Bình Thuận: Tập trung cho vay phát triển các mô hình liên kết sản xuất
(Quỹ HTND)- Nhìn chung, các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích. Một số dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng, chăm sóc cây thanh long ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết.
|
Các hộ vay vốn đúng mục đích, có hiệu quả (Ảnh minh họa) |
Căn cứ chỉ tiêu vận động, xây dựng Quỹ năm 2017 do TƯ Hội giao, các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị để tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ HTND.
Toàn tỉnh hiện có 10/10 đơn vị cấp huyện có Quỹ HTND, 6/10 huyện đạt mức trên 500 triệu đồng, 124/127 cơ sở Hội có Quỹ, trừ 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ được trên 1,8 tỉ đồng. Trong đó, nguồn cấp tỉnh tăng gần 900 triệu đồng, cấp huyện tăng trên 200 triệu đồng, cấp cơ sở vận động được gần 700 triệu đồng.
Tính đến nay, nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 27 tỉ đồng, trong đó nguồn ủng hộ trên 6 tỉ đồng, nguồn mượn trên 55 triệu đồng, nguồn ngân sách địa phương cấp trên 6 tỉ đồng, bổ sung vốn gần 700 triệu đồng, nguồn TƯ Hội ủy thác trên 13 tỉ đồng.
Nguồn vốn trên đã cho trên 2 ngàn hộ vay với 123 dự án và 75 đơn vay ngắn hạn, tổng dư nợ gần 25 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn cấp tỉnh, trung ương cho vay đầu tư tập trung vào các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh, các tổ hợp tác, tổ liên kết, mô hình sản xuất của Hội.
Nhìn chung, các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích. Một số dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng, chăm sóc cây thanh long ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết.
Dự án trồng cao su, điều, trồng sen lấy hạt kết hợp nuôi cá, nhân giống lúa xác nhận ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh; trồng và chăm sóc cây trôm ở huyện Tuy Phong; chăn nuôi bò, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản ở huyện Hàm Tân, La Gi, Bắc Bình, tp Phan Thiết…
Điển hình như dự án chăn nuôi bò sinh sản ở xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết), xã Sơn Mỹ (Hàm Tân), xã Nam Chính (Đức Linh) mỗi hộ vay mua ít nhất 1 con bò giống. Sau hai năm từ con bò giống ban đầu, mỗi hộ có thêm 2 con bê con như hộ ông: Đỗ Văn Bốn, Võ Minh Trung, Nguyễn Sáng, hộ bà Nguyễn Thị Loan…
Cùng với việc chọn mô hình cho vay, các cấp Hội chú trọng việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ thực hiện dự án.
Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành kỹ thuật, các doanh nghiệp tổ chức 672 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 32.495 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; 19 cuộc hội thảo cho 846 lượt hội viên, nông dân.
Tuy đạt được một số kết quả trên nhưng tốc độ tăng trưởng vốn thời gian qua của tỉnh vẫn chậm. Qui mô vốn của nhiều đơn vị vẫn chưa cao.
Việc vận động xây dựng Quỹ trong hội viên, nông dân còn khó khăn do hạn hán, lũ lụt, giá cả nông sản bấp bênh…
Năm 2018, bên cạnh một số nội dung cần triển khai, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới, các tổ hợp tác sản xuất do Hội thành lập, các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng, chú trọng hỗ trợ vốn theo dự án, mô hình; nghiên cứu chính sách vay vốn đối với ngư dân và đẩy mạnh việc vận động, tăng trưởng vốn, đáp ứng nhu cầu của hội viên, nông dân.