(Quỹ HTND) - Với nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
|
Quỹ HTND đã góp phần tạo thêm nguồn lực cho nông dân, nhất là nông dân nghèo có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều nông dân |
Quỹ đã kịp thời hỗ trợ vốn vay cho hội viên nông dân để tăng gia sản xuất, mở rộng quy mô và tăng thu nhập, góp phần giúp hội viên, nông dân ổn định cuộc sống.
Hàng năm, các cấp Hội đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp để kịp thời cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ từ ngân sách sang.
Đồng thời, Hội ND thành phố cũng sớm giao chỉ tiêu vận động, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ cụ thể cho từng cơ sở Hội và đưa vào làm tiêu chí bình xét thi đua định kỳ.
Quỹ HTND đã kịp thời giảm phí cho vay quý III, IV năm 2021 và quý I, II năm 2022; thực hiện gia hạn nợ cho các hộ vay vốn Quỹ HTND gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo đó, tổng dư nợ Quỹ HTND thành phố hơn 132,2 tỷ đồng cho 3.063 hộ vay. Bên cạnh đó, nhiều mô hình điển hình hiệu quả được Quỹ HTND thành phố hỗ trợ vốn vay được giới thiệu và nhân rộng.
Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, tập huấn, xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện hiệu quả với hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân và các Hợp tác xã trên 3.029 tấn nông sản với hơn 85,6 tỷ đồng.
Các cấp Hội trên địa bàn đã hỗ trợ chăm lo cho hội viên, nông dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 trên 11.101,4 tấn hàng hoá, nông sản với hơn 22,82 tỷ đồng và 2,12 tỷ đồng tiền mặt.
Ngoài ra, nhiều hội viên được vay từ nguồn vốn ủy thác ngân hàng CSXH để giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo.
Thành Hội tăng cường công tác thẩm định, tái thẩm định và kiểm tra các dự án vay vốn Quỹ HTND; tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động Quỹ HTND của các đơn vị cấp huyện và cơ sở; giới thiệu các mô hình, giải pháp hay để nhân rộng thực hiện.
Quỹ HTND ở các cấp Hội ngày càng phát triển và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, để giúp nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng thường xuyên và liên tục, Hội đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội tích cực thực hiện.
Nguồn vốn vay của Quỹ HTND đã giúp giải quyết một phần khó khăn về vốn trong sản xuất cho bà con nông dân, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa bàn nông thôn.
Các cấp Hội đã tổ chức và hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng thành công nhiều mô hình, dự án theo hình thức nhóm hộ, với hàng nghìn lượt hộ đăng ký tham gia để cùng phát triển sản xuất một loại cây, con có thế mạnh ở địa phương.
Các chương trình, dự án được triển khai vừa để quản lý tốt và bảo toàn nguồn vốn vay; đồng thời, còn khuyến khích hội viên, nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất kinh doanh, giúp nâng cao thu nhập và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Hội ND các cấp tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào trong hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác nhằm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển mô hình kinh tế tập thể... gắn kết doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị hàng hóa có giá trị cao.
Đồng thời, triển khai hiệu quả việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa và tập trung giải ngân các nguồn vốn vay, tạo nguồn lực hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh.
Năm năm qua, toàn thành phố có tổng số 88.657 lượt hội viên, nông dân đăng ký thực hiện phong trào. Qua bình xét có 73.275 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố giai đoạn 2017-2021, toàn thành phố có 244 hộ. Số hộ có mức thu nhập bình quân đạt khá cao, gần 334 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, so với giai đoạn 2012-2016, số hộ có mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/người/năm tăng 58,11%, số hộ có mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/người/năm tăng 63,79%.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phát triển nông nghiệp, nông dân thành phố theo hướng bền vững, hiện đại.
Phong trào cũng góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Hiện, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tại thành phố bình quân đạt khoảng 600 triệu đồng/ha.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp thành phố phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị, thông minh và thân thiện môi trường.
Hội ND huyện Bình Chánh phối hợp ngân hàng NN & PTNT, ngân hàng CSXH, Quỹ HTND thành phố... hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho 27.296 lượt hộ vay với tổng số vốn gần 1.339 tỷ đồng.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp, thay vào đó là những mô hình sản xuất nông nghiệp từng bước tổ chức liên kết tiêu thụ nông sản, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật và xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả phù hợp từng vùng sinh thái mang lại giá trị kinh tế cao.
Có được kết quả trên là nhờ Hội ND thành phố đã quan tâm chỉ đạo, đề ra các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phong trào phát triển; tích cực hỗ trợ vốn, triển khai các mô hình điểm giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nhiều mô hình, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Từ nguồn vốn vay ban đầu của Quỹ HTND quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, anh Bùi Công Đức tại 15 đường số 16 khu phố 4 phường Linh Đông phát triển mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính.
Anh là Giám đốc công ty TNHH DUCSAGO, công ty đang hoạt động với mô hình trồng nấm rơm nhà kính, ứng dụng công nghệ cảm biến, điều khiển tự động.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh anh luôn mang trong mình ước mơ làm chủ 1 trang trại.
Được đào tạo chính quy bài bản,nhưng việc lựa chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp ở một thành phố năng động về kinh tế thực sự không dễ dàng gì, do vậy bước đầu lựa chọn mô hình nông nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó khu vực xung quanh có loại hình nông nghiệp chủ lực là hoa mai, kiểng-bon sai, hoa lan các loại.
Từ việc thích khám phá, thử thách bước đi mới, với suy nghĩ “Nông nghiệp thì có vô vàn loại cây nhưng không dễ gì tìm kiếm loại cây trồng phù hợp với thời tiết vùng này và hướng phát triền bền vững, lại có thị trường tiêu thu dồi dao, anh quyết định lựa chọn nấm rơm để phát triển sự nghiệp trong tương lai" cùng với tâm huyết tạo ra những sản phẩm an toàn sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất, ban đầu anh Đức tiến hành trồng “nấm rơm trong nhà”, tưởng chừng thành công nhưng thực tế lại thất bại nặng nề trong lần đầu tiên khi vừa khởi nghiệp.
Thất bại lần đầu không làm anh nản chí, mà đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc để anh tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, quyết không bỏ cuộc.
Được tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND của quận Thủ Đức hỗ trợ, nhờ thêm bạn bè, người thân và bắt đầu lại với số vốn chưa đến 50 triệu đồng.
Anh đến Viện công nghệ sinh học trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhờ tư vấn và hỗ trợ. Sau thời gian tìm hiểu, các chuyên gia khuyên anh nên thử với nấm bào ngư và khi áp dụng đã thành công.
Từ nguồn với gần 50 triệu đồng ban đầu với 3.000 phôi giống, trang trại nấm của anh đã phát triển lên đến 14.000 phôi và đã giải quyết việc làm cho hơn 10 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Sau đó anh phát triển đến 40.000 phôi. Khi thị trường nấm bào ngư có nhiều biến động, giá thị trường xuống thấp làm cho anh quyết định quay lại trồng nấm rơm trong nhà, hiện tại khu vực quận 2, quận 9, quận Thủ Đức trước đó không có cơ sở sản xuất nấm rơm.
Tiếp đến anh thực nghiệm mô hình trồng nấm rơm trong nhà đợt trồng lứa đầu tiênvới màu sắc tươi sáng, chất lượng nấm rơm tươi ngon nhất.
Sau những đợt trồng tiếp theo, anh thấy việc chăm sóc và kỹ thuật tưới ẩm cho nấm rơm tốn nhiều công sức.
Vì vậy, anh tìm hiểu công nghệ cảm biến và điều khiển tự động của công ty Agriconnect để áp dụng vào phòng trồng nấm rơm, kết quả bước đầu giảm công sức chăm sóc và đảm bảo điều kiện sinh trưởng cho nấm rơm phát triển tốt.
Cuối năm 2017, được biết Quỹ HTND của Hội ND Thành phố Hồ Chí Minh cho vay vốn lên đến 100 triệu đồng, anh lập dự án để đầu tư thêm bộ cảm biến công nghệ IoT (4.0) và mở rộng thêm mô hình trồng nấm rơm trong nhà màng.
Trang trại nấm của anh cũng là nơi để các cơ cở Đoàn thanh niên, trường học đến tham quan và học tập kinh nghiệm về mô hình trồng nấm như các chương trình: Một ngày làm nông dân, Em yêu thiên nhiên, Khám phá đam mê - khởi nghiệp trong tay, thử tài làm nông dân...và chính bản thân anh là người giới thiệu về nền nông nghiệp, về vai trò của Hội ND, về người nông dân, về quá trình khởi nghiệp từ nghề nông đến các bạn trẻ…cho trên 200 thanh thiếu niên đến trại nấm rơm để học tập.
Bên cạnh đó, anh còn dạy nghề trồng nấm rơm trồng trong nhà kính cho anh Thanh Vũ – Trại trồng nấm rơm Thanh Vũ thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận và anh Tấn Vũ ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thực hiện phát triển mô hình trồng nấm rơm tại địa phương.
Trang trại của anh tạo điều kiện tốt cho Hội ND quận Thủ Đức, Hội ND Quận Bình Tân, Hội ND xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè đưa nhiều hội viên nông dân đến giao lưu học tập kinh nghiệm để ứng dụng tại địa phương.
Nhiều năm qua sản phẩm nấm rơm trong nhà của anh được nhiều khách đón nhận, vì nấm rơm tươi ngon, an toàn. Trong kinh doanh, anh chọn phương thức bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng để có lợi nhuận cao, dòng tiền nhanh để tái đầu tư, phục vụ sản xuất, đến tháng 8/2019 anh quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn DUCSAGO.
Mô hình sản xuất nấm rơm ngày càng phát triển, đòi hỏi kiến thức, năng lực quản lý chuyên môn cao, do đó, anh thường xuyên ghi chép các quy trình để so sánh nhằm cải tiến các công đoạn sản xuất cho hiệu quả.
Đến tháng 10/2019, Công ty TNHH DUCSAGO ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu với bộ môn công nghệ sinh học trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng khu thực nghiệm nấm rơm (4.0) trong thời gian 05 năm, khu thực nghiệm hoạt động với nhân lực chính là sinh viên của bộ môn công nghệ sinh học.
Nơi đây các bạn sinh viên trực tiếp thực hiện các công đoạn mô hình trồng nấm rơm trong nhà với các tiểu nghiên cứu như: Sự phát triển các loại giống nấm rơm khác nhau, nghiên cứu sự hô hấp của nấm rơm, bề dày giá thể trồng nấm rơm, khoảng cách giữa các tầng trồng nấm rơm, sử dụng bã thải sau trồng nấm rơm làm phân bón, giá thể trồng cây.
Khi các sinh viên đến đây làm việc các bạn đều có thu nhập thêm cho bản thân. Tháng 11/2020, khu thực nghiệm đã hỗ trợ các bạn sinh viên tham gia cuộc thi “khởi nghiệp nông nghiệp” lần 3 năm 2020 do trường Đại hội Nông Lâm tổ chức với mô hình khởi nghiệp nấm rơm Henyo đã đạt giải ba.
Trong giai đoạn sắp tới, mô hình trồng nấm rơm nhà kính của anh Đức sẽ có những nghiên cứu về giống, các chế phẩm sinh học phục vụ ngành nấm rơm, sản phầm nấm rơm sơ chế, sử dụng bã thải sau trồng nấm rơm đế làm phân bón, làm giá thể vườn ươm hình thành chuỗi giá trị của nấm rơm.
Từ nguồn vốn vay ban đầu của Quỹ HTND quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ anh phát triển mô hình trồng nấm rơm trong nhà kínhứng dụng hiệu quả công nghệ cảm biến sản xuất ra những sản phẩm nấm rơm không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất bảo quản sau thu hoạch, tạo nên sản phẩm đặc trưng tươi ngon, chất lượng đảm bảo, an toàn tại thị trường.
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn, Hội ND thành phố chỉ đạo Hội ND các cấp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn các hộ vay vốn về phương thức sử dụng vốn vay.
Đồng thời, tổ chức cho các hộ thảo luận, bàn bạc và cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, trả gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Thông qua các lớp tập huấn được triển khai trên địa bàn có thể thấy, công tác quản lý Quỹ HTND đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Việc quản lý nguồn vốn ngày càng tập trung, hoạt động bình xét cho vay luôn đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với ngành nghề giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Từ vốn Quỹ, bà con nông dân đã nâng cao quy mô sản xuất, phát triển kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống.