Nhân rộng mô hình sử dụng vốn hiệu quả
16:02 - 28/02/2018
(Quỹ HTND)- Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hội viên, nông dân thực sự được trợ lực để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đây, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông Hà Văn Quyết, xóm Tát, xã Tân Minh (Đà Bắc, Hòa Bình) đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi lơn

Đầu năm 2017, 12 thành viên của Tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng tại xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa quyết định vay vốn mở rộng quy mô.


Với số vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh, các thành viên đã đầu tư nâng cao chất lượng con giống, nguồn thức ăn hợp chuẩn và sửa lại lồng bè, nhờ đó hiệu quả được nâng lên.


Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu về 150 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 24 lao động.


Cũng trong năm 2017, 8 thành viên của Tổ hợp tác trồng rau sạch Tiến Ra tại xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh được Quỹ cho vay 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tự động và máy cày đất đa năng, giúp kéo giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả đầu tư.


Tổ hợp tác cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hệ thống siêu thị tại TP. Cam Ranh, Nha Trang và khu vực Vùng 4 Hải quân để có được đầu ra ổn định. Chỉ với diện tích đất trồng rau mỗi hộ từ 0,5 đến 1ha, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu về 55 triệu đồng mỗi năm.

 
Dự án vay vốn của Tổ hợp tác nuôi gà thả vườn Hùng Nguyện tại xã Cam Tân, huyện Cam Lâm cũng được hỗ trợ 200 triệu đồng cho 7 hộ vay để đầu tư sửa chữa chuồng trại, thức ăn, con giống, hệ thống nước uống tự động...


Mỗi hộ nuôi từ 500 đến 600 con/lứa, mỗi lứa khoảng 90 ngày, sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 25 đến 35 triệu đồng/lứa.

 
Dự án cải tạo vườn măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ HTND.


Từ năm 2012 đến nay, Quỹ HTND đã giải ngân 172 dự án, 1.755 hộ vay, với tổng số vốn trên 38,7 tỷ đồng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy-hải sản… 


Trong đó nhiều dự án, mô hình đạt hiệu quả cao, đa số nông dân vay vốn sản xuất đều thu lãi, có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.


 Đơn cử như Dự án nuôi cá trê thương phẩm tại xã Thành Hải; chăn nuôi bò vỗ béo phường Đạo Long (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); sản xuất muối thương phẩm ở xã Nhơn Hải; mô hình nuôi cá bớp xã Thanh Hải (Ninh Hải)…


Thông qua việc tham gia các dự án, nông dân còn được nâng cao kiến thức khoa học, chuyển đổi tập quán canh tác lạc hậu sang canh tác có khoa học- kỹ thuật, từng bước giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.


Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng cũng ngày càng phát triển. Các mô hình, dự án vay vốn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.


Hợp tác xã Nguyên Tiêu (xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, Kiên Giang) có gần 60 thành viên. HTX đang canh tác khoảng 20ha cây hồ tiêu, bình quân lợi nhuận đạt 450 triệu đồng/ha/năm.


Năm 2014, Quỹ HTND tỉnh Kiên Giang giải ngân cho vay 300 triệu đồng để 21 thành viên của HTX thêm vốn cải tạo vườn tạp, ruộng lúa kém hiệu quả sang canh tác hồ tiêu.


Từ đó, nhiều vườn tiêu mới được hình thành. Một số hộ khó khăn nhờ trồng tiêu mà có lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng/công/năm. Những hộ có diện tích trồng tiêu nhiều, thu về từ 400-500 triệu đồng/năm.


Ngoài ra, thông qua đồng vốn nguồn Quỹ HTND, nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao và được nhân rộng, như: Mô hình nuôi bò lai Sind sinh sản ở xã Vĩnh Phú (Giang Thành), trồng rau an toàn ở phường An Bình và trồng hoa kiểng tại phường Vĩnh Hiệp (TP.Rạch Giá), trồng tiêu xã Cửa Cạn (Phú Quốc), nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ (Kiên Lương)…


Đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn Quỹ HTND Kiên Giang đạt 38,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do T.Ư Hội NDVN ủy thác là 8,9 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn cấp tỉnh, huyện. Doanh số cho vay xoay vòng của Quỹ HTND các cấp đạt 71,4 tỷ đồng với 9.665 lượt hộ vay.


 Năm 2017, với sự phát động của Tỉnh hội nông dân, các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh vận động gây quỹ. Kết quả, toàn tỉnh đã phát triển được 7,18 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch đề ra.

 
Ông Hà Văn Quyết, xóm Tát, xã Tân Minh, Đà Bắc, Hòa Bình chia sẻ: Dù nguồn vốn không lớn, nhưng Quỹ đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi.


Đến nay đã có 11/11 đơn vị thành lập Qũy HTND. Hội Nông dân các cấp tỉnh Hòa Bình đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch vận động, phối hợp với các ngành liên quan để bổ sung Qũy HTND từ nguồn ngân sách địa phương, triển khai đến các cơ sở Hội vận động cán bộ, hội viên tham gia đóng góp. Năm 2017, tổng nguồn vốn Qũy HTND là 26.184, 858 triệu đồng.


Nhiều mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án khác được vay vốn phát triển sản xuất.


Điển hình như dự án "Trồng và chăm sóc cam” tại xã Tây Phong và Nam Phong (Cao Phong); dự án "Trồng bưởi Diễn” xã Ngọc Lương (Yên Thủy); dự án trồng và chăm sóc cam, bưởi ở thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy); dự án "Chăn nuôi bò sinh sản” xã Liên Hòa (Lạc Thủy); dự án "Chăn nuôi bò sữa” xã Liên Sơn (Lương Sơn)….

 
Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành Hội tiếp tục chỉ đạo Ban Điều hành Qũy HTND lập kế hoạch, thực hiện kiểm tra, giám sát nguồn vốn; định hướng, chỉ đạo thành lập các tổ, nhóm nông dân, lựa chọn đầu tư những mô hình bảo đảm an toàn vốn cho vay theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và có khả năng nhân rộng mô hình để đồng vốn Quỹ phát huy hiệu quả.

Nguyễn Mạnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng