|
Nông dân vay vốn đầu tư trồng nho tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (ảnh: HND BÌnh Thuận) |
Tính đến 30/6/2017, Hội Nông dân cấp huyện, xã đã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội cấp huyện thành lập, củng cố, duy trì hoạt động 691 Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV), với dư nợ ủy thác là 636,5 tỷ đồng/28,5 nghìn hộ vay, tăng 5,4 % so với cuối năm 2016 và chiếm 28,6% dư nợ ủy thác do các Hội đoàn thể quản lý.
Các cấp Hội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các Tổ TK&VV tổ chức hoạt động theo đúng Quy chế về tổ chức và hoạt động Tổ TK&VV, thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ được ủy nhiệm theo hợp đồng đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp tổ chức 450 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân.
Ban Quản lý các Tổ TK&VV đã tích cực phối hợp tuyên truyền đến tổ viên, hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; tổ chức họp bình xét đối tượng vay vốn; giám sát, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; thu lãi định kỳ và vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm…Tỷ lệ tổ hoạt động tốt, khá đạt 97,54.
Kết quả phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, dư nợ 1.117,975 tỷ đồng tại 937 Tổ vay vốn Ngân hàng NNPTNT đã giúp 23.260 hộ vay vốn đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Các nguồn vốn trên cộng với việc tích cực triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp, chuyển giao KTKT tới hội viên, nông dân đã góp phần nâng cao vai trò của Hội.
Cụ thể, Hội ND tỉnh đã ký hợp đồng dạy nghề dưới 3 tháng được 10 lớp cho 350 học viên. Hội ND các huyện phối hợp mở 54 lớp cho 1.897 học viên. Kết quả, sau đào tạo, có 2.105 lao động có việc làm.
Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 450 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên.
Các hoạt động trên đã giúp thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh phát triển. Ngay từ đầu năm đã có 127/127 cơ sở Hội, 10/10 huyện, thị, thành Hội tổ chức phát động và giao chỉ tiêu phấn đấu. Đến nay toàn tỉnh có 54.496 hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp.
Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân cần cù, chịu khó, có quyết tâm vươn lên, học hỏi và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trở thành hộ NDSXKDG.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Trường Toán, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh canh tác 17,5ha lúa xác nhận, lúa chất lượng cao, mè đen, trồng sen lấy hạt.
Ngoài ra, ông còn trồng ca cao, cao su, nuôi cá nước ngọt, kết hợp chăn nuôi bồ câu và gà thả vườn.
Thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt từ 450 triệu đồng trở lên, tạo việc làm cho 7-9 lao động. Ông được suy tôn là NDSXKDG cấp Trung ương.
Hay như hộ ông Bùi Ngọc Lê, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam với mô hình canh tác 10ha đất trồng thanh long, mua sắm một số phương tiện phục vụ sản xuất khác, lợi nhuận của gia đình ông hàng năm đạt trên 500 triệu đồng.
Bình quân thu nhập 17,5 triệu đồng/khẩu/tháng, tạo việc làm cho 10 lao động. Ông cũng được bình chọn là “Nông dân việt Nam xuất sắc năm 2014”.
Nhờ vay vốn vươn lên thoát nghèo, hộ bà Lê Thị Hiền, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong đã khiến nhiều người cảm phục.
Với số vốn vay thông qua Hội, bà đã đầu tư trồng 1,35ha thanh long và chăn nuôi.
Hiện bình quân hàng năm gia đình bà thu nhập đạt trên 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động có thu nhập ổn định. Bà Hiền đạt danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh nhiều năm liền.
Hộ ông Lý Quang Trung, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân với mô hình kinh tế trang trại gồm 12ha cao su, 2,5 ha điều, 1,5ha thanh long, 2 ha mía, 4 ha khoai mì, kết hợp chăn nuôi bò, vịt, cá các loại.
Bình quân hàng năm gia đình ông thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ.
Ông là người tích cực tham gia các hoạt động và đóng góp hỗ trợ các nguồn quỹ của Hội và địa phương.
Thông qua phong trào, các hộ NDSXKDG đã giúp đỡ, ủng hộ kinh nghiệm, vốn, giống cho 149 hộ nghèo với trên 725 triệu đồng và 840 ngày công.
Mục tiêu từ nay tới cuối năm của các cấp Hội tỉnh Bình Thuận là đẩy mạnh hướng dẫn, tổ chức nông dân liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; tư vấn học nghề; pháp luật; hỗ trợ vốn; tập huấn chuyển giao ứng dụng KHCN; xây dựng mô hình SXKD an toàn hiệu quả; tư vấn giá cả thị trường tiêu thụ; hỗ trợ máy móc, vật tư, dạy nghề để nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống.