Hưng Yên: Hội – Ngân hàng trợ vốn cho nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả
(Quỹ HTND) - Hội Nông dân (HND) tỉnh hiện nay đang quản lý hơn 214 nghìn hội viên nông dân, sinh hoạt tại 159 cơ sở hội. Những năm qua, các cấp HND trong tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND giúp nhiều hộ trồng nhãn tại địa phương có vốn tái đầu tư, mang lại thu nhập ổn định |
Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội chủ động đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tham gia ủng hộ xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đồng thời, các cấp Hội còn thực hiện tốt chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp &Phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Năm 2023, các cấp Hội đã tiếp tục chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức thực hiện tốt 06 công đoạn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Tính đến ngày 15/11/2023, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý 880 Tổ tiết kiệm & vay vốn với 23.177 thành viên. Dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đạt 1.288 tỷ 688 triệu đồng từ 9 chương trình.
Hiện có 08/10 huyện, thị xã, thành phố thực hiện Thoả thuận liên ngành tại 82/159 cơ sở Hội với dư nợ nguồn vốn trên địa bàn toàn tỉnh là 2.241 tỷ 411 triệu đồng (tăng 133 tỷ 138 triệu đồng so với năm 2022) với 326 tổ vay vốn, 10.260 hộ vay. Số nợ quá hạn là 10 tỷ 780 triệu đồng chiếm 0,48% tổng dư nợ.
Để phối hợp thực hiện chính sách ủy thác vay vốn có hiệu quả từ tổ chức ngân hàng, các cấp hội chú trọng và thường xuyên quan tâm việc thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm vay vốn. Các tổ tiết kiệm vay vốn đã xây dựng quy chế hoạt động, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ, thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét cho vay, tích cực đôn đốc các tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ vốn vay đúng thời hạn quy định; quản lý hồ sơ vay vốn chặt chẽ, đầy đủ.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp hội thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất; khuyến khích nông dân mở rộng, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Các Hội cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng thiết bị, máy móc, vật tư nông nghiệp theo phương thức chậm trả cho nông dân; cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng các mô hình, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho HTX, trang trại, nhóm hộ nông dân. Chủ động phối hợp với Liên minh HTX, phòng Nông nghiệp và PTNT và các ngành chức năng tuyên truyền mở rộng các hình thức kinh tế...
Thông qua hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh đã giúp các hội viên, nông dân vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Nhiều năm qua, tại địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Nhờ vậy đã hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, ông Nguyễn Văn Gắng, xã Việt Hưng (Văn Lâm) đã xây dựng thành công mô hình trang trại chăn nuôi, mỗi năm thu lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Ông chia sẻ: Được HND xã cho tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tín chấp cho vay vốn, tôi đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi khép kín với đầy đủ hệ thống làm mát, máy điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi, hệ thống cho ăn bán tự động, máy ấp trứng gà, đồng thời áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà bố mẹ... Hiện nay, gia đình tôi có 5 sào ao nuôi cá thương phẩm cùng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà khép kín với diện tích gần 1.000m2.
Mỗi năm, gia đình nuôi khoảng 6 nghìn con gà đẻ trứng, sau đó đưa vào máy ấp để bán con giống. Ông Nguyễn Văn Hoàn là 1 trong 10 hộ của xã Tống Trân (Phù Cừ) được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay thực hiện dự án trồng cây vải lai chín sớm, ông Hoàn cho biết: Sau khi được vay 50 triệu đồng, tôi đã cải tạo hệ thống tưới tiêu nước và mua phân về bón cho cây. Với 8 sào trồng cây vải lai chín sớm và bưởi da xanh, tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào từng giai đoạn phát triển của cây, quy trình chăm sóc theo hướng dẫn đã được HND tập huấn. Nhờ đó, cây phát triển tốt, hàng năm ra sai quả, chất lượng tốt. Mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 50 – 70 triệu đồng.
Có thể nói, nguồn vốn tín chấp của các cấp hội đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức hội, từ đó tập hợp, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức hội.