Lâm Đồng: Nông thôn ngày càng đổi mới nhờ các dự án từ nguồn vốn vay Quỹ HTND
10:50 - 08/08/2022
(Quỹ HTND) – Trong năm 2022, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng trưởng hơn 4,42 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lí hiện đạt 58,288 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác 14,5 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương các huyện cấp bổ sung cho Quỹ cùng cấp 43,78 tỷ đồng; nguồn ủng hộ 1,32 tỷ đồng.

 
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương sang cho Quỹ HTND cùng cấp nhằm giúp tăng nguồn vốn Quỹ HTND ngay tại cơ sở. Đồng thời, các cấp Hội chủ động triển khai tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân để hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND.

 

Đáp ứng yêu cầu và tình hình mới, các cấp Hội đã chú trọng việc giải ngân nguồn vốn vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn


Trên cơ sở đó, công tác vận động hội viên, nông dân tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ HTND trên địa bàn được thuận lợi và đạt kết quả cao. Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp, hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn được hỗ trợ kịp thời, có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

 

Nhằm đáp ứng yêu cầu và tình hình mới, các cấp Hội đã chú trọng việc giải ngân nguồn vốn vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ. Qua đó, đã giúp nhiều địa phương trong tỉnh hình thành nên các mô hình chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới nhằm gia tăng năng suất và lợi nhuận cho các hộ dân khi tham gia thực hiện các mô hình, dự án.

 
Tiêu biểu như: Trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao trong trong nhà kính, nhà lưới; trồng xen cây ca cao trong vườn điều; cải tạo, chăm sóc, thâm canh cây cà phê; đầu tư thâm canh vườn cây cao su; chăm sóc và cải tạo vườn sầu riêng năng suất thấp thành sầu riêng ghép cho năng suất cao; chăn nuôi lợn thịt; nuôi dúi; nuôi nhím; chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò sữa…

 
Nhìn chung, các dự án được triển khai trên địa bàn đều đang có mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Trong kỳ, từ nguồn vốn ủy thác của Trung ương đang triển khai cho 379 hộ vay để thực hiện 24 dự án. Cụ thể: Có 20 dự án trồng trọt (chiếm 83,3%); 04 dự án chăn nuôi (chiếm 16,7%).

 
Đồng thời, đối với nguồn vốn do Quỹ HTND tỉnh quản lí 14,625 tỷ đồng hiện cũng đang cho 454 hộ vay để triển khai tại 46 dự án. Theo đó, có 44 dự án trồng trọt (chiếm 95,7%), 02 dự án chăn nuôi (4,3%). Nguồn Quỹ HTND huyện đã giải ngân xong 24,903 tỷ đồng cho 1.057 hộ vay thực hiện 138 dự án; trong đó, 127 dự án trồng trọt (chiếm 92%), 11 dự án chăn nuôi (8%).

 
Hàng năm, được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, Quỹ HTND đã lựa chọn, phân bổ đúng vùng trọng điểm, xây dựng các mô hình mang tính định hướng. Từ đó, phát triển, nhân rộng những mô hình hiệu quả giúp hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.

 
Tại nhiều huyện, thành Hội cũng đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc lồng ghép cho vay nguồn vốn với các hoạt động tập huấn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho hội viên, nông dân. Qua đó, nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương để gia tăng giá trị và lợi nhuận cho người nông dân.

 
Qua đánh giá, việc cho vay vốn Quỹ HTND gắn với dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật hiệu quả đã góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đồng thời, các mô hình, dự án được triển khai giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân trong tỉnh. Hiện, mức thu nhập bình quân trên đầu người tăng khá, đạt khoảng 79 triệu đồng/năm; góp phần giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động nông thôn.

 
Từ nguồn vốn vay, nhiều mô hình, dự án đã phát triển tốt, giúp người vay vốn thu được các sản phẩm có chất lượng cao, gia tăng thu nhập. Tại nhiều địa phương cũng đã xây dựng và hình thành các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất mang lại hiệu quả.

 
Công tác cho vay vốn được các cấp Hội thực hiện theo đúng quy định. Mỗi dự án, mô hình đều được triển khai thực hiện với nhóm từ 10- 30 hộ hội viên, nông dân trên cùng địa bàn. Sau khi kết thúc dự án, các cấp Hội lại tiếp tục luân chuyển nguồn vốn đến các nhóm hộ khác được vay.

 
Hiện, tổng dư nợ từ nguồn vốn Quỹ cấp Trung ương và Quỹ cấp tỉnh đã giải ngân cho vay quay vòng đạt trên 73,7 tỷ đồng với 2.826 lượt hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 201 dự án. Trong đó, có 39 dự án chăn nuôi (bò sữa, bò sinh sản, bò thịt, nuôi nhím); 84 dự án cải tạo, chăm sóc cà phê, chăm sóc cây sầu riêng, chăm sóc cây điều; 33 dự án trồng dâu nuôi tằm; 45 dự án trồng rau, hoa, quả, cây Atisô.

 
Tại huyện Đạ Tẻh, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Cùng với đó, thường xuyên tiến hành việc kiểm tra, giám sát, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ HTND cho các cấp Hội ở cơ sở.

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND huyện đang quản lý đạt 5,029 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ủy thác của Trung ương Hội là 2,5 tỷ đồng; nguồn do cấp tỉnh ủy thác 300 triệu đồng; nguồn ngân sách huyện 1,5 tỷ đồng; nguồn ủng hộ từ cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh 729 triệu đồng.

 
Qua các năm, hoạt động của Quỹ HTND huyện đã và đang ngày càng cho thấy phát huy tính hiệu quả thiết thực, rõ nét. Thông qua vốn vay từ Quỹ HTND đã hỗ trợ hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, đẩy mạnh hoạt động chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

 
Đáng chú ý, các cấp Hội trong huyện đã chú trọng việc cho vay vốn theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ liên kết. Qua đó, đã giúp hình thành nhiều mô hình các chi, tổ Hội, tổ hợp tác, Hợp tác xã.

 
Hiện nay, các cấp Hội đã chủ động thành lập và phối hợp thành lập được 38 tổ hợp tác, 16 Hợp tác xã và 17 chi Hội nghề nghiệp. Các cấp Hội thường xuyên phối hợp cùng ngành chức năng liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các phương án làm ăn để giúp hội viên, nông dân biết cách sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát huy tính hiệu quả.

 
Đã có nhiều hộ hội viên, nông dân nhờ được trợ lực kịp thời, lại biết cách nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh đã trở nên khá, giàu. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế đạt hiệu quả như: Trồng dâu nuôi tằm, trồng sầu riêng, trồng cây ăn quả, trồng tre Mạnh tông, trang trại nuôi gà sạch… Thông qua những mô hình của các hộ này cũng đã giúp tạo thêm việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.

 
Điển hình như dự án trồng dâu nuôi tằm triển khai tại địa bàn xã Đạ Kho, từ nguồn Quỹ HTND Trung ương đã giải ngân 1 tỷ đồng cho 36 hộ vay trong thời gian 24 tháng. Qua triển khai thực hiện, cả 36 hộ dân trong dự án đều đã có nhà nuôi tằm kiên cố, diện tích đất canh tác trồng dâu nuôi tằm đảm bảo cho thu hoạch đều và ổn định, góp phần vào sự phát triển chung của cả xã.

 
Cụ thể, xét về quy mô diện tích, thời điểm trước khi thực hiện dự án, toàn xã có diện tích trồng dâu chiếm khoảng 157,5 ha. Đến nay, diện tích canh tác của bà con nông dân đã nâng lên thành 257,2 ha (tăng 99,7 ha).

 
Mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thấy rất phù hợp với điều kiện thực tế của hội viên, nông dân trong xã, có tính bền vững và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Bình quân hàng năm, sản lượng kén tằm của các hộ dân đạt 45 tấn, tương đương với 6,75 tỷ đồng. Mô hình hiện ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo theo yêu cầu của các đơn vị thu mua.

 
Có nhiều hộ hội viên, nông dân nhờ được vay nguồn vốn từ Quỹ HTND đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất vườn trồng điều già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 5- 7 triệu đồng/tháng và đã thoát được nghèo. Trong đó, có nhiều hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu như các hộ gia đình: Anh K’Tuấn (ở xã Quốc Oai); anh K’Đô (xã An Nhơn); chị Ka Van (xã Mỹ Đức)…

 
Tại địa bàn huyện Lạc Dương, với số vốn đầu tư 1 tỷ đồng từ nguồn ủy thác của Trung ương Hội đang cho 25 hộ hội viên, nông dân vay trong thời gian 24 tháng để thực hiện dự án trồng rau sạch kết hợp trồng atisô ở xã Đạ Sar. Bước đầu cho thấy dự án đang mang lại những kết quả thiết thực.

 
Có vốn, các hộ dân tham gia vào dự án đã chủ động đầu tư làm hệ thống tưới tự động, mua cây giống, vật tư nông nghiệp… Diện tích thực hiện dự án bình quân khoảng 0,2 ha/hộ. Từ lúc thực hiện đến khi kết thúc dự án, các hộ vẫn duy trì sản xuất theo từng thời vụ, cây phát triển tốt, kiểm soát được sâu, bệnh hại.

 
Cùng với việc giải ngân cho vay vốn, Hội ND tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng- Ladophar tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân trong dự án. Theo đó, các hộ dân được phía Công ty hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật quy trình trồng và chăm sóc...

 
Đến kỳ thu hoạch, Công ty sẽ tiến hành thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thành ổn định; cụ thể lá tươi 2.600 đồng/kg, rễ và thân tươi 11.000- 15.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện tại, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt trên 200 triệu đồng/năm. Hiện, sản phẩm đã được xuất đi các siêu thị ở Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang...; đồng thời, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động tại chỗ với mức thu nhập ổn định từ 4- 5 triệu đồng/tháng.

 
Hay như dự án trồng rau và hoa công nghệ cao ứng dụng hệ thống phun tưới tự động tại địa bàn xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) có tổng số vốn đầu tư 600 triệu đồng từ nguồn Trung ương ủy thác, giải ngân cho 20 hộ hội viên, nông dân vay. Các hộ vay vốn để thực hiện dự án còn được Hợp tác xã Nam Sơn- thị trấn Liên Nghĩa đầu tư cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi.

 
Khi đến kỳ thu hoạch có sự thoả thuận với nông dân về giá mua và bao tiêu đầu ra trong khâu tiêu thụ nông sản. Ước tính bình quân lợi nhuận sau khi trừ hết mọi chi phí đầu tư cho thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/hộ/năm…

 
Từ 20 hộ tham gia dự án ban đầu có diện tích canh tác là 10 ha, đến nay, mô hình có sức lan tỏa và đã được nhân rộng ra 87 hộ nông dân khác trên địa bàn. Các hộ dân tích cực cải tạo, chuyển đổi 75 ha đất lúa một vụ cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha.

 
Có thể thấy, thông qua nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình hội viên, nông dân tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng và có hiệu quả; nhất là đối với các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, là người đồng bào dân tộc thiểu số… Từ cách làm hiệu quả của các cấp Hội cũng đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn như cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn. Đồng thời, hạn chế dần tình trạng bán non hàng hóa, nông sản ở khu vực nông thôn, giúp cho các hộ dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Vũ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng