Thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng
09:00 - 31/07/2019
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, hàng nghìn hộ dân tại các xã miền núi, DTTS, xã ĐBKK trên địa bàn Quảng Ninh đã thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, ngày càng có nhiều hộ chủ động đăng ký vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, thay vì phải động viên vay vốn như trước kia. 
Từ vốn vay ưu đãi và các nguồn khác, anh Hoàng Văn Hồng đã đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng để chế biến phân bón hữu cơ từ vỏ quả sở


Gia đình chị Hoàng Thị Xuân, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu được biết đến là một tấm gương đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi. Trước đây, gia cảnh của hai vợ chồng chị rất khó khăn, nên luôn nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo của xã. Năm 2017, chị Xuân tiếp cận đến mô hình nuôi gà thả đồi và mạnh dạn vay vốn đầu tư 200 con gà để phát triển kinh tế. Lứa gà đầu tiên nuôi thành công, chị làm đơn xin vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để tiếp tục mở rộng quy mô, kết hợp trồng rau sạch, măng tây, nuôi lợn… Đến nay, kinh tế gia đình chị luôn ở trong nhóm khá giả của thôn, xã. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị Xuân thu nhập trên 100 triệu đồng.

 
Không chỉ vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã bước đầu chủ động tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô phát triển sản xuất. Gia đình anh Hoàng Văn Hồng, thôn Bản Mới, xã Hoành Mô cũng từng là hộ nghèo của huyện Bình Liêu. Vài năm gần đây, anh vay vốn từ NHCSXH và gia đình, bạn bè, đầu tư mặt bằng, máy móc, thiết bị, nhân công, mở xưởng chế biến phân hữu cơ từ vỏ quả sở. Sau nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm phân bón hữu cơ từ vỏ quả sở bước đầu đã được người tiêu dùng đón nhận, mang lại thu nhập khá cho gia đình.


Theo ông Hoàng Văn Huỳnh - Giám đốc NHCSXH huyện Bình Liêu, đến hết quý I/2019, toàn huyện có hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, với dư nợ khoảng 30 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm có khoảng 400 - 500 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Bình Liêu thoát nghèo nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH.


Không chỉ ở huyện Bình Liêu, hàng nghìn hộ nghèo khác trong tỉnh cũng đã và đang sử dụng hiệu quả vốn vay từ NHCSXH để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Nhờ vốn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo, gia đình chị Đặng Thị Thủy, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên đã đầu tư chăn nuôi lợn và vịt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình chị đã thoát khỏi diện cận nghèo, vươn lên thành hộ khá giả trong vùng.


Theo đại diện NHCSXH tỉnh, thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lượt hộ dân vay vốn phát triển sản xuất. Hiện dư nợ cho vay chương trình tín dụng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt gần 400 tỷ đồng, với trên 11.000 hộ vay. Trong quý I/2019, đã có khoảng 7.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng, với mức cho vay bình quân đạt trên 40 triệu đồng/khách hàng. Phần lớn, nguồn vốn đưa về cho bà con đều được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Đặc biệt, thông qua vốn tín dụng chính sách cũng góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trong nhân dân.


Với nhiều người dân, nguồn vốn vay của NHCSXH là điểm tựa vững chắc, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ tháng 3/2019, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ vùng DTTS được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu với thời hạn cho vay 120 tháng. Đây là điều kiện thuận lợi để các hộ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Nguồn: VBSP
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng