Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh
10:22 - 26/11/2018
(Quỹ HTND) - Ban Biên tập chuyên trang Quỹ HTND xin trân trọng giới thiệu bài tham luận tại Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng công tác nông vận và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong điều kiện mới” của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Được sự đồng ý của Ban Tổ chức hội thảo, tôi xin tham luận với nội dung “Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường công cuộc xóa đói nghèo
Cuối năm nay (2018), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh nước ta sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Từ một đất nước nghèo đói, lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực, kinh tế tăng trưởng thấp, thu ngân sách không đủ chi, dựa rất nhiều vào viện trợ từ nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, thu nhập GDP năm 2017 đạt 2.385USD/người, tăng gấp 30 lần so với trước khi đổi mới (hơn 100 USD/người). Sản xuất lương thực không chỉ đủ cho nhu cầu trong nước mà còn để xuất khẩu, nhiều mặt hàng nông sản đứng hàng đầu thế giới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói từ mức rất cao (gần 60% năm 1993) đã giảm xuống còn 5,7% theo chuẩn nghèo đa chiều năm (9/2018), uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Để có được những thành quả to lớn trên là sự kết tinh của đường lối đổi mới đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng và toàn dân. Đặc biệt, trong đó có nhiều chủ trương xuyên suốt, toàn diện và quyết tâm chính trị mãnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nói chung và nông dân nói riêng. Trước những thành tựu và kết quả đạt được hôm nay càng làm chúng ta ghi nhớ sâu sắc hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào “đói nghèo là giặc”, cần phải tiêu diệt đói nghèo như đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Với tư tưởng như vậy nên suốt chặng đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của mọi tầng lớp xã hội, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề xóa đói nghèo. Người thấu hiểu cuộc sống đói khổ của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, hậu quả sau gần một thế kỷ dưới chế độ đó là “người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít”. Sự nô dịch và bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai không chỉ để lại đói nghèo, dốt nát cho cả một dân tộc mà còn triệt tiêu mọi khả năng để phát triển con người. Bác luôn tâm nguyện và mong muốn dân ta có cơm ăn áo mặc và được học hành. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (2/9/1945), một trong sáu nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Cách mạng lâm thời xác định, đó là “diệt giặc đói”. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi” và “Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh tật thì chính sách của ta dù có hay đến mấy thì cũng không thể thực hiện được”. Vì vậy, khi phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/1/1946, Người nhấn mạnh “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không làm gì, dân chỉ biết giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Chúng ta phải thực hiện ngay “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành” .
Cho đến lúc trước khi đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn Đảng và Chính phủ “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi vấn đề xóa đói, giảm nghèo và làm giàu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đồng hành cùng Đảng và Nhà nước là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, trong đó Hội Nông dân Việt Nam người đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân, cầu nối vững chắc giữa giai cấp nông dân với Đảng, chỗ dựa tin cậy của chính quyền nhân dân ở nông thôn với những hoạt động tích cực, thiết thực đã và đang đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giầu chính đáng cho hội viên nông dân, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
2. Hội Nông dân Việt Nam đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thiết thực giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu qua công cụ, phương tiện Quỹ Hỗ trợ nông dân
Vận dụng tư tưởng của Bác, Nghị quyết số 8B – NQ/HNTW ngày 27/3/1990 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân đã chỉ rõ: Công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng mới phải lấy lợi ích làm động lực. Nghị quyết nêu rõ: “…Đảng cần hướng dẫn sự đổi mới nội dung hoạt động của các đoàn thể và tổ chức quần chúng vào việc đoàn kết đoàn viên, hội viên cùng nhau chăm lo lợi ích thiết thực của mình và góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng…”. Theo đó, đứng trước một đòi hỏi chính đáng và trở nên bức xúc của nông dân về nhu cầu hỗ trợ vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm xóa đói giảm nghèo và làm giàu, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ II (3/1993), Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội, thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Trung ương Hội (khóa II) đã triển khai xây dựng Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam, với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong nông dân, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo; đồng thời xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng là điều kiện để tập hợp, thu hút hội viên, củng cố tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Trên cơ sở đề nghị của Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã tán thành chủ trương việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân bằng Văn bản số 4035/KTTH ngày 26/7/1995. Đây là hành lang pháp lý đầu tiên tạo điều kiện để ngày 02/3/1996 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ra Quyết định số 80 – QĐ/HND thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam. Khi mới thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ định Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội) cho Hội Nông dân Việt Nam vay 40 tỷ đồng làm nguồn vốn ban đầu của Quỹ hỗ trợ nông dân. Sau 5 năm triển khai có hiệu quả, đến tháng 4/2002, Chính phủ đồng ý giao Bộ Tài chính cấp 40 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ nông dân trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tuy còn hạn chế, song đã giúp cho nhiều hộ nghèo ở nông thôn vươn lên no đủ, thoát nghèo và khá giả. Đặc biệt là đã mở ra phương thức mới trong hoạt động công tác Hội: trực tiếp đem lại lợi ích to lớn cho nông dân. Kết quả bước đầu này khảng định tư duy nhạy bén, cách làm sáng tạo của Hội Nông dân trong vận dụng Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết 8B - Khóa VI) vào thực tiễn công tác Hội và phong tào nông dân trong giai đoạn cách mạng mới.
Đến đầu năm 2002, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống đạt 166,7 tỷ đồng. Để tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV (2003-2008) với mục tiêu định hướng của Đảng: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã thống nhất nhiệm vụ giải pháp “… Mở các đợt vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân với nhiều hình thức thiết thực để tăng thêm nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh”. Bằng nhiều hình thức vận động ủng hộ đóng góp từ hội viên, nông dân, cán bộ Hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; xin chủ trương và phối hợp phát hành xổ số hoặc đề nghị Ngân sách địa phương cấp, ủy thác cho Quỹ… tính đến 31/12/2010, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân có sự tăng trưởng tích cực, toàn hệ thống Quỹ đạt 547 tỷ đồng, tăng 380,3 tỷ đồng so với đầu năm 2002.
Phương thức cho vay trong giai đoạn này bắt đầu có bước chuyển dần từ cho vay hộ nghèo phân tán theo chi, tổ Hội sang cho vay tập trung theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm. Đã tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án có vốn, có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT trong sản xuất, dần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.
Nguồn vốn Quỹ cho vay đã khích lệ, động viên nông dân cả nước góp phần vào thành công của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội phát động. Tính từ năm 2002 đến 2007, số hộ đăng ký phấn đấu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chiếm tới hơn 50% số hộ nông dân cả nước (trên 7 triệu hộ), trong đó có hàng triệu hộ đạt danh hiệu “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Mỗi hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp vốn, việc làm, vật tư, kỹ thuật, cách làm ăn… cho từ 3 – 5 hộ trở lên ổn định sản xuất và vươn lên thoát nghèo, cùng với các nguồn tín dụng khác, đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo từ 23% (năm 2002) xuống còn 9,45% (năm 2010).
Nhằm cụ thể hơn việc thực hiện Nghị quyết TW 7 (Khóa X) của Đảng về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Hội Nông dân trong việc tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nông dân ngày càng thiết thực và hiệu quả, ngày 03/12/2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61- KL/TW về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” (gọi tắt là Kết luận 61) đã tích cực tạo thêm nguồn lực cho Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả cao hơn vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020, đây là một trong 10 tiểu đề án trọng điểm của Hội thực hiện Đề án số 01 theo Kết luận số 61.
Theo đó, ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ – TTg “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, giai đoạn 2011-2020” nêu rõ “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020”. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là điều kiện tích cực để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh. Ngay trong năm 2011, Chính phủ cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 300 tỷ đồng đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hàng năm cấp bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương.
Từ khi có Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn hệ thống Hội đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn quốc đạt trên 2.040 tỷ đồng, trong đó Quỹ Trung ương đạt gần 570 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2010 (50,18 tỷ đồng); Các Quỹ HTND ở địa phương đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010 (497,2 tỷ đồng). Trong 5 năm, từ 2011 – 2015, doanh số cho vay quay vòng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn hệ thống Hội đạt trên 5.200 tỷ đồng cho gần 400.000 lượt hộ vay.
Thông qua hoạt động vay vốn thực hiện dự án, các hội viên nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, chuyển đổi nhận thức từ sản xuất quảng canh, nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sang thâm canh, liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, dần hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung, sản xuất sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trên 10% so với khi chưa tham gia dự án. Hàng năm giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, xây dựng nông thôn mới; nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm tệ nạn xã hội, ổn định chính trị, an ninh trật tự ở nông thôn.
Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội về tập trung cho vay dự án nhóm hộ xây dựng mô hình quy mô lớn hơn theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế; các hộ đẩy mạnh liên kết, hợp tác (hộ vay liên kết, hợp tác với nhau, liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm…), hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ gìn, bảo vệ môi trường. Các cơ chế, định mức cho vay cũng được thay đổi theo hướng nâng lên và mở rộng quy mô lớn hơn cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Mức cho vay vốn Quỹ được nâng lên 100 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư cho vay một dự án từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đến 30/6/2018 đã đạt 2.909,807 tỷ đồng, tăng 869,379 tỷ đồng so với năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 347,7 tỷ đồng. Trong đó: nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương đạt 680,239 tỷ đồng (giai đoạn này Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương được cấp bổ sung 100 tỷ đồng: 50 tỷ năm 2016, 50 tỷ năm 2017). Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân địa phương đạt 2.229,568 tỷ đồng. Dư nợ cho vay trong toàn hệ thống 2.857,430 tỷ đồng (đạt 98,2% so với tổng nguồn vốn), cho 139.370 hộ vay thông qua hơn 7.000 dự án nhóm hộ. Riêng nguồn vốn Quỹ Trung ương ủy thác cho vay tại 62 tỉnh, thành Hội thông qua 1.413 dự án, với 19.374 hộ vay, tổng dư nợ gần 700 tỷ đồng. Hầu hết các hộ, các dự án vay vốn đều sử dụng vốn có hiệu quả, hết chu kỳ thu gốc, phí hoàn trả đầy đủ. Quỹ Trung ương, các Quỹ ở địa phương đều bảo toàn vốn, nhiều Quỹ địa phương phát triển mạnh mẽ. Chất lượng tín dụng tốt, nợ quá hạn, nợ xấu không đáng kể; nguồn quỹ Trung ương chỉ ở mức dưới 0,2% tổng dư nợ.
Như vậy, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy được hiệu quả kinh tế rõ rệt góp phần kịp thời trợ giúp nông dân có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy được tính liên kết trong cộng đồng, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên, nông dân… Hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục góp phần đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, hàng năm có đến 3,55 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp chiếm 57,2% số hộ đăng ký. Trong đó: Số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở 2,63 triệu hộ chiếm 73,9%; cấp huyện 736 nghìn hộ chiếm 20,7%; cấp tỉnh 170 nghìn hộ chiếm 4,8%; cấp Trung ương 20 nghìn hộ chiếm 0,6%. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 790.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm…; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp trên 200 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả và trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất… Đồng thời thông qua các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong 5 năm qua các cấp Hội đã hướng dẫn tổ chức thành lập được 14.682 mô hình kinh tế tập thể (trong đó có 1.029 hợp tác xã kiểu mới).
|
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp cơ bản được đầu tư đúng đối tượng, sử dụng đạt hiệu quả, nhờ đó đã giúp được nhiều hội viên, nông dân vươn lên trong cuộc sống (Ảnh: Hồng Hạnh) |
3. Quỹ Hỗ trợ nông dân, nòng cốt trong hoạt động hỗ trợ vốn của Hội Nông dân Việt Nam giúp nông dân giải bớt cơn khát vốn ở nông thôn
Cùng với công tác vận động tạo nguồn vốn Quỹ giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp là cơ quan tham mưu và trực tiếp tổ chức thực hiện giúp Hội Nông dân cùng cấp ký kết chương trình phối hợp Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (No&PTNT), Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trên địa bàn, đã khơi thông kênh vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến với nông dân, với dư nợ tín dụng đang cho vay hội viên nông dân vay hơn 107.000 tỷ đồng, giúp họ có nguồn vốn đáng kể đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngày 30/3/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/1999/QĐ –TTg về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là một chính sách có tác động to lớn, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đến với người nông dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng. Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/10/1999 Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động ký Nghị quyết liên tịch số 2308/NQLT- 1999 với NHNo&PTNT Việt Nam (Agribank) về tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tiếp đà phát triển, Hội Nông dân Việt Nam và NHNo&PTNT Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận liên ngành về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ.
Tính đến 31/10/2018, có 61/63 tỉnh, thành Hội ký chương trình phối hợp với chi nhánh Agribank về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ - CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ. Với tổng dư nợ cho vay qua Tổ vay vốn do Hội nông dân quản lý đạt 49.364 tỷ đồng thông qua 26.697 Tổ vay vốn với 668.928 thành viên. Đây là cầu nối quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với hàng trăm nghìn hộ nông dân trên cả nước có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần làm thay đổi tích cực chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn ở nhiều địa phương.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo đồng thời nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách phục vụ sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Căn cứ Điều 5 tại Nghị định 78 của Chính phủ “Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến Người vay”, ngày 15/04/2003, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký Văn bản liên tịch số 235/VBLT về uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình ủy thác, với kết quả rất tích cực cùng với đòi hỏi của thực tiễn hoạt động phối hợp, nên ngày 03/12/2014, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thống nhất và ký Văn bản thoả thuận số 3948/VBTT-NHCS-HPN-HND-HCCB-ĐTNCSHCM “Về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” thay thế văn bản 235 đã ký kết trước đây.
Trải qua hơn 15 năm hoạt động, các cấp Hội Nông dân đã đồng hành cùng Ngân hàng CSXH giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn nước ngoài, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập để được tiếp tục cắp sách đến trường, xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sách và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách… Dư nợ nhận ủy thác cho vay qua Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Đến 31/10/2018, Hội Nông dân Việt Nam đang quản lý 57.694 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với 2.101.225 thành viên là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Dư nợ của 24 chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua tổ chức Hội là 57.671 tỷ đồng tăng 18,6 lần so với năm 2003 (3.094 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 31,24% tổng dư nợ Ngân hàng CSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Một số kinh nghiệm và kiến nghị của Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giầu
Có thể nói, Hội Nông dân Việt Nam thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giầu, người giầu thì giầu thêm” đã thay đổi trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, đổi mới phương thức hoạt động với sự ra đời và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, một tổ chức dặc thù riêng có của Hội Nông dân. Hơn 20 năm qua (1996 – 2018) Quỹ luôn đồng hành cùng nông dân trực tiếp hỗ trợ, giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… và mở rộng phát triển nhiều ngành nghề ở các địa phương tạo hàng triệu việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; tích cực xóa đói, giảm nghèo và làm giàu góp phần vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường mà Bác đã chọn cho dân tộc ta. Từ thực tiễn hơn 20 năm hoạt động có thể rút ra một số kinh nghiệm trong phát triển và tổ chức hoạt động có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân thời gian qua như sau:
Một là: Cần được cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng và vận dụng sáng tạo vào hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, đặc biệt trong giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giầu.
Hai là: Các cấp Hội cần luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp; luôn phải làm tốt công tác tuyên truyền, về mục đích, ý nghĩa, nội dung cũng như vai trò hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong hoạt động công tác Hội; cụ thể hóa các chỉ tiêu của Đề án để phấn đấu, đôn đốc thực hiện; đưa các chỉ tiêu hoạt động Quỹ vào chỉ tiêu thi đua công tác Hội, kịp thời khen thưởng, khích lệ, động viên những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích xây dựng, phát triển Quỹ.
Ba là: Đa dạng hóa các nguồn vận động tăng trưởng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân: Ngân sách cấp; ủng hộ đóng góp; vốn tài trợ, ưu đãi của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Bốn là: Quan tâm công tác củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác cho cán bộ Hội, nhất là đối với những cán bộ trực tiếp và tham gia quản lý, điều hành hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân và chương trình phối hợp với Ngân hàng. Phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho từng cán bộ Hội, gắn nhiệm vụ quản lý Quỹ và Ngân hàng với các hoạt động Hội.
Năm là: Lồng ghép cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phát huy hiệu quả nguồn lực (chuyển giao KHKT, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dạy nghề…). Tập trung xây dựng mô hình sử dụng vốn Quỹ thành công và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Sáu là: Tạo được sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa Ngân hàng No&PTNT, ngân hàng CSXH và Hội Nông dân từ Trung ương đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bám sát thực tiễn của cơ sở để có giải pháp sát thực tiễn, kịp thời xử lý những phát sinh trong thực tế.
Để tiếp tục xây dựng hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hoạt động công tác Hội, thúc đẩy các phong trào nông dân, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng Hội vững mạnh, xin đề xuất một số kiến nghị đối với Chính phủ như sau:
- Tiếp tục quan tâm, bổ sung vốn hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hàng năm cấp bổ sung vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương.
- Tạo cơ chế thuận lợi để các cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vận động nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Dành một phần kinh phí phù hợp chuyển qua Ngân hàng CSXH để cung cấp tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là nông dân, nông thôn vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, giúp họ vươn lên thoát nghèo, no đủ và khá giả.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Xuân Thắng