|
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên, nông dân ở xã San Thàng, thành phố Lai Châu có điệu kiện phát triển kinh tế. (ảnh: Báo Lai Châu) |
Nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có chính sách đối với đồng bào DTTS, trong những năm qua UBND tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động; chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh triển khai các chương trình tín dụng.
Nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng; giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giúp cho đồng bào DTTS nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Điển hình như xã San Thàng thành phố Lai Châu. Ngay từ những ngày đầu triển khai chính sách tín dụng, UBND xã San Thàng đã phân công 1 đồng chí lãnh đạo UBND xã phụ trách theo dõi hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
UBND xã đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Chính phủ, của tỉnh, thành phố để tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo, các đối tượng chính sách; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nâng cao vai trò của tổ chức Hội làm cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng đến các đối tượng.
Trong đó, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… đã thực hiện ký kết hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách, thành lập 15 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc các tổ chức Hội quản lý.
Các tổ tiết kiệm và vay vốn đã ký hợp đồng ủy nhiệm với NHCSXH thực hiện ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm với Ngân hàng. Đồng thời, tuyên truyền các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng được thụ hưởng.
Nhờ có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các tổ chức Hội nhận ủy thác nên không có hiện tượng vay hộ, vay ké, các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích được duyệt và phát huy hiệu quả từ đồng vốn vay của Ngân hàng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, các tổ chức Hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện nội quy giao dịch tại xã theo quy định như công khai niêm yết sao kê dư nợ theo tháng; nội quy điểm giao dịch; thông báo chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ tới mọi người dân; hòm thư góp ý; thực hiện giao dịch tại xã theo thông báo của Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách thành phố vào ngày mùng 7 hàng tháng; giao ban định kỳ tại điểm giao dịch xã, giám sát phiên giao dịch theo quy định.
Nhờ vậy, từ 2012 đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn xã đạt 70 tỷ đồng, cho 4.565 lượt hộ vay vốn, dư nợ đạt 9.988 triệu đồng, hiện có 421 hộ đang dư nợ. Các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, nguồn vốn đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 27,4% năm 2002 xuống còn 2,4% năm 2017; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9.5 triệu đồng (năm 2010) lên 29.5 triệu đồng (năm 2017).
Hay như Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn quản lý hơn 37,7 tỷ đồng với 1.114 hộ nông dân vay (31 tổ vay vốn). Qua kiểm tra, giám sát, hầu hết các hội viên sử dụng nguồn vốn vay đầu tư chăn nuôi, đào ao thả cá, mua trâu sinh sản, phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở cửa hàng kinh doanh mang lại giá trị kinh tế, sinh lời cao.
Đến nay, Hội Nông dân đã ký ủy thác với NHCSXH các huyện cho các hộ hội viên vay vốn. Cùng với các nguồn lực hỗ trợ khác, đã xuất hiện nhiều hợp tác xã, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Hợp tác xã Hưng Thịnh (thành phố Lai Châu); nuôi lợn thịt tại xã San Thàng (thành phố Lai Châu; mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Vàng San (huyện Mường Tè) …
Ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu khẳng định: Thông qua sử dụng vốn vay hiệu quả đã từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của hộ viên nông dân. Đa số hội viên nông dân được vay vốn đã phát huy tinh thần cần cù lao động, tích cực học hỏi ứng dụng KHKT vào sản xuất, từ đó đã thoát nghèo và đi lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44,87% năm 2007 xuống còn 29,68% năm 2017.