(Quỹ HTND) – Thông qua kênh vốn ủy thác của Hội ND tỉnh với ngân hàng CSXH tỉnh đã tạo điều kiện giúp cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được tiếp cận chính sách mới một cách nhanh chóng, thuận lợi. Có thể thấy, các nguồn vốn vay đã thực sự trở thành “điểm tựa” giúp bà con nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
|
Được trợ lực từ nguồn vốn vay, các cấp Hội đã hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất liên kết, vừa giúp nâng cao lợi nhuận vừa gia tăng tính bền vững, phát huy tốt các lợi thế sẵn có của từng địa phương |
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung, tăng cường chỉ đạo các cấp Hội tích cực, chủ động phối hợp với chi nhánh ngân hàng CSXH cùng cấp để triển khai tốt các công đoạn ủy thác nguồn vốn.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng được quan tâm hơn, các cấp Hội ở cơ sở phối hợp tốt với ngân hàng triển khai việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là các chương trình tín dụng mới, chương trình hỗ trợ lãi suất… Qua đó, giúp đỡ ngày càng nhiều hội viên, nông dân khó khăn trên địa bàn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, Hội ND huyện Kỳ Sơn đã thực hiện tốt các công đoạn ủy thác nguồn vốn vay với ngân hàng CSXH cùng cấp, giải ngân vốn kịp thời giúp hội viên, nông dân nghèo có thêm nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo lập sinh kế.
Năm 2022, nguồn vốn ủy thác của Hội ND huyện với ngân hàng đạt hơn 175 tỷ đồng, chiếm 46% tổng nguồn vốn ủy thác của toàn huyện. So với tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng CSXH huyện đang triển khai khoảng 380 tỷ đồng thì Hội ND huyện dẫn đầu về nguồn vốn nhận ủy thác, cũng là đơn vị có số lượng hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn nhiều nhất.
Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện được nâng dần qua các năm, tỷ lệ nợ quá hạn giảm đáng kể. Cụ thể, đầu năm 2022, nợ quá hạn là 0,45% thì hiện chỉ còn 0,19%. Mặt khác, 128 Tổ TK&VV được hai ngành quan tâm kiện toàn, củng cố thường xuyên, hoạt động ngày càng ổn định và phát huy hiệu quả.
Qua đánh giá xếp loại hàng năm, đã có 120 Tổ đạt loại tốt và khá, loại trung bình còn 8 Tổ, toàn huyện không còn Tổ xếp loại yếu. Hai ngành phối hợp giám sát chặt chẽ các Tổ TK&VV để đảm bảo việc đôn đốc trả nợ gốc và thu lãi tiền vay, thu tiết kiệm được thực hiện một cách đầy đủ, đúng qui định.
Để phát huy vai trò của các cấp Hội, song song với công tác giải ngân nguồn vốn vay, Hội ND huyện quan tâm, phối hợp với ngành chức năng liên quan triển khai việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề giúp các hộ vay vốn có thêm kiến thức, kỹ năng, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất để gia tăng giá trị và lợi nhuận. Theo đó, trong năm 2022, Hội ND huyện đã chủ trì tổ chức 11 lớp tập huấn; đồng thời phối hợp tổ chức 30 lớp tập huấn và 5 lớp dạy nghề cho 3.044 lượt hội viên, nông dân tham dự.
Các cấp Hội còn thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân bằng việc tăng cường quảng bá, kết nối để tìm kiếm đầu ra giúp tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, các cấp Hội tạo động lực để hội viên, nông dân yên tâm sản xuất, quy mô kinh tế hộ gia đình, các trang trại, gia trại ngày càng mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng lên.
Thông qua đó, tăng cường tính liên kết trong sản xuất của bà con nông dân gắn với hoạt động phát triển các loại hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, Hợp tác xã…). Mặt khác, quan tâm tới việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu OCOP, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất và kết nối tiêu thụ các mặt hàng đặc thù của địa phương.
Nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi không chỉ hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp bà con thay đổi phương thức canh tác, chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ổn định. Có vốn, các hộ hội viên nghèo được tạo đà, có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo ở địa bàn nông thôn; đồng thời, tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa dồi dào, đảm bảo cung ứng cho các thị trường cả trong và ngoài tỉnh.
Trên địa bàn đã xuất hiện những mô hình kinh tế hộ, gia trại có quy mô tương đối lớn, mang lại nguồn doanh thu ổn định cho các hộ hội viên, nông dân. Tiêu biểu như gia đình ông Mong Văn Chun ở bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Trước đây, do vẫn canh tác theo phương thức truyền thống cũ nên năng suất và lợi nhuận thấp, cái nghèo cứ đeo bám gia đình ông mãi. Nhờ sự hỗ trợ của Hội ND huyện, gia đình ông được vay 40 triệu đồng từ nguồn ngân hàng CSXH để mua con giống về chăn nuôi. Ban đầu làm ăn chỉ với cặp dê sinh sản, dần dần vừa tích lũy vừa tái đầu tư, ông mua thêm được bò, lợn giống về nuôi.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại được hướng dẫn kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn do Hội tổ chức, gia đình ông đã thoát được nghèo vào cuối năm 2022, vươn lên trở thành hộ khá giả. Hiện, mô hình gia trại chăn nuôi gia súc của ông đang duy trì chăm sóc hơn 200 con dê, 35 con trâu, bò, đàn lợn 22 và gần 300 con gà, vịt.
Địa bàn xã Mường Lống ai cũng biết chi Hội trưởng ND Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1. Anh chính là tấm gương điển hình trong việc phát huy tốt nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Được xét vay 70 triệu đồng từ ngân hàng CSXH, anh đầu tư mua máy ấp trứng, máy phát điện để phát triển trang trại chăn nuôi nhằm cung cấp con giống gà đen bản địa cho toàn huyện.
Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ mới, anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi giống gà đen an toàn sinh học. Hiện nay, với quy mô máy ấp trứng có công suất 1.000 trứng/lượt ấp, trên 1.000 con gà thịt, mỗi đợt xuất chuồng đã đem lại doanh thu từ 750 - 800 triệu đồng/năm cho gia đình anh.
Đáng chú ý, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp Hội ND và được hướng dẫn kỹ thuật đúng hướng, năm 2022, anh Pó cùng với các thành viên trong Hợp tác xã đã xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu OCOP cho sản phẩm gà đen Kỳ Sơn. Với ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên, anh Vừ Tồng Pó vinh dự là 1 trong 7 gương nông dân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh, biểu dương tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, nhờ triển khai tốt chương trình phối hợp giữa các cấp Hội với ngân hàng CSXH trong thời gian qua đã giúp cho hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời. Nhìn chung, các hộ vay đều có ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng, phát huy nguồn vốn, xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể để phát triển kinh tế hộ gia đình cùng với quyết tâm muốn vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Hiện nay, Hội ND xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn) đang quản lý 07 Tổ TK&VV, dư nợ nhận vốn ủy thác từ ngân hàng CSXH huyện đạt trên 14 tỷ 050 triệu đồng với 327 hộ thành viên tham gia vay vốn. Bên cạnh việc nhanh chóng chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hội ND xã còn tăng cường quản lý và giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Qua việc theo dõi nhận ủy thác cho thấy hiệu quả nguồn vốn vay của ngân hàng CSXH đã được phát huy tích cực. Nhìn chung, các hộ vay đều chấp hành tốt các quy định về vay vốn, trên địa bàn xã không có nợ quá hạn, 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm với số dư đạt hơn 710 triệu đồng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ hội viên, nông dân trong xã đã tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trở thành những tấm gương vượt qua khó khăn để vươn lên khá giàu. Hộ gia đình bà Hoàng Thị Phương ở xóm Hợp Thành cũng là một trong những điển hình của xã.
Trước đây, hoàn cảnh gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, nhà cửa thì chưa kiên cố, đồng vốn để đầu tư phát triển kinh tế eo hẹp trong khi con cái đều còn nhỏ. Với quyết tâm muốn vươn lên thoát nghèo, bà đã mạnh dạn xin vay vốn chương trình làm nhà ở và được xét cho vay 25 triệu đồng, cùng với đó, bà xin vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của ngân hàng CSXH cũng được chấp thuận.
Có vốn vay, gia đình bà đầu tư sửa sang nhà cửa sạch sẽ, mua 2 con trâu sinh sản về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật để chăm sóc tốt đàn gia súc nên sau 1 năm, trâu đã đẻ thêm 2 con nghé giúp bà bán được 60 triệu đồng. Số tiền thu được từ việc bán 2 con nghé, bà đầu tư cải tạo lại vườn để trồng cây bưởi, hàng năm có thêm nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Đến nay, kinh tế của gia đình bà đã ổn định, nhà cửa khang trang, cuộc sống khá giả hơn.
Hộ gia đình ông Trương Văn Nội cùng ở xóm Hợp Thành lại được các cấp Hội hỗ trợ xét cho vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của ngân hàng CSXH. Với số tiền vay, ông mua 2 con bò giống sinh sản về nuôi. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng diện tích đất trống trong vườn để trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò.
Hiện, đàn bò đã phát triển lên thành 6 con, mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi năm cho gia đình ông khoảng 60 triệu đồng. Được tạo đà, ông tiếp tục mua thêm bò giống, sửa chữa mở rộng qui mô chuồng trại, lại chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi để tập trung chăm sóc tốt cho đàn bò, cuộc sống dần ổn định và khấm khá.
Có thể thấy, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải một cách linh hoạt, đảm bảo kịp thời đến tận tay các đối tượng thụ hưởng đúng qui định đã góp phần triển khai thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Qua đó, giúp các hộ hội viên, nông dân nghèo tăng thu nhập; thúc đẩy tích cực hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.