Hội ND Lâm Đồng- Ngân hàng CSXH tỉnh: 15 năm phối hợp dẫn vốn hiệu quả cho nông dân
10:12 - 27/09/2017
(Quỹ HTND) – Trong 15 năm qua (2002- 2017), Hội ND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành sắp xếp, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK & VV. Quy mô Tổ TK & VV có thay đổi hàng năm, cụ thể: Năm 2008 mới có 1.035 Tổ TK & VV/ 34.445 hộ; năm 2012 có 1.153 Tổ/ 38.737 hộ.
Từ kênh vốn hỗ trợ của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên nông dân thoát được nghèo, vươn lên khá giàu


 
Hiện nay, Hội ND tỉnh đang quản lý 880 Tổ TK & VV theo địa bàn dân cư, với 33.071 thành viên, tổng dư nợ đạt 923.190 triệu đồng. Bình quân có 37 thành viên/tổ, dư nợ đạt khoảng 27,91 triệu đồng/hộ thành viên.

 
Nhìn chung, các Tổ TK & VV đã làm khá tốt khâu bình xét các hộ được vay vốn, đôn đốc hộ vay trả lãi và gốc theo đúng hợp đồng đã ký kết. Tỷ lệ thu lãi đúng kỳ hạn hàng tháng đạt ngày càng cao qua các năm. Nếu như năm 2004 đạt 88,3% thì đến tháng 7/2017 đã đạt 97%. Số Tổ TK & VV đã triển khai huy động tiết kiệm tự nguyện đạt 100% số Tổ; số thành viên tham gia gửi tiết kiệm tự nguyện đạt 94%/ tổng số thành viên.

 
Tính đến hết tháng 7/2017, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên thuộc các Tổ TK & VV do Hội ND quản lý đạt 30.467 triệu đồng. Như vậy, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi Tổ đạt trên 34,6 triệu đồng, của mỗi thành viên là 976.000 đồng.

 
Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của các Tổ TK & VV cũng ngày càng được nâng lên về chất. Đến nay, tỷ lệ xếp loại, đánh giá chất lượng Tổ TK & VV do Hội ND quản lý xếp loại tốt và khá cao. Cụ thể: Xếp loại tốt có 712 Tổ (đạt 80,9%); xếp loại khá có 152 Tổ (đạt 17,3%); loại trung bình có 9 Tổ (chiếm có 1%). Một số huyện, thành Hội thực hiện tốt nên chỉ có các Tổ TK & VV đạt loại tốt và khá cao, điển hình như: Đam Rông; Đạ Huoai; Cát Tiên; Lạc Dương; Đà Lạt; Bảo Lộc…

 
Cũng trong 15 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội ND cũng liên tục tăng trưởng cả về khối lượng tín dụng cũng như số lượng các chương trình tín dụng. Từ dư nợ ủy thác ban đầu mới có 28.400 triệu đồng, với 01 chương trình vay và tăng dần lên qua các năm. Năm 2012 là 717.776 triệu đồng/ 9 chương trình vay và đến hết tháng 7/2017, dư nợ đã đạt tới 923.190 triệu đồng/13 chương trình tín dụng. Dư nợ của Hội ND tỉnh chiếm tỷ trọng 33,5%/tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị- xã hội, nghĩa là đã tăng thêm 894.790 triệu đồng; cao gấp 31,5 lần so với thời điểm của năm 2004, khi Hội bước đầu được tiếp quản nguồn vốn.

 
Ở thời điểm hiện tại, đơn vị đang có mức dư nợ ủy thác cao nhất là huyện Di Linh với tổng dư nợ 115.867 tỷ đồng; đơn vị có dư nợ thấp nhất là huyện Lạc Dương với 42.517 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 6 đơn vị mức dư nợ đạt trên 80 tỷ đồng như: Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc, Bảo Lâm; có 3 đơn vị mức dư nợ đạt từ 60- 80 tỷ đồng gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; 3 đơn vị dư nợ từ 42 đến dưới 60 tỷ đồng là: Lạc Dương, Đà Lạt, Đam Rông.

 
Việc quản lý, thu hồi nợ quá hạn luôn được các cấp Hội quan tâm, coi trọng. Đối với một số địa phương, khi có tỷ lệ nợ quá hạn cao đều tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH và chính quyền cơ sở phân loại, đôn đốc để thu nợ, giải quyết nhanh, không để nợ quá hạn tồn đọng lâu.

 
Tại thời điểm cuối năm 2012, mức nợ quá hạn trong toàn tỉnh chiếm tới 1,3% tổng dư nợ thì đến hết tháng 7/2017 đã giảm được tỷ lệ này chỉ còn có 0,21%/tổng dư nợ. Có 6 huyện, thành phố đang có mức tỷ lệ nợ quá hạn thấp dưới 0,2% gồm: Đà Lạt (0,1%); Di Linh (0,14%); Đạ Huoai (0,14%); Lạc Dương (0,12%); Bảo Lộc (0,15%); Bảo Lâm (0,18%).

 
Thông qua các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã có nhiều hộ được hỗ trợ kịp thời về vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 
Điển hình như: Hộ Mai Văn Trị ở thôn 1, Trịnh Thị Thúy thôn 5 xã Lộc An- huyện Bảo Lâm; hộ Lê Phước Anh ở thôn Quảng Hòa, xã Quảng Lập, Nguyễn Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thị Sương đều ở thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Đa Kô- huyện Đơn Dương… Các hộ này nhờ được vay vốn của Ngân hàng CSXH với số tiền từ 20- 30 triệu đồng/ hộ đem đầu tư chăn nuôi bò, trồng cà phê, trồng rau công nghệ cao nên hiện nay đã thoát nghèo; nhiều hộ có mức thu nhập hàng năm ổn định từ 40- 60 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí.

 
Hay như hộ ông Trần Quốc Tuấn ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát- huyện Lạc Dương, từ số vốn 20 triệu đồng ban đầu được vay thông qua chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm và 50 triệu đồng từ chương trình SXKD vùng khó khăn, ông đã dùng số tiền vay được đầu tư hết vào mô hình tổng hợp, làm giàn để trồng hoa hồng môn, kếp hợp với trồng rau, cà phê…

 
Hiện, thu nhập trung bình của gia đình ông đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ nông dân khác ở các địa phương trong tỉnh cũng đã được tạo điều kiện bình xét để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

 
Đối với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, các cấp Hội luôn chú trọng và thực hiện sát sao. Ban Thường vụ tỉnh Hội giao cho Quỹ HTND trực tiếp tham mưu việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các nội dung, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cụ thể cho cán bộ Hội cấp dưới được phân công phụ trách, theo dõi chương trình. Mỗi năm, tỉnh Hội đều tiến hành kiểm tra tại 12/12 huyện, thành Hội; tại mỗi huyện sẽ kiểm tra 2 cơ sở, ở mỗi cơ sở kiểm tra điểm từ 2- 3 Tổ TK & VV. Trong đó, tập trung kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung nhận ủy thác, kiểm tra hoạt động của Tổ TK & VV, kiểm tra người vay sử dụng đồng vốn như thế nào…


Tại địa phương, các Hội ND cấp huyện, thành phố đều xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm, có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ phụ trách chương trình và phụ trách theo từng địa bàn thực hiện việc kiểm tra theo chuyên đề hoặc kiểm tra lồng ghép với các nội dung, chương trình công tác Hội; tham gia chứng kiến tại các phiên giao dịch ở những điểm giao dịch của ngân hàng, tham gia giao ban với ngân hàng đầy đủ theo đúng quy định.

 
Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch Hội ND cấp tỉnh và cấp huyện còn tham gia trong Hội đồng quản trị và Ban đại diện Hội đồng quản trị của Ngân hàng nên đã thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát theo quy định. Trong suốt 15 năm qua, bình quân mỗi năm, các cấp Hội đã thực hiện hàng trăm cuộc kiểm tra các hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 
Qua đó, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục, xử lý những trường hợp bình xét cho vay còn chưa đúng đối tượng, thu lệ phí sai quy định, sử dụng phí ủy thác và hoa hồng chưa đúng để chấn chỉnh công tác thống kê, theo dõi. Định kỳ đều có báo cáo kết quả hoạt động ủy thác của Hội ND các cấp; công tác lập và lưu giữ hồ sơ, sổ sách của các Tổ TK & VV được duy trì đúng quy định.

 
Để hoàn thành tốt việc nhận ủy thác, công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho các cán bộ Hội các cấp và Tổ trưởng Tổ TK & VV luôn được Hội quan tâm, phối hợp cùng với Ngân hàng thực hiện khá tốt. Kết quả, trong 15 năm đã có gần 10.000 lượt cán bộ Hội các cấp và Tổ Trưởng Tổ TK & VV trong tỉnh được tham gia tập huấn nghiệp vụ.

 
Hàng năm, tỉnh Hội cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề riêng; hoặc chủ động đưa các nội dung hoạt động ủy thác lồng ghép cùng với chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội hay thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp, các tổ chức kinh tế, đội ngũ cán bộ khuyến nông-lâm-ngư-công tổ chức hàng ngàn buổi tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn. Các cấp Hội cũng đã xây dựng được hàng trăm mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, từ đó tổ chức cho hội viên, nông dân tới tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm thực tế.

 
Từ những hoạt động trên đã tạo được sức lan tỏa, cuốn hút các hộ nghèo cùng tham gia, tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với loại hình sản xuất hàng hóa. Nhờ đồng vốn được đầu tư, sử dụng đúng mục đích, nhiều hộ đã đạt mức thu nhập cao, thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu.

 
Việc cho vay vốn thông qua các Tổ TK & VV đã làm tăng sự đoàn kết, tính nhân ái, giàu lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Qua đó, tình làng, nghĩa xóm càng thêm gắn bó; các hộ nghèo còn hình thành được thói quen tiết kiệm, đổi mới trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện đúng nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng. Nhờ có đồng vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng cường trách nhiệm cộng đồng tại địa bàn dân cư. Từ đó góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

 


Đầu năm 2011, số hộ nghèo trong toàn tỉnh chiếm 34.578 hộ (12,6%); trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 18.844 hộ (tỉ lệ 32,65%), đến cuối năm 2015, toàn tỉnh chỉ còn 5.236 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015 (chiếm tỷ lệ 1,74%); trong đó hộ nghèo diện đồng bào DTTS còn 2.531 hộ (tỷ lệ 4%). Như vậy, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh đã giảm được 5.868 hộ nghèo, tương đương với tỷ lệ giảm khoảng 2,17%/năm.

 

Đăng Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng