Quỹ HTND Lâm Đồng: Tổng nguồn vốn đạt trên 63 tỷ đồng
09:08 - 30/03/2023
(Quỹ HTND)- Quý I/2023, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh tăng 3,306 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND đạt 63,690 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ủy thác của Trung ương Hội 14,5 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh 14,665 tỷ đồng; nguồn cấp huyện 34,519 tỷ đồng.

Nông dân xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh phấn khởi khi nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khá


Nguồn vốn ủy thác của Trung ương hiện đang triển khai cho 364 hộ vay, thực hiện 24 dự án; trong đó, 17 dự án trồng trọt (chiếm 71%) và 07 dự án chăn nuôi (chiếm 29%). Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh 14,605 tỷ đồng cũng đang triển khai cho 442 hộ vay thực hiện 46 dự án; có 39 dự án trồng trọt (chiếm 85%), 07 dự án chăn nuôi (chiếm 15%).
 

Đối với nguồn Quỹ HTND huyện quản lý 28,320 tỷ đồng đang cho 1.039 hộ vay thực hiện 140 dự án. Trong đó, 119 dự án trồng trọt (chiếm 85%), 21 dự án chăn nuôi (chiếm 15%). Nhìn chung, các dự án đều có mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ; thời gian vay từ 24-36 tháng.
 

Qua đánh giá, các dự án sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Điển hình như dự án trồng dâu nuôi tằm tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, từ nguồn Quỹ HTND Trung ương giải ngân 1 tỷ đồng cho 36 hộ vay, thời gian 24 tháng. Đến nay, 36 hộ đều có nhà nuôi tằm kiên cố, diện tích đất trồng dâu tằm đảm bảo cho thu hoạch đều và ổn định, góp phần vào sự phát triển chung nghề nuôi tằm, ươm tơ của cả xã.
 

Mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thấy hiệu quả rõ nét, phù hợp với điều kiện của hội viên, nông dân, đảm bảo tính bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Hàng năm, sản lượng kén tằm thu được 45 tấn tương đương với 6,75 tỷ đồng. Mô hình ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Theo đó, về quy mô, trước khi thực hiện dự án, toàn xã có diện tích trồng dâu chiếm 157,5 ha, đến nay đã nâng lên thành 257,2 ha (tăng 99,7 ha).
 

Dự án trồng rau sạch kết hợp trồng atisô tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, từ nguồn Quỹ HTND Trung ương cho vay 1 tỷ đồng với 25 hộ vay, thời gian 24 tháng. Sau khi vay vốn, mỗi hộ đầu tư hệ thống tưới tự động, mua cây giống, vật tư nông nghiệp, diện tích thực hiện dự án bình quân 0,2 ha/hộ. Đến nay, các hộ vẫn duy trì sản xuất theo từng thời vụ, cây phát triển tốt, kiểm soát được sâu, bệnh hại.
 

Hiện, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt trên 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm đã được xuất đi các siêu thị ở Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang... Dự án còn giúp giải quyết việc làm cho trên 50 lao động với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng.
 

Dự án trồng rau công nghệ cao tại xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương được Quỹ HTND tỉnh đầu tư 300 triệu đồng cho 10 hộ vay, thời gian 24 tháng. Cùng với vốn đối ứng của các hộ đã xây dựng được hệ thống nhà lưới để sản xuất rau công nghệ cao với các cây trồng chủ yếu là cà chua, ớt ngọt, xà lách, su su... Sản phẩm làm ra có chất lượng đảm bảo, sản lượng tăng từ 3% - 5%, so với cách trồng thông thường trên cùng đơn vị diện tích, lượng thuốc trừ sâu cũng giảm từ 2 - 3 lần phun/vụ.
 
 
Nhờ dự án mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ vay vốn, bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/hộ/ tháng. Dự án còn giúp tạo ra sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường nhờ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
 

Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT để hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
 

Tính đến 28/02/2023, dư nợ của Ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Hội đạt 1.529,274 tỷ đồng (tăng 35,855 tỷ đồng so với cuối năm 2022) với 17 chương trình tín dụng chính sách cho 30.295 hộ vay (mức vay bình quân 50,48 triệu đồng/hộ). Hiện, 09 đơn vị có dư nợ ủy thác trên 100 tỷ đồng gồm các huyện: Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc, Di Linh,..
 

Trong 17 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, có 04 chương trình chiếm tỷ trọng dư nợ lớn (75%). Cụ thể: Cho vay hộ thoát nghèo 322,498 tỷ đồng (chiếm 21,09%); cho vay hộ cận nghèo 308,523 tỷ đồng (chiếm 20,17%); cho vay giải quyết việc làm 271,214 tỷ đồng (chiếm 17,73%); cho vay nước sạch vệ sinh môi trường 244,710 triệu đồng (chiếm 16%); các chương trình cho vay khác chiếm 25%.
 

Hàng năm, Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH tích cực triển khai đánh giá phân loại các Tổ TK&VV theo định kỳ. Theo đó, có 747 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 95,65%); 24 Tổ loại khá (chiếm 3,07%). 781 Tổ TK&VV đã huy động được tiền gửi tiết kiệm đạt 105,077 tỷ đồng với 29.982 tổ viên, chiếm 98,97% tổng số thành viên có  dư nợ.
 

Cùng với đó, các cấp Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tỉnh thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ. Đến 20/3, có 12/12 huyện, thành Hội đang có dư nợ cho vay qua 301 Tổ vay vốn đạt 1.042,910 tỷ đồng (tăng 45,341 tỷ đồng so với năm 2022) với 6.735 thành viên tham gia (tăng 202 thành viên); 02 đơn vị có dư nợ cao nhất là huyện Lâm Hà (đạt 405,190 tỷ đồng) và huyện Đơn Dương (đạt 218,619 tỷ đồng).
 
 
Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND ở các cấp Hội đã giúp cho nhiều lượt hội viên, nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Thông qua hoạt động của các dự án vay vốn, hội viên có điều kiện tiếp cận tiến bộ KHKT mới, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cũng như trong cuộc sống. Từ đó, vai trò và vị thế của tổ chức Hội ngày càng được nâng cao.
 

Minh Phúc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường