Tập trung vốn cho nông dân để tái canh cây cà phê
10:46 - 14/03/2017
(Quỹ HTND)- Để đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế, thời gian qua, Agribank cùng ngành ngân hàng tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân Tây Nguyên phát triển ngành cà phê.
Nông dân cần hỗ trợ mạnh mẽ các nguồn tín dụng để tái canh cây cà phê (ảnh minh họa)


Cà phê là một trong những cây trồng mà nhiều hộ dân Tây Nguyên chọn để xóa đói giảm nghèo và khởi đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa.



Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, tổng diện tích trồng cà phê cả nước ổn định khoảng 600 nghìn ha. Trong đó vùng trọng điểm phát triển cà phê gồm 4 tỉnh Tây Nguyên với khoảng 530 nghìn ha.



Theo kế hoạch, đến năm 2020, Tây Nguyên sẽ phải tái canh 150.000 ha cà phê, nhưng mới có khoảng vài chục nghìn ha hoàn thành việc tái canh. Bởi vậy, cây cà phê và người trồng cà phê đang kỳ vọng mạnh mẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp nông dân có vốn để sớm xóa bỏ những vườn cà phê già cỗi.



Đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay ngành ngân hàng đối với cà phê tại khu vực Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng 13,53% so với 31-12-2015 (chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc).




Với thị phần chiếm 1/3 nguồn vốn của ngành ngân hàng đầu tư cho khu vực Tây Nguyên, 87% nguồn vốn tại khu vực này được Agribank dành đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, riêng tín dụng đối với ngành cà phê, đến 31-12-2016, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại Tây Nguyên của Agribank đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên.



Trong đó, cho vay trồng, chăm sóc cây cà phê đạt 8.942 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 67% tổng dư nợ cho vay cà phê. Cho vay thu mua chế biến đạt 3.531 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26% tổng dư nợ cho vay cà phê. Cho vay xuất khẩu đạt 178 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,3% tổng dư nợ cho vay cà phê.



 Đến cuối năm 2016, Agribank đã cho vay tái canh cà phê tại khu vực Tây Nguyên 746 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015. Diện tích tái canh 10.436 ha (tăng 1.928 ha so với cuối năm 2015). 5.716 khách hàng (12 tổ chức và 5.704 cá nhân) đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh. 



Để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả, Agribank tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay tái canh cà phê, nhất là với các hộ dân, việc giải ngân được Agribank thực hiện chỉ trong ngày.



Theo kế hoạch, đến năm 2020, Tây Nguyên sẽ phải tái canh 150.000 ha cà phê, nhưng nửa thời gian đã trôi qua mà mới có khoảng vài chục nghìn ha hoàn thành việc tái canh.


 
Nguyên nhân một phần là, các hộ nông dân trồng cà phê chưa mạnh dạn thực hiện tái canh cây cà phê vì đa số diện tích cà phê cần tái canh chủ yếu nằm ở các hộ dân độc canh cây cà phê. Vườn cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng theo quy trình tái canh có 2 năm cải tạo đất và 3 năm kiến thiết, hộ nông dân bị gián đoạn thu nhập ít nhất 5 năm, ảnh hưởng đến đời sống.



Bên cạnh đó tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp khó khăn.



Trên thực tế, giá chuyển nhượng vườn cà phê rất cao nhưng khi xác định giá thế chấp thì tính theo giá đất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh công bố hằng năm, dẫn đến người nông dân không thể huy động được nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện tái canh. 



Để  chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả cùng với sự vào cuộc của ngành ngân hàng, cần sự vào cuộc, hỗ trợ của địa phương cũng như các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ người dân các sinh kế ngắn hạn tạo nguồn thu trong giai đoạn tái canh cà phê.



Thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo Agribank tiếp tục đẩy mạnh cho vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chỉ đạo thêm một số tổ chức tín dụng tham gia cho vay tái canh trên địa bàn Tây Nguyên, kết hợp với đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cà phê và các cây công nghiệp khác trên địa bàn.
 


Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và Agribank để giải quyết bất cập như: Xác nhận và quy hoạch của cấp xã; vấn đề giống cây và quy trình kỹ thuật phục vụ tái canh; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...


 
Các doanh nghiệp cà phê trong nước cũng cần tập trung vào khâu chế biến và xây dựng phát triển thương hiệu; nghiên cứu thiết lập nhiều kênh tiêu thụ trong nước và thị trường thế giới để đưa thương hiệu cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới.

Mỹ Lan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường