Tp. Hồ Chí Minh: Cho gần 5 ngàn hộ nông dân vay trên 113 tỷ đồng
(Quỹ HTND)- Sáu tháng đầu năm 2017, các cấp Hội ND toàn thành phố đã vận động, bổ sung nguồn vốn được 8 tỷ 146 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn hiện nay lên 121 tỷ 044 triệu đồng. Hiện đã giải ngân gần 60 tỷ đồng cho trên 2 ngàn lượt hội viên, nông dân.
|
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay, nhiều nông dân ở huyện Bình Chánh đầu tư hiệu quả, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ảnh: An Phú |
Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tổng dư nợ Quỹ HTND đến tháng 6/2017 là 113 tỷ 225 triệu đồng cho gần 5 ngàn hộ vay.
Ngoài ra, nguồn vốn Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội ND đã cho 3.584 lượt hộ vay 48 tỷ 328 triệu đồng. Tổng dư nợ Ngân hàng CSXH đến hết tháng 4/2017 đạt 638 tỷ 334 triệu đồng cho 34.242 lượt hộ vay.
Hội cũng phối hợp với Ngân hàng NNPTNT cho 1.767 hộ vay 101 tỷ 130 triệu đồng.
Bên cạnh các nguồn vốn trên, Quỹ Vì người nghèo của Hội cũng giải ngân 815 triệu đồng cho 88 hộ vay vốn; giải quyết việc làm cho 65 lao động. Tổng dư nợ đến nay đạt 2 tỷ 828 triệu đồng, hỗ trợ 197 hộ vay, giải quyết việc làm cho 237 lao động.
Từ nguồn vốn trên, bà con nông dân tại 56 xã nông thôn ngoại thành đã đầu tư vào nhiều dự án có hiệu quả như cải tạo vườn tạp để trồng rau sạch, cây cảnh, hoa lan ở các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè… Chăn nuôi bò sữa ở Quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi; nuôi tôm, cá, thủy hải sản ở Nhà Bè, Cần Giờ…
Điển hình như tại huyện Hóc Môn 2 năm nay đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân dẫn đầu trong thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
Cụ thể, trong trồng trọt đã có mô hình chuyên cung cấp các giống lan theo phương pháp cấy mô, như trang trại Hai Nhơn ở Xuân Thới Thượng, HTX Ngọc Điểm ở Bà Điểm, cơ sở Bảy Yết ở Tân Thới Nhì trồng nấm bào ngư, sản xuất rau nhà lưới của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngã Ba Giồng; cơ sở giống cây kiểng Bảy Châu (Trung Chánh), HTX giống cây kiểng, bonsai ở Tân Hiệp, xương rồng Ngọc Long ở Thới Tam Thôn…
Về chăn nuôi heo, bò sữa, heo rừng lai… có trại chăn nuôi heo Tiền Phong (Tân Thới Nhì), cơ sở chăn nuôi gia súc của chị Hường ở Tân Hiệp. Hoặc các cơ sở cung cấp giống lươn, ếch, cá của hộ anh Trần Kim Sơn ở xã Tân Xuân; các giống động vật quý, hiếm ở Xuân Thới Đông, ở xã Đông Thạnh… liên tục có nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị trường.
Song song với việc cho vay vốn, các cấp Hội đã tổ chức 10 lớp tập huấn KTKT cho gần 1000 người. Hội ND cấp huyện, quận phối hợp tổ chức 83 lớp tập huấn cho gần 5 ngàn hội viên, nông dân về kỹ thuật trồng hoa nền, rau an toàn, mai ghép, nấm bào ngư, chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi bò sữa, thiết kế sân vườn, trồng rau thủy canh, nuôi cua thương phẩm xen canh tôm sú, kiểm tra chất lượng bò sữa, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi…
Đến cuối tháng 3/2017 hàng chục ngàn hội viên nông dân tại 56 xã ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh đã vượt tiêu chí thu nhập 21 triệu đồng/người/năm theo tiêu chí giảm nghèo của TP giai đoạn 3.
Nguồn vốn của tổ chức Hội Nông dân đã chung tay giúp bà con nông chủ động hơn, vượt qua những khó khăn để từng bước sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống.