Thành phố Hải Phòng: Tăng cường hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân
16:09 - 02/04/2023
(Quỹ HTND) -  Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân ở thành phố Hải phòng đã có vốn sản xuất, kinh doanh, thu nhập cao từ cây trồng, vật nuôi và vươn lên làm giàu chính đáng.
Các mô hình, dự án được triển khai nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng, tăng thêm thu nhập cho các nông hộ



Với việc đưa nguồn vốn Quỹ HTND đến với bà con, Hội đã khẳng định vai trò là chỗ dựa, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia. Qua đó, hoạt động của mạng lưới Hội tại cơ sở ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả tập hợp nông dân.
 

Việc xây dựng nguồn Quỹ dân được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Hội ND các cấp. Đây là kênh trợ vốn hiệu quả cho hội viên, qua đó, còn xây dựng những mô hình kinh tế có thu nhập cao, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp đặc thù địa phương, vừa có sức lan tỏa, cụ thể hóa được Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa góp phần đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. 
 

Để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND thành phố tiếp tục xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi, triển khai thêm các dự án mới khả thi. Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ quy trình trợ vốn, thu hồi vốn dự án, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng con giống, vật tư đầu vào gắn với giải quyết nông sản hàng hóa đầu ra, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, nâng chất hoạt động của Quỹ từ đó, có thêm nhiều hội viên, nông dân được hưởng lợi.

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND đạt 3 cấp 56.319,823 triệu đồng, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ ở ba cấp đạt 5.514,40 triệu đồng.


Trong đó, ngân sách thành phố cấp: 5 tỷ; quận, huyện: 521,2 triệu đồng; cấp xã: 263,203 triệu đồng. Nhìn chung, các dự án đều phát huy hiệu quả, các hộ tham gia sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, thu nhập ổn định, nhiều hội viên, nông dân đã có cuộc sống khấm khá hơn.
 

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, các cấp Hội đã phối hợp với với Trạm khuyến nông, khuyến ngư, các Công ty trong và ngoài thành phố tổ chức trên 1.570 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật gieo, cấy lúa, kỹ thuật sử dụng các loại phân bón cho 113.096 lượt hội viên, nông dân tham dự.

 
Các dự án vay vốn Quỹ đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra, hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, nộp phí đúng hạn, kết thúc dự án, các hộ vay vốn trả đầy đủ gốc đúng hạn. Hội ND các cấp luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đồng vốn, xác định mô hình điểm để nhân rộng, nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án khác được vay vốn phát triển sản xuất. 
 

Qua nhiều năm triển khai, Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là những nông dân có ý chí làm giàu nhưng thiếu vốn. Coi trọng phương châm "Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân", nhờ vậy, Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả vốn vay.

 
Tại địa phương, các dự án được triển khai đúng quy trình cho vay; công tác khảo sát và lựa chọn phát triển mô hình được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, chọn mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, phát huy được thế mạnh của vùng.

 
Hoạt động Quỹ HTND đã có những tác động tích cực đối với kinh tế xã hội ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tham gia chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng được các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, nông sản có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 
Thông qua các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh tăng cường việc liên kết, thúc đẩy các phong trào do các cấp Hội phát động ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
 

Qua bình xét, số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là 61,620 hộ/79.945 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 72% so với số hộ đăng ký, vượt 0,7 % so với chỉ tiêu đề ra; cấp Trung ương: 77 hộ; cấp thành phố: 613 hộ; cấp huyện: 8.713 hộ; cấp xã: 52.217 hộ).

 
Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT, kinh nghiệm vào sản xuất từ đó tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích.Cũng từ phong trào này đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể cho hiệu quả kinh tế cao và góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn có thêm thu nhập.


Phong trào cũng góp phần làm cho sản phẩm nông nghiệp thành phố không ngừng được cải thiện về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản đặc trưng của Hải Phòng.

 
Đến nay, đã có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhiều sản phẩm đã liên kết với doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ trong các siêu thị, chiếm lĩnh thị phần lớn ở thị trường thành phố, trong nước và tham gia xuất khẩu, tiêu biểu như: Gà Lượng Huệ, na Liên Khê, gạo nếp cái Hoa vàng Đại Thắng, táo Bàng La, nước mắm Cát Hải, cá mòi kho Làng Chài...

 
Thông qua phong trào đã tập hợp được đội ngũ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là hạt nhân nòng cốt để tổ chức lại sản xuất, thành lập mới HTX, Tổ hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Đến nay, Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập mới 6/5 HTX với 95 thành viên đạt; 67/45 Tổ hợp tác với tổng số 802 hội viên.
 

Bên cạnh công tác giải ngân cho vay vốn, các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, đi tham quan ở những mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giúp bà con nông dân có cơ hội được trực tiếp học hỏi và chia sẻ cách thức làm ăn với nhau. Qua các năm, nguồn vốn Quỹ HTND luôn đảm bảo tính công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức Hội.


Thông qua các mô hình, dự án được triển khai nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng, tăng thêm thu nhập cho các nông hộ. Mặt khác, các mô hình, dự án khi triển khai còn giúp các cấp Hội xây dựng và hình thành nhiều mô hình điểm. 

 
Mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên là một điển hình. Xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên là một xã ven biển. Nông dân trong xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trong đó nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản là kinh tế chủ lực của địa phương.

 
Xã Lập lễ hiện đang có 02 HTX về nuôi trồng thủy sản là HTX Mắt Rồng với 62 thành viên và HTX nuôi trồng thủy sản Dân Lập với 52 thành viên. Xã được UBND huyện Thủy Nguyên quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của huyện và cũng là địa phương nuôi trồng thủy sản lớn nhất thành phố.

 
Nhận thấy lợi thế tự nhiên, Hội ND xã Lập Lễ đã xây dựng dự án vay vốn Quỹ HTND thành phố tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân trong xã mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo ao nuôi, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Sau khi được vay vốn, các thành viên tham gia dự án đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác “Nuôi trồng thủy sản cá sạch Dân Lập” để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tạo thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

 
Các thành viên Tổ hợp tác tuân thủ việc thực hiện việc nuôi cá an toàn, hướng tới 100% sản phẩm của các hộ đạt tiêu chuẩn và từng bước xây dựng thương hiệu “Cá sạch Dân Lập”.  Mỗi tháng các hộ vay vốn họp 01 lần vào tối ngày thứ 6 tuần đầu tháng, dưới sự chủ trì của Chủ dự án, các thành viên trong tổ sẽ báo cáo kết quả sử dụng vốn vay.

 
Nội dung họp tập trung vào phản ánh tình hình phát triển sản xuất, chia sẻ những kinh nghiệm kè ao, cải tạo ao, kỹ thuật nuôi cá, phòng bệnh cho cá, phương pháp xử lý tháo nước ra vào ao cá…Hội ND xã cùng Ban quản lý dự án xuống kiểm tra các hộ vay vốn sau khi vay 30 ngày, sau đó định kỳ kiểm tra 03 tháng một lần và kiểm tra đột xuất khi cần; phối hợp với Trạm khuyến ngư huyện hướng dẫn các kỹ thuật mới cho các hộ tham gia dự án; giúp các hộ vay vốn và Tổ hợp tác tiếp cận với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín để giúp các hộ vay vốn mua giống cá tốt, thức ăn và thuốc phòng bệnh đúng tiêu chuẩn, chất lượng.


Đến nay, các hộ thực hiện dự án đã tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng hơn 20 lao động địa phương; các hộ đã từng bước hoạt động có tổ chức, mỗi hộ vay vốn đã thống nhất đóng góp ít nhất 50.000 đồng/năm để xây dựng Quỹ HTND; đồng thời giúp đỡ 2-3 hộ nghèo về giống, vốn kỹ thuật; tham gia vận động 1-2 hộ tham gia vào tổ chức Hội từ đó từng bước nâng cao vai trò của Hội ND xã nói riêng và các cấp Hội của thành phố nói chung.


Thông qua dự án các hộ ngoài việc được vay vốn lúc khó khăn để đầu tư mở rộng sản xuất còn được tiếp cận các tiến bộ KHKT trong nuôi trồng thủy sản, các kỹ thuật phòng trừ bệnh, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án.


Từ kết quả của dự án “Nuôi cá trắm đen thương phẩm” tại xã Lập Lễ, các cấp Hội nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản của xã còn rất lớn, nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn xã còn nhiều nên Hội ND thành phố đã phối hợp với Hội ND xã Lập Lễ tiếp tục xây dựng dự án mới  nhằm nhân rộng mô hình  trên địa bàn xã, xây dựng thành mô hình điển hình về phát triển kinh tế do Hội chỉ đạo; đồng thời khẳng định được vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích hoạt động, của Quỹ HTND trong việc tạo vốn, hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.



Lưu Giang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường