(Quỹ HTND)- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ nông dân thành lập tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), phối hợp cho vay vốn, tập huấn hướng dẫn KHKT, dạy nghề cho nông dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
|
Cán bộ Hội ND Hà Tĩnh hướng dẫn các nông dân cách tiêm phòng cho gà Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Với nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung trong hai năm 2014, 2015 cho Quỹ hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) tỉnh mỗi năm 2 tỉ đồng, nâng tổng nguồn Quỹ HTND lên 17 tỉ đồng. Nguồn vốn trên chưa hẳn là nhiều so với một vài địa phương khác, nhưng 3 năm gần đây Quỹ HTND đã cho 1920 lượt hộ vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Hội đã trực tiếp xây dựng 75 mô hình kinh tế có hiệu quả, thành lập được 72 THT và 3 HTX.
Ngoài nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND các cấp đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Điển hình như Hội Nông dân thị trấn Thạch Hà. Đến nay Hội quản lý 16 tổ vay vốn Ngân hàng NN&PTNT, với tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng cho 448 lượt hộ vay; quản lý 7 tổ vay vốn Ngân hàng CSXH với gần 6,3 tỷ đồng cho gần 200 lượt hộ vay; phối hợp với Ban khuyến nông, Trung tâm chuyển giao KHCN tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Hội đã vận động thành lập 2 THT máy cày, máy gặt đập liên hợp.
Hội ND huyện Kỳ Anh lại phát huy sở trường là tăng cường phối hợp để tìm cách hỗ trợ nông dân sao cho hiệu quả nhất từ vốn, KTKT đến tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua Hội ND huyện đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh, dự án SRDP, Công ty Mitraco mở 12 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 371 hội viên, nông dân; phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện, các trung tâm tổ chức 80 lớp tập huấn cho hội viên, nông dân. Hỗ trợ 4.574 hộ vay 109,426 tỷ đồng vốn Ngân hàng CSXH; phối hợp với Ngân hàng NNPTNT huyện cho 7.654 hộ vay 372,9 tỷ đồng.
Đến nay toàn huyện có 2.494 hộ vay hơn 198 tỷ đồng theo Quyết định 23 về hỗ trợ lãi suất; vay vốn theo Nghị quyết 90/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 01, 02 của UBND huyện 33,17 tỷ đồng .
Cùng với vốn, Hội ND huyện còn phối hợp với các công ty cung ứng 500 tấn phân bón trả chậm, 110 tấn giống lúa, 11.830 cây ăn quả cho nông dân. Cùng với các cơ quan chuyên môn thành lập 259 THT, 31 HTX, trong đó Hội Nông dân trực tiếp chỉ đạo xây dựng 19 THT và 08 HTX; phối hợp và trực tiếp hướng dẫn xây dựng 141 mô hình (có 50 mô hình do Hội nông dân trực tiếp chỉ đạo).
Nhờ sự hỗ trợ tích cực trên, năm qua, toàn huyện có 6.803 hộ đạt danh hiệu NDSXKD giỏi; trong đó cấp Trung ương 34 hộ, cấp tỉnh 679 hộ, cấp huyện 1.745 hộ và cấp xã 4.345 hộ.
Với tổng nguồn vốn ủy thác 480 tỉ đồng, Hội ND huyện Cẩm Xuyên triển khai dự án chăn nuôi bò chất lượng cao liên kết với Công ty Mitraco tại 16/27 xã giúp nông dân nâng cao giá trị hàng hóa. Hội cũng vận động, hỗ trợ làm hồ sơ để cùng các cơ quan chuyên môn thành lập mới 461 THT, 9 HTX; phối hợp hỗ trợ xây dựng mới 101 mô hình kinh tế mới.
Trong 5 năm (2010-2015), Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã góp phần hỗ trợ xây dựng 5.845 mô hình kinh tế làm điểm để nhân rộng. Phần lớn các mô hình đều được vay vốn Ngân hàng No&PTNT, Ngân hàng CSXH, Quỹ HTND…
Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nuôi 10-30 con lợn/lứa, thậm chí, hàng trăm con mỗi lứa; hàng trăm, hàng ngàn con gà/lứa... Điển hình như THT nuôi gà thả vườn ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) có 26 hộ tham gia, trung bình 200 con/hộ/lứa, có hộ 800 con; tổ nhóm nuôi hươu ở Đức Long (Đức Thọ) có 14 hộ, quy mô 5-12 con/hộ; Sơn Giang (Hương Sơn) có 17 hộ/nhóm, quy mô 3-10 con/hộ...
Hay như mô hình chăn nuôi lợn quy mô nhỏ (20-25 con/lứa/hộ) tại 5 xã của huyện Vũ Quang (Hương Quang, Hương Thọ, Hương Minh, Đức Lĩnh và Sơn Thọ) với 47 hộ tham gia và đã hình thành được 5 THT chăn nuôi lợn liên kết. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi lứa, người dân thu hơn 350.000 đồng/con so với nuôi thường. Hiện nay, mô hình này tiếp tục được phát huy và nhân rộng ở tất cả các huyện, thị, thành.
Có thể nói, các hoạt động của Hội đã góp phần nâng tổng số HTX và THT toàn tỉnh lên 443, 874; ngoài ra còn có 7.920 mô hình thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Qua đó, góp phần đưa đời sống hội viên, nông dân trong toàn tỉnh lên một bước cao hơn, đồng thời giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc ứng dụng KHTK, liên kết, hợp tác để từng bước phát triển nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập.