Tiếp sức hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình kinh tế
10:38 - 06/09/2022
(Quỹ HTND) - Bằng nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
 Hoạt động Quỹ luôn gắn với xây dựng các mô hình, dự án, Tổ hợp tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ vay góp phần  hình thành các vùng sản xuất, chuỗi liên kết hàng hóa


Để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh còn gắn việc cho vay vốn với công tác hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Công tác quản lý cho vay và thu hồi vốn Quỹ luôn được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác 100% được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân. Do đó, nguồn vốn vay đảm bảo không bị tồn đọng, không có nợ quá hạn trên địa bàn.


Toàn tỉnh hiện có 11/11 huyện, thành phố xây dựng được quỹ HTND. Trung bình mỗi năm, các cấp Hội huy động được hơn 2 tỷ đồng.


Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh huy động được hơn 100 triệu đồng. Giai đoạn 2017 – 2021, các huyện, thành phố vận động ủng hộ Quỹ đạt trên 10 tỷ đồng, tăng hơn 3 tỷ đồng so với giai đoạn 2012 – 2016.


Hiện tổng nguồn Quỹ HTND các cấp đạt gần 50 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Quỹ HTND Trung ương hơn 10,6 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND tỉnh gần 11 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND các huyện, thành phố đạt trên 24 tỷ đồng.


Để duy trì và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lồng ghép qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt; qua các lớp tập huấn, các hội thi… nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ý nghĩa của Quỹ. Từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội tuyên truyền hơn 4.500 cuộc cho trên 250.000 lượt người tham gia.


Để đảm bảo công khai, minh bạch, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ HTND chú trọng xây dựng hệ thống quản lý từ tỉnh đến cơ sở.


Hệ thống sổ sách, chứng từ, báo cáo hoạt động thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Đáng chú ý, hội còn chú trọng tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng Qũy HTND nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ về nội dung này.


Hội ND tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng Quỹ cho hàng ngàn lượt cán bộ Hội chuyên trách để trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành.


Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nông dân kết nối, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị.


Trong quá trình bình xét cho vay, Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu, trong đó ưu tiên lựa chọn những hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.


Từ nguồn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đã giúp cho đông đảo hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn, kịp thời đầu tư cho phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.


Các hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đều đúng mục đích; phát huy hiệu quả đồng vốn; nộp phí và trả gốc đúng hạn. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên, nông dân cũng rất tích cực ủng hộ vốn cho Quỹ phát triển.   


Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả thiết thực. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã giúp nhiều hội viên xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập cho bà con nông dân.
 

Nhìn chung các dự án vay vốn Quỹ HTND đều mang tính khả thi và có hiệu quả cao về kinh tế, phát huy được thế mạnh của hội viên, nông dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn tại địa phương.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn luôn quan tâm và chỉ đạo các cấp Hội chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, sản xuất ra các mặt hàng nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng.


Với nguồn vốn từ Quỹ HTND, các địa phương trong tỉnh đã giải quyết được phần nào những khó khăn của hội viên, nông dân như: Mua phân bón, thuốc trừ sâu, mua cây con giống nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế hộ hiệu quả nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân.   


Các cấp Hội cũng hướng dẫn hội viên, nông dân cách thức tiếp cận thị trường, từng bước kết nối để tìm kiếm đầu ra của các sản phẩm nông sản hiệu quả; giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ tham gia dự án; góp phần tác động tích cực vào một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.


Minh Tiến là một xã nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hữu Lũng có diện tích tự nhiên của xã là 2.471,7 ha, trong đó vùng đồi núi và đá vôi chiếm 3/4 diện tích. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm.


Trong những năm gần đây,  ông Trần Văn Bẩy – Chủ tịch Hội ND xã xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng đã tích cực triên khai các nội dung Hội ND xã và tham quan các mô hình về phát triển kinh tế hộ gia đình.Với nguồn vốn này các hội viên đã đầu tư vào mô hình trồng và chăm sóc cây na.


Ngay sau khi nhận được thông báo của Ban điều hành Quỹ HTND của Trung ương Hội, Hội ND tỉnh Lạng Sơn, Hội ND huyện Hữu Lũng về thực hiện Quỹ HTND nguồn Trung ương, Ban Thường vụ Hội ND xã Minh Tiến đã họp bàn phương án tổ chức, triển khai thực hiện Dự án cụ thể: Lựa chọn địa điểm, hộ hội viên tham gia thực hiện dự án, khảo sát nhu cầu vốn, vốn thực hiện dự án; lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để thực hiện dự án... xây dựng dự án, soạn thảo các giấy tờ văn bản theo yêu cầu, hoàn thiện hồ sơ dự án trình phê duyệt, bầu Ban quản lý dự án.


Hội ND xã Minh Tiến được giao thực hiện dự án “Trồng và chăm sóc cây na dai” từ 04/2020 đến 04/2022 từ nguồn vốn vay Quỹ HTND Trung ương với số tiền là 1 tỷ đồng/ 20 hộ vay tham gia dự án.


Ông Trần Văn Bẩy, Chủ tịch Hội ND xã Minh Tiến đã cùng hội viên nông dân khảo sát lựa chọn địa điểm thực hiện dự án tại thôn Đồng Khu, xã Minh Tiến. Sau khi có quyết định phê duyệt dự án vay vốn nguồn Quỹ HTND của Trung ương với số vốn 1 tỷ đồng, Hội ND xã đã triển khai nguồn vốn này đến các chi Hội và hội viên.


Kết quả sau khi triển khai đã có 20 hội viên của chi Hội thôn Đồng Khu tham gia dự án với nguồn vốn có sẵn của các hội viên là 500 triệu đồng.


Với nguồn vốn 1 tỷ đồng cho vay và vốn sẵn có, các hội viên đã đầu tư vào mô hình trồng và chăm sóc cây na dai. Với nguồn vốn vay này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 hộ hội viên, nông dân với 38 lao động.


Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Cấp ủy, chính quyền địa phương về việc phát triển kinh tế địa phương nhất là việc đưa các cây, con giống có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất.


Trong những năm gần đây Hội ND xã và các hội viên, nông dân đã tìm hiểu về quy trình chăm sóc, thổ nhưỡng và khí hậu về việc trồng cây na dai.


Với lợi thế của cây na dai hiện nay đã được trồng đại trà ở hai huyện trong tỉnh là huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng và đến nay đã có thương hiệu; với những lợi thế như vậy nên Hội ND và các hội viên trong xã đã đưa cây na dai vào trồng và chăm sóc.


Đến thời điểm hiện nay tổng diện tích cây na trên địa bàn xã trồng đạt 118,9 ha, trong đó trồng mới được 05 ha, diện tích đã cho thu hoạch là 105,6 ha.


Sau khi có dự án cho vay, Hội ND xã đã phối hợp với Trung tâm nghề nghiệp huyện Hữu Lũng tổ chức lớp đào tạo trồng và chăm sóc cây na cho 35 hội viên tham gia.


Giảng viên và các học viên trong lớp đã tổ chức lớp học ngay từ khi làm cỏ, tỉa cành, cách bón phân, chăm sóc, thụ phấn cho đến khi thu hoạch.


Kết quả cuối khóa học 35/35 học viên đều được cấp chứng chỉ. Với những kiến thức đã được học và được thực hành trực tiếp, các hội viên đã áp dụng vào thực tiễn tại vườn nhà mình bước đầu đã cho kết quả đáng khích lệ.


Từ nguồn vốn vay và vốn sẵn có các hội viên đã mua phân bón, mua cây giống phát triển và mở rộng tăng diện tích trồng na của địa phương tăng từ 113,9 ha đầu năm 2020 lên khoảng 118,9 ha đến thời điểm hiện nay, số hộ trồng na tăng từ 105 hộ lên 112 hộ; mỗi hộ tham gia dự án có thu nhập bình quân tăng thêm khoảng 20 - 25 triệu đồng/hộ/năm.


Hiện nay, trong toàn xã đã có 08 gia đình hội viên nông dân sản xuất Na trái vụ, bước đầu đã cho thu hoạch đảm bảo chất lượng.


Hội ND xã cùng với Hợp tác xã cây ăn quả Đồng Bé, xã Minh Tiến phối hợp với Sở Nông nghiệp tỉnh tổ chức lớp triển khai thực hiện mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap có 30 hội viên tham gia.


Đã có 25 hộ đã đăng ký dán tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm quả na do hộ gia đình sản xuất với diện tích trên 30 ha.


Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND này các hội viên đã ý thức hơn về mục đích đóng góp xây dựng Quỹ HTND và đã đóng qóp xây dựng Quỹ từ 5.300.000 đồng năm 2019 lên hơn 7.000.000 đồng năm 2020.


Qua đó các hội viên, nông dân tiếp tục nhân rộng và mở rộng quy mô mô hình trong những năm tiếp theo. Nhiều gia đình hội viên, nông dân đã phát triển kinh tế và làm giàu cho gia đình bản thân.


Trong những năm tiếp theo, xã sẽ tiếp tục tham mưu triển khai các nội dung của Hội ND xã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội của xã, tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng Na, vì hiện nay diện tích các vàn đất trên núi đá vôi vẫn còn để có thể sử dụng để trồng cây na.


Hội ND huyện Chi Lăng quản lý nguồn Quỹ HTND trên 3,8 tỷ đồng. Hiện có 208 gia đình hội viên tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được vay vốn thực hiện 27 dự án phát triển kinh tế.


Quỹ HTND huyện thực hiện cho vay theo phương án sản xuất – kinh doanh, mỗi chu kỳ cho vay khoảng 2 đến 3 năm. Trong quá trình cho vay, Hội luôn chú trọng kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.


Hàng năm, Hội ND huyện tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả, chăn nuôi, cách sử dụng các loại phân bón, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; hướng dẫn thành lập các Tổ hợp tác; tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh.


Ban Thường vụ Hội ND huyện chỉ đạo Hội ND các cấp trên địa bàn định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp để hướng dẫn hội viên xây dựng dự án vay vốn.


Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, chúng tôi tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của các hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.


Định kỳ, Quỹ HTND huyện ban hành các kế hoạch để triển khai vận động xây dựng nguồn quỹ từ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, trường học, các xã, thị trấn; các tổ chức chính trị – xã hội, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; các hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các hộ nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn huyện.


Đến nay, Quỹ HTND huyện đã nhận được trên 800 triệu đồng từ các tổ chức, đoàn thể, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ.


Ông Hà Mạnh Dương, thôn Trung Tâm, xã Y Tịch vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND đầu tư trồng, chăm sóc cây na. Có vốn, ông đầu tư mở rộng diện tích trồng và mua phân bón chăm sóc hơn 1ha na đang cho thu hoạch. Mô hình mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm cho gia đình ông.


Hộ ông Phan Văn Hội, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng được vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND của huyện để chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam và mở rộng diện tích trồng na.


Nhờ Hội ND xã tạo điều kiện cho gia đình vay vốn và hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, hiện 240 gốc cam và gần 700 gốc na của gia đình đã phát triển tốt. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm, ông thu về khoảng 100 triệu đồng.


Nhìn chung, các hộ vay vốn của Quỹ HTND huyện đều sử dụng vốn hiệu quả trong phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn Quỹ, các hộ hội viên, nông dân đã triển khai sản xuất na VietGAP (thị trấn Chi Lăng); thành lập HTX nông nghiệp (thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ); xây dựng mô hình trồng táo chuyên canh (xã Nhân Lý); mô hình nuôi ong lấy mật (xã Vân Thủy) đem lại thu nhập cao cho các hội viên nông dân hàng trăm triệu đồng/năm.


Thông qua việc lập và triển khai các dự án, hội viên nông dân không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn tích lũy được thêm kinh nghiệm trong phát triển sản xuất.


Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn KHKT cho hội viên, nông dân nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả các mô hình, dự án. 


Nhằm bảo toàn nguồn vốn Quỹ HTND, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội tiến hành định kỳ. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều triển khai tốt công tác quản lý, điều hành nguồn vốn Quỹ HTND.


Quỹ HTND là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương. 


 Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống; các hội viên nông dân đã tham gia đóng góp giúp đỡ các hội viên nghèo...


Có thể khẳng định, nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nâng cao quy mô sản xuất, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.




 
Kim Xuyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng