Quảng Bình: Vốn Quỹ giúp hội viên mở rộng quy mô sản xuất
10:00 - 29/11/2022
(Quỹ HTND) - Năm 2022, nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) tăng 11.275,85 triệu đồng, trong đó cấp tỉnh tăng 7.210 triệu đồng, cấp huyện tăng 1.312,6 triệu đồng, cấp xã vận động được 2.804,75 triệu đồng. 8/8 đơn vị cấp huyện đều được ngân sách cấp bổ sung cho Quỹ HTND từ 100 đến 300 triệu đồng.
Mô hình trồng rau thủy canh trong trang trại ở xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).


Tính đến ngày 30/11/2022 tổng nguồn Quỹ trong tỉnh đạt 47.059,49 triệu đồng. Từ nguồn cấp bổ sung và nguồn quay vòng vốn, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã giải ngân 53 dự án cho 384 hộ vay với số tiền 18,8 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương 10 dự án cho 111 hộ vay số tiền 9,950 tỷ đồng; nguồn tỉnh 43 dự án cho 273 hộ vay số tiền 13,850 tỷ đồng.


Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã giải ngân 29 dự án cho 62 hộ vay với số tiền 3,1694 tỷ đồng. Để hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng của dịch bệnh covid -19, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp tục giảm 10% phí vay các dự án Quỹ Hỗ trợ Nông dân nguồn tỉnh quản lý trong 6 tháng đầu năm 2022.


Điểm nổi bật nhất trong nguồn vốn Quỹ HTND là cho vay phát triển kinh tế gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.


Điển hình như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản xã Tây Trạch, phường Quảng Long, xã Phong Hóa, xã Mai Hóa; chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng rừng kinh tế xã Văn Hóa; nuôi cá nước ngọt xã Hàm Ninh; đầu tư mua sắm vật tư khai thác thủy sản xã Cảnh Dương…


Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 823 tổ tiết kiệm và vay vốn với 29.711 thành viên; tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là 1.574,6 tỷ đồng.


Nguồn vốn ủy thác từ ngân hàng chủ yếu cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm giúp nông dân có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.


Bên cạnh việc tạo vốn cho nông dân làm ăn, năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân - phụ nữ triển khai tuyển sinh, khai giảng 33 lớp đào tạo nghề với 1.150 học viên. Hội trực tiếp tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho 255 lao động; phối hợp tổ chức 103 lớp đào tạo nghề cho 3.724 lao động nông thôn. Điều này đã giải quyết được khâu việc làm cho nông dân rất hiệu quả bởi sau đào tạo nhiều học viên đã phát huy được kiến thức đem vào áp dụng vào trong sản xuất.


Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả, chính xác công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất hội viên nông dân được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân.


Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên đôn đốc các cấp hội kiểm tra, giám sát để đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả. Hội đang chỉ đạo hội nông dân các địa phương thực hiện cắt giảm các thủ tục rườm rà để đồng vốn nhanh chóng đến được hội viên nông dân; đôn đốc, thu hồi vốn đã đến hạn trả để luân chuyển cho hội viên khác vay. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quảng Bình, tiến hành rà soát, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn cho vay.


Có thể nói, thông qua hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh đã giúp các hội viên, nông dân vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Nhờ vậy đã hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
 

Thúy Nga
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng