múc được công nhận và có nhãn hiệu hàng hóa, tem truy suất nguồn gốc thì việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ dân trong xã vô cùng thuận lợi, hiệu quả kinh tế tăng cao.


Để bưởi Múc phát triển và giữ được thương hiệu, có đầu ra tiêu thụ ổn định cho người nông dân, Hội ND xã Thái Niên đã vận động các hộ trồng bưởi liên kết trong sản xuất, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ vay vốn tham gia vào Hợp tác xã, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với mục đích liên kết theo tiêu chí “5 cùng”.


Các hộ trao đổi hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thông tin thị trường, giá cả, bàn giải pháp sản xuất có hiệu quả, đồng thời hỗ trợ giúp nhau về giống, vốn, đặc biệt là việc liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, cùng thống nhất về giá bán, phân loại bưởi theo tiêu chuẩn chung.


Hiện nay, Hợp tác xã bưởi Múc đang hoạt động rất hiệu quả, là cầu nối liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Trên mỗi quả bưởi Múc mà Hợp tác xã đưa ra thị trường đều gắn 3 loại nhãn: Nhãn hiệu bưởi Múc, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tem sản phẩm OCOP 3 sao.


Ngoài việc liên kết tiêu thụ bưởi cho 25 hộ xã viên, Hợp tác xã còn mở rộng liên kết tiêu thụ với 63 hộ trong thôn Múc với điều kiện quả bưởi đạt yêu cầu về mẫu mã, chất lượng cũng như đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, giữ uy tín của thương hiệu.


Từ việc coi trọng phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân”, lấy lợi ích kinh tế làm động lực để tập hợp đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội, hoạt động có hiệu quả của Quỹ HTND đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của Hội, đặc biệt là phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.


Đến nay, toàn xã có 468 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Cùng với đó, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tích cực tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.


Điển hình như: Hộ ông Nguyễn Văn Tiến, là thành viên dự án, đã đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Trong năm 2020, gia đình ông đã tự nguyện hiến 1.350m2 đất làm đường giao thông nông thôn, gần 100 ngày công lao động và trên 5 triệu đồng tiền mặt để xây dựng nông thôn mới, đồng thời kêu gọi các hộ trong thôn tích cực hưởng ứng làm theo.


Việc thực hiện dự án Quỹ HTND có hiệu quả đã góp phần đưa bưởi Múc trở thành loại hàng hóa chủ lực giúp người dân thôn Múc phát triển kinh tế.


Hội ND các cấp luôn xác định việc bảo đảm an toàn nguồn vốn là quan trọng nhất trong công tác quản lý vốn. Do đó, trước khi tiến hành các thủ tục giải ngân để cho vay nguồn vốn Quỹ HTND đều phải trực tiếp thẩm định đối với các hộ vay.


Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đều được quản lý, điều hành hoạt động chặt chẽ, đúng với điều lệ, quy chế quản lý Quỹ; trên địa bàn không có hiện tượng nợ xấu, nợ quá hạn và chiếm dụng vốn.


Tại huyện Bảo Yên, Hội ND xã Nghĩa Đô đã xây dựng dự án "Nuôi vịt bầu sinh sản và thương phẩm" tại bản Thâm Mạ, bản Nậm Cằm, vay vốn từ nguồn Quỹ HTND với số tiền 320 triệu đồng. Có 8 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ được vay 40 triệu đồng, thời gian vay 2 năm.


Đến nay, toàn xã Nghĩa Đô có trên 40 hộ chăn nuôi vịt, ước tính khoảng 4.000 con, tăng gấp hai lần so với trước khi chưa thực hiện dự án. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi thấy được hiệu quả của dự án đang dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thành thương hiệu "Vịt cổ lam Nghĩa Đô" và là sản phẩm OCOP theo định hướng phát triển kinh tế của xã và huyện đã đề ra.


Ông Lương Văn Măng ở xã Nghĩa Đô là 1 trong số 8 hộ hội viên, nông dân được vay vốn tham gia dự án. Thực tế từ nhiều năm qua, gia đình ông vẫn nuôi vịt đàn theo phương thức truyền thống, lại chỉ làm chuồng trại đơn sơ nên lợi nhuận thu về không cao. Từ khi được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, ông đã đầu tư cải tạo và mở rộng ao nuôi, mua thêm con giống, thức ăn chăn nuôi vịt.


Ngoài ra, ông Măng còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhân đàn, phòng trừ bệnh dịch cho đàn gia cầm nên đàn vịt khỏe mạnh, nhanh lớn, cho năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập cũng cao hơn.


Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có tổ Hội nuôi cá chép lai thâm canh tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng được thành lập từ 2016. Sau 2 năm, 100% các hộ nông dân trong tổ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.


Đến nay, tổ Hội nuôi cá chép lai thâm canh xã Nghĩa Đô đã thu hút được thêm 15 hộ tham gia, đưa tổng số thành viên của tổ Hội lên 30 người. Nhờ hoạt đông hiệu quả, bình quân mỗi hộ thành viên thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/hộ, giúp đỡ giảm được 20 hộ nghèo trong thôn, nhiều hộ nghèo trở thành khá giàu.


Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND đã góp phần quan trọng tạo đòn bẩy góp phần giúp các hộ nông dân có thêm nguồn lực để  mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực kỹ thuật sản xuất và kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng.


Hiện nay, các dự án vay vốn Quỹ HTND trong toàn tỉnh đều phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn, tạo động lực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế, nhất là xây dựng các tổh Hội nghề nghiệp, mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh…


Trong đó, nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được các cấp Hội quan tâm nhân rộng như: Dự án nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), vịt bầu tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), cá chép lai thâm canh, cá rô đơn tính tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát và TP.Lào Cai.


Ngoài ra, còn có các dự án chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát đã phát huy được lợi thế nguồn thức ăn cho gia súc phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế cao có sức lan tỏa mạnh mẽ.


Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, cán bộ hội nông dân các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, chọn hộ vay đúng đối tượng để tham gia nhóm hộ xây dựng dự án. Các hộ nông dân sau khi vay vốn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các Tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng, giúp các hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.


Nguồn vốn trên đã giúp nông dân mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả.




 
Xuân Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng