Hội nghị giao ban công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 7 tháng đầu năm 2023
15:19 - 12/09/2023
(Quỹ HTND)- Vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị giao ban công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức chính trị - xã hội tại Trung ương nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 05 tháng cuối năm 2023.

Quang cảnh Hội nghị giao ban với các tổ chức chính trị - xã hội

Theo báo cáo tại Hội nghị, bảy tháng đầu năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 324.753 tỷ đồng, tăng 27.736 tỷ đồng so với năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 305.145 tỷ đồng, tăng 21.796 tỷ đồng (so với năm 2022) với trên 6.673.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay đạt 56.142 tỷ đồng, với trên 1.248.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.
 

Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 356 nghìn lao động, giúp hơn 4,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 25 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 3,3 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 957 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 627 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; gần 8,5 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách…
 

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
 

Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được tăng cường. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 303.412 tỷ đồng, chiếm 99,43% tổng dư nợ, tăng 21.789 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội ND đạt 90.532 tỷ đồng, chiếm 29,84% tổng dư nợ ủy thác, tăng 5.869 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Các cấp Hội ND đang quản lý 51.241 Tổ TK&VV với trên 2 triệu khách hàng vay vốn là hội viên, nông dân; 99,96% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư đạt 4.685 tỷ đồng (tăng 508 tỷ đồng so với năm 2022).
 
 
Thảo luận tại Hội nghị, Ngân hàng CSXH và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thống nhất: Đối với nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2023 tập trung triển khai hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2023 và đẩy mạnh giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay; tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội; thực hiện việc nhập kết quả kiểm tra trên phần mềm ứng dụng; triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác, hoạt động Tổ TK&VV; tiếp tục triển khai dịch vụ Mobile Banking, ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đến cán bộ Hội, Ban quản lý Tổ TK&VV và khách hàng…
 

Anh Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường