Hải Dương: Hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các mô kinh tế
08:22 - 08/10/2022
(Quỹ HTND) -  Bằng nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã tích cực hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.
Các cấp Hội cũng luôn sát sao, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật nhằm giúp đỡ hội viên, nông dân ổn định cuộc sống



Để có nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế, hằng năm, Hội ND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm, hộ có kinh tế khá… quyên góp, ủng hộ Quỹ.


Quỹ HTND được coi là “bà đỡ” giúp hội viên nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh. Vì thế, việc quản lý, phân bổ vốn, kiểm tra, giám sát được Hội ND tỉnh chú trọng triển khai.


Hằng năm, Hội xây dựng kế hoạch cụ thể sử dụng vốn, phân bổ vốn cho từng đơn vị đạt tiêu chuẩn và đưa vào chỉ tiêu bình xét thi đua, đánh giá cuối năm. Việc lựa chọn đơn vị được vay vốn từ cấp huyện đến cấp Trung ương, cũng có những điều kiện nhất định.


Quy trình hội viên, nông dân được vay vốn từ Quỹ các cấp cũng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ từ chi Hội họp, bình xét đến Hội ND tỉnh thẩm định (đối với vốn của tỉnh và Trung ương).


Các bước được thực hiện công khai, dân chủ để tất cả hội viên có nhu cầu, đáp ứng các tiêu chí thì đều được tiếp cận vốn vay. Quy trình cho vay chặt chẽ, bảo đảm nguồn vốn khi trao đến tay hội viên được sử dụng đúng mục đích.


Hội ND xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện đã được Quỹ HTND Trung ương đầu tư thực hiện dự án “Thâm canh cây cam đường canh theo hướng an toàn sản phẩm” với số vốn 1,5 tỷ đồng cho 30 hộ vay, đây là cơ hội để các hộ tham gia dự án có thêm điều kiện phát triển mô hình cây ăn quả nói riêng và mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình mình nói chung, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội.


Thực hiện dự án, các hộ nông dân đã liên kết cùng mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông qua đầu mối cung ứng là Ban quản lý dự án, thường xuyên trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cách làm trong sản xuất; sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc, tăng cường sử dụng phân bón nguồn gốc hữu cơ, các chế phẩm vi sinh, thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc sinh học; duy trì chế độ sinh hoạt theo đúng quy chế, định kỳ, chủ đề sinh hoạt tập trung vào các vấn đề chăm sóc, diễn biến tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng trị, kỹ thuật cắt tỉa cành; nhận định giá cả thị trường tại từng thời điểm để tổ chức liên kết cùng mua vật tư đầu vào, kế hoạch thu hoạch, lựa chọn đối tác tiêu thụ sản phẩm.


Qua đó mặc dù là năm đầu tiên cho thu hoạch sản phẩm, nhưng nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn nên năng suất cam của dự án cao hơn khoảng 10% so với sản xuất đại trà, các hộ tham gia dự án đều làm ăn có hiệu quả.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn hỗ trợ và hướng dẫn Hội ND xã Chi Lăng Nam xây dựng mô hình “Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cam an toàn” sản xuất theo quy trình VietGAP với các thành viên tổ Hội là các hộ tham gia dự án.


Hội ND tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kinh phí kiểm định cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.


Với sự năng động, nhiệt tình trách nhiệm của Ban điều hành tổ Hội, Ban quản lý dự án cùng với những kiến thức đã được tập huấn, kinh nghiệm về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây cam, các hộ tham gia dự án đã thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại cây cam theo quy trình VietGAP; duy trì tốt chế độ sinh hoạt của các hộ tham gia dự án.


Nội dung, phương thức sinh hoạt được Ban quản lý dự án thường xuyên đổi mới có lồng ghép với nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân cơ sở. Tổ Hội đã thống nhất xây dựng Quỹ và quy chế chi tiêu phục vụ các hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình thành viên khi có việc hiếu, hỷ hoặc cho các hộ thành viên vay khi gặp khó khăn.


Tính liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ tham gia dự án ngày càng chặt chẽ, tạo việc làm, hỗ trợ nhau cùng làm giàu bền vững.


Kết quả thu hoạch sản phẩm năm thứ hai của dự án, năng suất cam tăng lên rõ rệt đạt khoảng 25 tấn quả/ha, chất lượng, mẫu mã quả đẹp, được gắn tem truy xuất nguồn gốc và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ tham gia dự án có thu nhập khá, sau khi trừ các khoản chi phí các hộ thu lãi trên 10 triệu đồng/sào.


Trong đó, tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Đức Lê, diện tích tham gia 1,5 mẫu, lợi nhuận ước đạt trên 70 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Hữu Dưỡng, diện tích tham gia 1,5 mẫu, lợi nhuận ước đạt trên 60 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Hai, diện tích tham gia 2,5 mẫu, lợi nhuận ước đạt trên 100 triệu đồng.. ngoài ra trong quá trình tham gia dự án, các hộ trên còn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các hộ khác về kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.


Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia dự án cũng đã và đang giải quyết việc làm ổn định cho 50 lao động và việc làm thời vụ cho khoảng 60 lao động; giúp được 15 hộ nông dân nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.


Dự án “Thâm canh cây đường canh theo hướng an toàn sản phẩm” xã Chí Lăng Nam, huyện Thanh Miện đã kịp thời giúp nông dân tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng thực hiện phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.


Cùng với hỗ trợ tiền vốn, Hội ND xã còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp chuyển giao KHKT cho hội viên, nông dân, thực hiện cấp chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc cho “Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ Cam an toàn” với trên 150 lượt người tham dự; sản phẩm quả cam sau khi thu hoạch được gắn tem truy xuất nguồn gốc và được Ban quản lý dự án, Hội Nông dân xã liên kết tiêu thụ vào chuỗi các cửa hàng nông sản sạch Cocofood trên địa bàn tỉnh Hải Dương.


Hội ND xã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 20,5 tấn phân bón trả chậm cho HVND; tín chấp với ngân hàng CSXH cho 217 hộ vay vốn với số tiền 7,2 tỷ đồng, với ngân hàng NN & PTNTcho 145 hộ vay với số tiền 28,8 tỷ đồng.


Đồng thời nguồn Quỹ HTND cơ sở đạt 75 triệu đồng. Nhờ các nguồn vốn trên, hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở xã Chi Lăng Nam được nâng lên rõ rệt, nông dân thêm tin tưởng, gắn bó xin gia nhập Hội.


Hiệu quả của Dự án “Thâm canh cây đường canh theo hướng an toàn sản phẩm” tại xã Chí Lăng Nam, huyện Thanh Miện, bước đầu đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.


Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND xã và Ban quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các hộ tham gia dự án nâng cao kỹ thuật thâm canh cam, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hồi phí, gốc vay đúng thời gian quy định; kết hợp giữa du lịch sinh thái Đảo Cò và du lịch canh nông thúc đẩy khách du lịch thăm quan và tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cam canh - Đảo cò Chi Lăng Nam” để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời xây dựng hiệu quả mô hình “Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cam an toàn” làm hình mẫu để nhân ra diện rộng.


Vốn Quỹ HTND đã có những tác động rất lớn đến việc nâng cao nhận thức cho các hộ hội viên, nông dân, biết đầu tư tập trung phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi nhằm gia tăng thu nhập.


 
Huân Ngữ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng