|
Nguồn vốn vay đã tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên, nông dân trên địa bàn có thêm nguồn lực đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình |
Nhờ làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ và chính quyền địa phương, ngân sách tỉnh đã phê duyệt và cấp bổ sung nguồn vốn 16.695 triệu đồng cho Quỹ HTND tỉnh. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh còn chỉ đạo các huyện, thị, thành xây dựng Đề án và được ngân sách địa phương phê duyệt cấp vốn cho 14/15 đơn vị cấp huyện.
Bên cạnh đó, căn cứ vào chỉ tiêu của Trung ương Hội NDVN giao hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu ngay từ đầu năm cho các huyện, thị xã, thành phố. Các cấp Hội chủ động lồng ghép việc tổ chức tuyên truyền để vận động các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ khá, giàu tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ HTND đạt và vượt chỉ tiêu.
Đến nay, 100% các huyện, thành phố đã thành lập được Quỹ HTND cấp huyện. Trong đó, 13/15 huyện có con dấu riêng, 15/15 huyện thành lập Ban kiểm soát Quỹ, 12/15 huyện thành lập Ban vận động Quỹ HTND. Đáng chú ý, 15/15 đơn vị cấp huyện đã phát triển được nguồn vốn Quỹ HTND. Cụ thể: Có 04 huyện đạt mức 500 triệu đồng/đơn vị trở lên; 10 huyện đạt mức dưới 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, 141/141 xã cũng đã tổ chức vận động xây dựng Quỹ HTND và chuyển nguồn vốn về cấp huyện quản lý theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Theo đó, có 95 xã nguồn vốn đạt mức trên 100 triệu đồng; 34 xã đạt dưới 100 triệu đồng; 11 xã đạt dưới 50 triệu đồng.
Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đang quản lí 51.969 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác 8.900 triệu đồng; nguồn vốn cấp tỉnh đạt hơn 17.275 triệu đồng; nguồn vốn cấp huyện quản lí 25.794 triệu đồng.
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã nhanh chóng triển khai việc giải ngân để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên khá, giàu. Đã có 1.929 lượt hộ hội viên, nông dân được giải quyết vay vốn để triển khai thực hiện 269 dự án trên địa bàn.
Nhiều mô hình, dự án nhờ đầu tư đúng hướng đã giúp phát huy tốt thế mạnh của địa phương, sản xuất ra các mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao và hiện đang tiếp tục được các cấp Hội chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn. Tiêu biểu như: Nuôi cá bớp lồng bè ở xã Lại Sơn (huyện Kiên Hải); nuôi bò thịt tại xã Tân Khánh Hòa (huyện Giang Thành); nuôi tôm, trồng lúa ở xã Đông Yên (huyện An Biên); trồng dưa lê trên nền đất lúa tại xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận); nuôi tôm- cua ở xã Thuận Hòa (huyện An Minh); nuôi lươn thương phẩm ở xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng)…
Bên cạnh đó, Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cũng như đạt mức lợi nhuận cao trên cùng một đơn vị sản xuất; góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ đó, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia tổ chức Hội, vận động hội viên tích cực hưởng ứng việc tăng cường sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh tiến tới xây dựng các tổ hợp tác, Hợp tác xã và mô hình chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp.
Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp còn giúp xây dựng được nhiều mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là sản xuất ra nhiều loại nông sản hàng hoá có giá trị, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và địa phương.
Tiêu biểu như: Mô hình tổ Hội nghề nghiệp nuôi bò vỗ béo xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) có hiệu quả thu lãi từ 100 triệu đồng/hộ/năm; chi Hội nghề nghiệp trồng sầu riêng, măng cụt, xã Ngọc Hòa (huyện Giồng Riềng) mang lại hiệu quả kinh tế đạt 170 triệu đồng/ha; mô hình dự án nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại các xã Vân Khánh Tây và Đông Hưng (huyện An Minh) đạt hiệu quả 200 triệu đồng/ha…
Cùng với hoạt động giải ngân nguồn vốn vay, công tác tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của Quỹ cũng luôn được các cấp Hội quan tâm và tiến hành thường xuyên. Hội ND tỉnh, huyện, thị, thành phối hợp với các ngành chức năng lồng ghép thông qua các lớp tập huấn để giúp cho các cán bộ quản lý dự án, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội ND các xã nắm được về nghiệp vụ công tác Hội, nghiệp vụ cho vay Quỹ HTND; hướng dẫn thực hiện điều lệ Quỹ HTND, nghiệp vụ kế toán Quỹ tại cơ sở…
Hàng năm, Hội ND tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn lồng ghép cho vay vốn với hoạt động dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho người vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn, nhân rộng những mô hình vay vốn hiệu quả. Qua đó, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Ngoài ra, Hội còn tập trung tuyên truyền về các mô hình, gương điển hình làm ăn có hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử… Qua đó, nhận được sự đóng góp và ủng hộ mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các Mạnh Thường Quân và nhất là cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn, các cấp Hội thường xuyên đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn nhằm triển khai thực hiện tốt các công đoạn được ủy thác, tạo nguồn vốn vay đa dạng giúp hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH ưu tiên nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn đã được bình xét công khai và cho vay trực tiếp đến đúng đối tượng thụ hưởng, được bà con sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, nhiều lao động có việc làm ổn định.
Đến nay, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH đang quản lý 1.036 Tổ TK&VV với 47.296 hộ thành viên đang còn dư nợ; tổng dư nợ ủy thác của 17 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.340.000 tỷ đồng. Tỷ lệ thu lãi bình quân hàng tháng đạt 98%.
Đồng thời, có 6/15 huyện ký chương trình phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT cùng cấp. Tổng dư nợ đang triển khai cho vay thông qua 22 Tổ vay vốn do Hội ND quản lý đạt 8.565 triệu đồng, với 156 thành viên tham gia vay vốn đạt hiệu quả cao; trên địa bàn không có nợ quá hạn.
Có được những kết quả như trên là nhờ các Tổ TK&VV, Tổ Vay vốn thực hiện tốt trách nhiệm đã ký với Ngân hàng như: Nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân; căn cứ theo các nhu cầu vay vốn của tổ viên để lập danh sách đề nghị Ngân hàng cho vay; phối hợp với cán bộ tín dụng ngân hàng giải ngân vốn vay, kiểm tra giám sát, đôn đốc các tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn; phản ánh kịp thời các thông tin của tổ viên vay vốn sau khi vay...
Các cấp Hội đã phối hợp tốt với các ngân hàng, với chính quyền địa phương trong việc triển khai cho vay kịp thời đối với các nguồn vốn mới được giao cũng như nguồn vốn thu hồi và quay vòng. Bên cạnh đó, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách luôn được Hội quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt; một số nơi có tỷ lệ thu lãi, tổ viên tham gia gửi tiết kiệm cao; thường xuyên kiện toàn, củng cố Tổ TK&VV, giảm các tổ có quy mô nhỏ lẻ hoạt động yếu kém...
Cùng với việc hỗ trợ về nguồn vốn, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng và trực tiếp tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân về: Giống, phân bón, tập huấn chuyển giao KHKT về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản… cho hội viên, nông dân. Tỉnh Hội cũng đã xây dựng các kế hoạch cụ thể để tổ chức tập huấn lồng ghép nghiệp vụ về Quỹ HTND cùng với chương trình phối hợp công tác với hai ngân hàng; tổ chức đi thăm quan, học tập kinh nghiệm những mô hình điển hình trong và ngoài tỉnh để từ đó có hướng nhân rộng.
Hộ gia đình ông Danh Hóa ở ấp Phước Lợi, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành đã xây dựng và phát triển mô hình VAC khép kín mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Trước đây, đời sống kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, không nản chí, ông Hóa quyết tâm tìm hướng đi thoát nghèo và đã vươn lên trở thành một trong những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương nhờ thực hiện mô hình VAC thành công.
Được các cấp Hội xét cho vay 50 triệu đồng từ nguồn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện, cùng với số vốn tự tích lũy được của gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình kinh tế trên diện tích khoảng 2.000 m
2 đất. Với phương thức lấy ngắn, nuôi dài, vợ chồng ông nâng cấp lại chuồng trại, đặt mua bã rượu để nuôi đàn lợn thịt gần 20 con, xung quanh nhà, tận dụng khoảng đất trống để trồng thêm hẹ cho thu nhập hàng ngày.
Ngoài ra, phía sau vườn, ông dành khoảng 500 m
2 để trồng cây ăn trái, đồng thời tạo bóng mát cho ao nuôi các loại cá bên dưới. Nhờ biết tính toán làm ăn, mô hình VAC của gia đình ông Danh Hóa ngày càng phát triển, mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, ngày càng sung túc.
Hộ gia đình chị Tiêu Reng ở ấp Toàn Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành cũng được tạo điều kiện xét vay 30 triệu đồng từ nguồn ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò vỗ béo. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia vào Hợp tác xã đan lát để có thêm nguồn thu nhập.
Nhờ chăm sóc và phòng bệnh đúng kỹ thuật nên đàn bò của gia đình phát triển béo tốt, khỏe mạnh, giúp chị trả được hết nợ vay ngân hàng. Có vốn, chị lại đầu tư mua tiếp 4 con bò gầy về để nuôi vỗ béo. Chị Reng còn ấp ủ dự định tiếp tục làm hồ sơ xin vay thêm nguồn vốn chính sách để phát triển, nhân rộng đàn bò theo mô hình kinh tế gia trại giúp tăng năng suất và lợi nhuận.
Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án vay vốn Quỹ HTND và công tác phối hợp với các ngân hàng đã góp phần triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó, có tác động tích cực đến công tác Hội và các phong trào nông dân; thu hút, tập hợp đông đảo hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội; từng bước nâng cao vị thế và vai trò của tổ chức Hội tại cơ sở. Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giúp Quỹ HTND phát triển bền vững; đặt mục tiêu với mức tăng trưởng vốn hàng năm 10% trở lên, phấn đấu đến năm 2030 tổng nguồn vốn Quỹ HTND đạt 103 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đã tạo điều kiện cho gần 3.000 lượt hội viên, nông dân vay, với tổng dư nợ đạt gần 68.600 triệu đồng.
Hàng năm, song song với việc thu hồi vốn, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã hướng dẫn các huyện xây dựng và lập dự án xoay vòng vốn nhằm hạn chế việc tồn đọng nguồn vốn. Về quy trình cho vay được các cấp Hội triển khai thực hiện theo đúng các quy định và hướng dẫn.
Các mô hình, dự án được triển khai góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, các chi, tổ Hội nghề nghiệp trên địa bàn phát triển và đạt hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.160 tổ hợp tác, 513 Hợp tác xã; phát triển 29 trang trại. Riêng Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội hướng dẫn thành lập 320 tổ hợp tác, 170 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nông dân, 156 tổ Hội nghề nghiệp, 55 chi Hội nghề nghiệp… |