Nam Định: Triển khai tốt các chương trình ủy thác tín dụng cho hội viên, nông dân
13:14 - 27/03/2023
(Quỹ HTND) – Thực hiện chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cấp Hội tiếp tục tín chấp cho hội viên nông dân vay từ các Ngân hàng.

Mô hình bể ương nuôi cá bống bớp giống của thành viên tổ hợp tác nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng (Nam Định). 


Theo đó, Hội Nông dân các cấp tiếp tục chủ động tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT, nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 11.777,726 tỷ đồng (tăng 837,580 tỷ đồng so với cuối năm 2021) cho 39.465 hộ vay thông qua 2.489 tổ vay vốn; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.435,852 tỷ (tăng 117,121 tỷ đồng so với cuối năm 2021) cho 37.135 hộ vay thông qua 1.140 tổ TK&VV.


Nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vốn Quỹ HTND và việc thực hiện ủy thác qua ngân hàng CSXH, việc thực hiện phối hợp với Ngân hàng No&PTNT năm 2022 theo đúng quy định.


Năm 2022, các cấp Hội tổ chức tập huấn công tác nhận ủy thác vay vốn cho cán bộ Hội Nông dân huyện Ý Yên, Giao Thủy. Tỉnh Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham gia Hội thi “Nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ Ngân hàng chính sách xã hội - Khu vực I” năm 2022 do Ngân ngàng chính sách xã hội Việt Nam tổ chức tại Thành phố Thái Bình và đạt giải Nhì.


Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận liên ngành năm 2021 và triển khai chương trình phối hợp năm 2022. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho cán bộ Hội tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực và Vụ Bản.


Nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn ủy thác chính sách cho hội viên, nông dân, các cấp Hội phối hợp, liên kết với các đơn vị, tổ chức lớp dạy nghề, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh tổ chức 11 lớp dạy nghề cho 350 lao động nông thôn tại các huyện về học các nghề may, trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản. Các huyện, thành phố phối hợp tổ chức 45 lớp dạy nghề cho gần 1.200 hội viên. Các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường cho trên 61.000 lượt hội viên, nông dân.


Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục duy trì hoạt động của 17 câu lạc bộ “Nông dân với internet” để tuyên truyền, vận động hội viên tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng và truy cập mạng Internet để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sử dụng và truy cập Internet để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh.


Hội Nông dân tỉnh còn đôn đốc các huyện và cơ sở Hội thu hồi vốn vay các nguồn vốn đã đến hạn; thường xuyên kiểm tra giám sát các tổ tiết kiệm vay vốn để cho hội viên nông dân vay đúng đối tượng và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nhằm phát triển kinh tế cho hội viên nông dân.


Như vậy, thông qua việc hỗ trợ cho nông dân vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của các ngân hàng, Hội ND có điều kiện mang lại nhiều lợi ích cho hội viên, nông dân, thu hút nông dân vào Hội, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần nâng cao mức sống cho bà con nông dân nói chung.
 
Anh Vũ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng