Nâng cao chất lượng nguồn vốn ưu đãi dành cho người nghèo
10:19 - 28/12/2017
(Quỹ HTND) - Nhiều năm qua, công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được Hội ND xác định là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những nội dung thi đua ở tất cả các cấp. Nguồn vốn vay từ ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã luôn đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, giúp tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
|
Nguồn vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững |
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo Ban Thường vụ Hội ND các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Trung ương Hội NDVN cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với chính quyền địa phương, phối hợp cùng các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách nhằm đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm an sinh xã hội.
Với phương châm tuyên truyền, nâng cao nhận thức phải đi đầu trong các hoạt động, ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng, tấm gương các hộ vay sử dụng đồng vốn hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, công tác truyền thông còn được đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú như: Sân khấu hóa; qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; lồng ghép vào các buổi họp thôn (ấp, bản, làng), sinh hoạt chi, tổ Hội…
Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các văn bản, chính sách mới của Chính phủ, Ngân hàng CSXH như: Quyết định số 751 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên; Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; Văn bản số 2114/NHCS-TDNN ngày 18/5/2017 về tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn chăn nuôi lợn…
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần chuyển đổi nhận thức của hội viên, nông dân và các hộ vay. Từ đó dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của hộ vay về việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho Ngân hàng CSXH khi đến hạn.
Trong năm 2017, mức tăng trưởng về dư nợ và chất lượng tín dụng ủy thác trong cả nước đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua kênh của Hội ND đạt 52.850 tỷ đồng, tăng 2.300 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016 (tăng 4,55%); với 23/23 chương trình tín dụng chính sách đang cho 2.158.409 lượt hộ vay (mức vay bình quân của mỗi hộ khoảng 24,49 triệu đồng).
Theo thống kê, một số khu vực có dư nợ ủy thác tăng cao như: Trung du và miền núi phía Bắc tăng 627,269 tỷ đồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tăng 595,102 tỷ đồng; đồng bằng sông Cửu Long tăng 342,330 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hóa là đơn vị có dư nợ ủy thác cao nhất cả nước, đạt 2.903,695 tỷ đồng. Ngoài ra, có 11 đơn vị số dư nợ cao trên 1.000 tỷ đồng gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Đăk Lăk, Gia Lai; 47 đơn vị có dư nợ từ mức 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng; 05 đơn vị dư nợ từ 300 - 500 tỷ đồng gồm: Hà Nam, Lai Châu, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bạc Liêu.
Trong số 23 chương trình tín dụng đang được uỷ thác qua Hội ND, hiện có 08 chương trình đạt dư nợ lớn, chiếm tỷ lệ 97,83% tổng dư nợ. Cụ thể gồm: Cho vay hộ nghèo với dư nợ 12.732 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 24,09%; cho vay hộ cận nghèo dư nợ 9.926 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,78%; cho vay chương trình NS&VSMT 8.831 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,71%; cho vay hộ thoát nghèo 5.875 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,12%; cho vay học sinh, sinh viên 5.381 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,18%; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 5.327 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,08%... Các chương trình khác còn lại chiếm khoảng 2,17% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành Hội cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chi nhánh ngân hàng cùng cấp trong việc rà soát, đánh giá, xếp loại củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV theo Quyết định 15/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị ngân hàng CSXH. Thông qua đó, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV ngày càng được nâng lên, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, bình xét hộ vay, kiểm tra, giám sát.
Kết quả đánh giá xếp loại Tổ TK&VV cụ thể như sau: Có 50.801 Tổ xếp loại tốt, chiếm 83,94% tổng số Tổ; 7.414 Tổ xếp loại khá, chiếm 12,25%; 1.282 Tổ xếp loại trung bình, chiếm 2,12%; vẫn còn 1.136 Tổ xếp loại yếu, chiếm 1,69%. Đáng chú ý, một số điển hình nhờ hoạt động tốt, không có Tổ TK&VV xếp loại yếu như các tỉnh: Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thừa Thiên Huế.
Hoạt động của các Tổ TK&VV được Ban quản lý tổ duy trì theo đúng quy ước đã đề ra, tổ chức sinh hoạt theo định kỳ. Nội dung sinh hoạt tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách tín dụng ưu đãi, các quy định mới về quản lý và sử dụng nguồn vốn của ngân hàng CSXH. Ngoài ra, còn phổ biến các nội dung hoạt động của Hội, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phổ biến KHKT, kinh nghiệm quản lý vốn, tiết kiệm qua Tổ TK&VV, thu hồi vốn, lãi...
Hội viên, nông dân được hỗ trợ nguồn vốn vay, kịp thời đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống, tăng thu nhập, nhờ đó thêm phấn khởi và tự nguyện tham gia gửi tiết kiệm để có vốn quay vòng cho nhiều hộ khác tiếp tục được thụ hưởng. Kết quả, đã có 60.238 Tổ TK&VV vận động thành viên gửi tiền tiết kiệm, với mức góp phổ biến từ 10.000- 100.000đ/tháng, đạt tỷ lệ 99,85% số Tổ TK&VV. Số dư tiền gửi đạt 1.826,350 tỷ đồng của 2.076.652 thành viên tham gia, tăng thêm 206,35 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Bình quân chung các tỉnh, thành Hội có tỷ lệ thu lãi đạt trên 95%.
Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác với ngân hàng CSXH. Đặc biệt, tiến hành kiểm tra đột xuất đối với những nơi có tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao để sớm tìm ra cách tháo gỡ khó khăn kịp thời. Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời chỉ đạo các cấp Hội, nhất là ở cấp cơ sở thường xuyên đôn đốc các Tổ trưởng Tổ TK&VV tham gia giao dịch hàng tháng với ngân hàng CSXH, thực hiện tốt việc bình xét cho vay đúng đối tượng, khắc phục tình trạng vay ké, sử dụng phí ủy thác chưa đúng…
Song song với đó, để giúp hội viên, nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đồng thời bằng cách thiết thực nhất hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Đã có 100% các hộ vay vốn được hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm giúp nâng cao nhận thức, đem áp dụng vào sản xuất để đạt được kết quả tốt hơn.
Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương cũng đã trực tiếp tổ chức được 11 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho hơn 1.650 cán bộ Hội các cấp tại 11 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kiên Giang, Cần Thơ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Nam, Bình Định, Đắc Lắc, Tây Ninh, Gia Lai. Hội phối hợp với các chi nhánh ngân hàng tổ chức 05 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác qua Tổ TK&VV cho hơn 750 cán bộ là Tổ trưởng, Tổ phó thuộc 02 tỉnh Thanh Hóa và Nam Định.
Ngoài ra, các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức riêng lẻ hoặc lồng ghép nội dung vào trong các buổi tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, trong giao ban hàng tháng… Tạo điều kiện để cán bộ ngân hàng trực tiếp hướng dẫn về nghiệp vụ, triển khai các văn bản mới cho cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý chương trình ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV.
Có thể khẳng định, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng CSXH đã làm tác động mạnh mẽ đến đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách ở nhiều địa phương trong cả nước. Thông qua hoạt động nhận ủy thác với ngân hàng đã tạo điều kiện cho tổ chức Hội củng cố thêm niềm tin, tập hợp lực lượng, nâng cao cả về số lượng, chất lượng hội viên, nông dân, các phong trào hoạt động hiệu quả. Qua đó, giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Ngọc Anh