Hội NDVN - Ngân hàng CSXH: Đồng hành giúp hội viên thoát nghèo
11:32 - 14/09/2017
(Quỹ HTND) - Trong 15 năm qua, dư nợ nhận ủy thác qua Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Đến hết tháng 8/2017, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) quản lý 59.999 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) với 2.149.086 thành viên. Dư nợ của 23 chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua Hội là 52.901 tỷ đồng (tăng 12,50 lần so với cuối năm 2003), chiếm tỷ trọng 32,4% tổng dư nợ Ngân hàng CSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.
Thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Hội Nông dân Việt Nam đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (Ảnh minh họa) 

Sau 15 năm: Tăng số lượng và chất lượng các chương trình tín dụng

Thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, tháng 4/2003, Hội NDVN và Ngân hàng CSXH đã cùng nhau ký kết Văn bản liên tịch số 235/VBLT về ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong suốt những năm qua, Hội NDVN đã đảm nhận và chỉ đạo thực hiện tốt 06 khâu công việc trong quy trình cho vay vốn của Ngân hàng CSXH.


Cùng với đó, các cấp Hội còn làm tốt công tác vận động hộ vay tham gia tiết kiệm nhằm tạo thêm nguồn lực và ý thức tiết kiệm, sử dụng vốn vay hiệu quả. Đến hết tháng 8/2017, tỷ lệ hộ tham gia gửi tiết kiệm do Hội quản lý đạt hơn 99% với số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên thuộc các Tổ TK&VV do Hội ND quản lý đạt 1.854,505 tỷ đồng, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm đạt trên 30 triệu đồng/ tổ, 90 nghìn đồng/ thành viên.


Công tác đôn đốc thu nợ, thu lãi được các cấp Hội coi trọng và thực hiện khá tốt. Đến hết tháng 8/2017 tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,39%/tổng dư nợ, giảm 12,75% so với năm 2014; tỷ lệ thu lãi đạt gần 98%.


Đến hết tháng 8/2017, tỷ lệ Tổ TK&VV do Hội quản lý xếp loại tốt đạt 83,50%, Tổ xếp loại khá 12,73%; Tổ xếp loại trung bình 2,01%; Tổ xếp loại yếu chỉ còn 1,76%, có 01 Tổ không xếp loại. Quy mô Tổ TK&VV được nâng lên hợp lý hơn, nếu trước năm 2008 bình quân một Tổ chưa đến 20 thành viên, số dư nợ dưới 10 triệu đồng/thành viên thì nay quy mô Tổ bình quân có 35 thành viên, dư nợ bình quân 24 triệu đồng/hộ thành viên. Số chủ hộ thành viên là hội viên, nông dân, chiếm trên 82%.


Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ Hội Nông dân các cấp và cán bộ Tổ TK&VV đã được các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện khá tốt, 15 năm qua đã có trên 300.000 lượt cán bộ Hội các cấp và Ban quản lý Tổ TK&VV được tập huấn. Ngoài ra, các tỉnh, thành Hội đã chủ động đưa nội dung hoạt động ủy thác vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hàng năm.


Để giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, Hội ND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức kinh tế, các nhà khoa học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công tổ chức hàng ngàn buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn. Các cấp Hội còn xây dựng hàng ngàn mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho nông dân thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Hàng năm, các cấp Hội đã tham gia tổ chức và trực tiếp dạy nghề cho trên 100.000 lao động nông nghiệp.


Từ những hoạt động trên đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống, góp phần tích cực làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 22%/năm 2005 xuống còn khoảng 4,45% năm 2016.


Một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình ủy thác:

Một là, Các chủ thể thực hiện tín dụng chính sách phải làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chính sách ở các cấp, các ngành, trong cán bộ, hội viên, đoàn viên và rộng rãi đến quần chúng nhân dân để mọi người hiểu chính sách, thực hiện đúng chính sách, tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách hữu hiệu.


Hai là, Phải có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, liên tục của cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong điều tra, phân loại, xác nhận đối tượng đủ điều kiện vay vốn; tạo được cơ chế phối hợp cụ thể giữa Hội Nông dân và Ngân hàng CSXH; phân công, bố trí ổn định cán bộ làm ủy thác có đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện ủy thác ở các cấp Hội. Coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội và Ban quản lý Tổ TK&VV.


Ba là, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp xã chủ động, phối hợp với chính quyền và Ngân hàng CSXH trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm để tiếp nhận nguồn vốn ủy thác, gắn việc cho vay vốn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện các chương trình, nghị quyết của Hội.


Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của Hội cấp trên đối với cấp dưới và Tổ TK&VV; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, giao ban, sơ kết, tổng kết theo định kỳ.
 
Hải Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng