|
Mô hình trồng na đã góp phần hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm giúp các hộ nông dân nghèo vươn lên làm giàu |
Ngay sau khi nhận được thông báo của Ban điều hành Quỹ HTND của Trung ương Hội, Hội ND tỉnh, Hội ND huyện Hữu Lũng về thực hiện Quỹ HTND nguồn TW, Ban Thường vụ Hội ND xã đã họp bàn phương án tổ chức, triển khai thực hiện Dự án cụ thể: Lựa chọn địa điểm, hộ hội viên tham gia thực hiện dự án, khảo sát nhu cầu vốn, vốn thực hiện dự án; lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để thực hiện dự án xây dựng dự án, soạn thảo các giấy tờ văn bản theo yêu cầu, hoàn thiện hồ sơ dự án trình phê duyệt, bầu Ban quản lý dự án.
Hội ND xã Minh Tiến được giao thực hiện dự án “Trồng và chăm sóc cây na dai” từ 04/2020 đến 04/2022 từ nguồn vốn vay Quỹ HTND TW với số tiền là 1 tỷ đồng/ 20 hộ vay tham gia dự án.
Sau khi triển khai, có 20 hội viên của chi Hội thôn Đồng Khu tham gia dự án với nguồn vốn có sẵn của các hội viên là 500 triệu đồng. Với nguồn vốn 1 tỷ đồng cho vay và vốn sẵn có, các hội viên đã đầu tư vào mô hình trồng và chăm sóc cây na dai. Với nguồn vốn vay này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 hộ hội viên, nông dân với 38 lao động.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Cấp ủy, chính quyền địa phương về việc phát triển kinh tế địa phương nhất là việc đưa các cây, con giống có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất.
Trong những năm gần đây Hội ND xã và các hội viên, nông dân đã tìm hiểu về quy trình chăm sóc, thổ nhưỡng và khí hậu về việc trồng cây na dai. Với lợi thế của cây na dai hiện nay đã được trồng đại trà ở hai huyện trong tỉnh là huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng và đến nay đã có thương hiệu; với những lợi thế như vậy nên Hội ND và các hội viên trong xã đã đưa cây na dai vào trồng và chăm sóc.
Đến thời điểm hiện tại tổng diện tích cây na trên địa bàn xã trồng được là: 118,9 ha, trong đó trồng mới được 05 ha, diện tích đã cho thu hoạch là 105,6 ha. Sau khi có dự án cho vay, Hội ND xã đã phối hợp với Trung tâm nghề nghiệp huyện tổ chức một lớp đào tạo trồng và chăm sóc cây na cho 35 hội viên tham gia.
Kết quả 35/35 học viên đều được cấp chứng chỉ. Với những kiến thức đã được học và được thực hành trực tiếp, các hội viên đã áp dụng vào thực tiễn hiệu quả.
Từ nguồn vốn vay và vốn sẵn có các hội viên đã mua phân bón, mua cây giống phát triển và mở rộng tăng diện tích trồng na của địa phương tăng từ 113,9 ha đầu năm 2020 lên khoảng 118,9 ha đến thời điểm hiện nay, số hộ trồng na tăng từ 105 hộ lên 112 hộ; mỗi hộ tham gia dự án có thu nhập bình quân tăng thêm khoảng 20 - 25 triệu đồng/hộ/năm.
Hiện nay, trong toàn xã đã có 08 gia đình hội viên, nông dân sản xuất na trái vụ, bước đầu đã cho thu hoạch đảm bảo chất lượng.
Hội ND xã cùng với Hợp tác xã cây ăn quả Đồng Bé, xã Minh Tiến phối hợp với Sở Nông nghiệp tỉnh tổ chức lớp triển khai thực hiện mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap có 30 hội viên tham gia.
Đã có 25 hộ đã đăng ký dán tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm quả na do hộ gia đình sản xuất với diện tích trên 30 ha. Từ nguồn vốn vay Quỹ này các hội viên đã ý thức hơn về mục đích đóng góp xây dựng Quỹ HTND. Qua đó các hội viên, nông dân tiếp tục nhân rộng và mở rộng quy mô mô hình trong những năm tiếp theo.
Trong những năm tiếp theo, xã sẽ tiếp tục tham mưu triển khai các nội dung của Hội ND xã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội của xã, tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng Na, vì hiện nay diện tích các vàn đất trên núi đá vôi vẫn còn để có thể sử dụng để trồng cây na.
Hội ND huyện Chi Lăng quản lý nguồn Quỹ HTND trên 3,8 tỷ đồng. Hiện có 208 gia đình hội viên tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được vay vốn thực hiện 27 dự án phát triển kinh tế.
Quỹ HTND huyện thực hiện cho vay theo phương án sản xuất – kinh doanh, mỗi chu kỳ cho vay khoảng 2 đến 3 năm. Trong quá trình cho vay, hội luôn chú trọng kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Hàng năm, Hội ND huyện tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả, chăn nuôi, cách sử dụng các loại phân bón, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác; tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh.
Ban Thường vụ Hội ND huyện chỉ đạo Hội ND các cấp trên địa bàn định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp để hướng dẫn hội viên xây dựng dự án vay vốn.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, chúng tôi tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của các hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.
Định kỳ, Quỹ HTND huyện ban hành các kế hoạch để triển khai vận động xây dựng nguồn quỹ từ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, trường học, các xã, thị trấn; các tổ chức chính trị – xã hội, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; các hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các hộ nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Bên cạnh hoạt động vay vốn, các cấp Hội phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về gieo, chăm sóc mạ và phòng chống rét, tích trữ thức ăn trâu, bò; cách sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trông cây, nuôi gia súc, gia cầm; hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới thẽo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng Vietgap, Globalgap cho hàng chục ngàn người tham dự nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Thông qua việc lập và triển khai các dự án, hội viên nông dân không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn tích lũy được thêm kinh nghiệm trong phát triển sản xuất. Nhiều hộ vay đã sử dụng vốn tốt, phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cho các hộ nông dân, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Thông qua hoạt động vay vốn ủy thác ngân hàng CSXH, kết quả nhận ủy thác cho vay từ đầu năm đến nay đạt 296.113 triệu đồng cho 442 hộ, nâng tổng số dư nợ trong các chương trình cho vay đạt 934.701 triệu đồng ; phối hợp tổ chức “Ngày hội tiết kiệm - chung tay vì người nghèo” và gửi tiết kiệm được số tiền 720 triệu đồng.
Thực hiện thỏa thuận liên ngành số 01/TTLN-HNDVN-AGRIBANK, tính đến nay, 11/11 huyện thành phố thành lập được các Tổ Vay vốn với 89 xã đã ký hợp đồng với tổng dư nợ là 411.391 triệu đồng/5.025 hộ vay/245 Tổ Vay vốn.
Có thể khẳng định, từ những giá trị mà nguồn vốn Quỹ HTND đem lại ngày càng tỏ rõ tính ưu việt bởi vốn Quỹ không chỉ giải quyết nguồn vốn trước mắt giúp nông dân làm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, thu nhập của hội viên, nông dân phát triển mà còn tác động tích cực góp phần củng cố tổ chức Hội và phong trào nông dân vững mạnh toàn diện. Những kết quả đạt được của các cấp Hội còn góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân tại địa phương.