Dấu ấn tín dụng chính sách rõ hơn bao giờ hết
08:00 - 30/07/2019
Gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn Hưng Yên đã có những bước ngoặt mới. 
NHCSXH tỉnh Hưng Yên giải ngân vốn vay ưu tại Điểm giao dịch xã Nhuế Dương

 
Niềm vui ngày mới

Theo định kì, ngày mồng 5 hàng tháng, NHCSXH huyện Khoái Châu về giao dịch tại UBND xã Nhuế Dương. Từ sáng sớm, bà Tào Thị Huệ, đội 3, thôn Quang Trung, xã Nhuế Dương đã đến phòng họp của UBND xã Nhuế Dương – hôm nay bà được giải ngân vốn vay chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo.


“Gia đình tôi chỉ làm nghề nông, quanh năm hết lúa đến màu, trồng ít cây ăn quả, ngày rảnh việc nông thì đi gom mua phế liệu. Trước nhà nghèo mãi, nhờ được NHCSXH cho vay vốn chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, rồi lại vay vốn hộ nghèo, thì mới có ít vốn đầu tư cải thiện điều kiện sống, sửa sang phát triển vườn tược, vừa để tận dụng khả năng của đất, vừa tận dụng sức lao động của mình. Hai năm trước thoát nghèo rồi, giờ được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, thế là không đứt vốn, chúng tôi yên tâm cố gắng”, chị Huệ chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tâm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi chị Huệ là tổ viên kể, 17 năm nay, vốn chính sách đã giúp các gia đình tổ viên cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức cũng như nâng cao vị thế của mình trong xã hội. “Ví như hôm nay chị Huệ được cho vay rất đúng lúc chị đang cần tiền để cải tạo đất đầu tư cây ăn quả cho đúng vụ”, bà Tâm nói.


Nguồn vốn để giải ngân chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo mà chị Huệ đang cầm trong tay được lấy từ khoản tiền mà tỉnh Hưng Yên ủy thác sang cho NHCSXH. Ông Nguyễn Công Khanh - Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương chia sẻ, 5 năm nay, thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ủy thác của tỉnh sang NHCSXH cũng đáng kể hơn trước, nên rõ ràng đã đáp ứng thỏa đáng hơn nhu cầu về vốn của người dân. Toàn hệ thống chính trị vào cuộc, hiệu quả tín dụng chính sách ở Nhuế Dương tăng lên rõ rệt.


“Chúng tôi tự tin xây dựng các mô hình chuyển đổi, các vùng chuyên canh, bởi nhu cầu về vốn sẽ được nguồn vốn từ Trung ương và nguồn vốn chuyển từ ngân sách địa phương đảm bảo” - ông Khanh nói - “Chúng tôi cũng mong bên cạnh việc nâng mức vay và thời gian vay, Chính phủ cũng mở rộng đối tượng vay một số chương trình, để thêm nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế bền vững”. 


Chính quyền và người dân gần nhau hơn

Một điều có thể nhận thấy rõ ràng, đó là 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức tư tưởng và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của NHCSXH.


Bà Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên cho biết, sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi mà cấp ủy, chính quyền các cấp dành cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được biến thành các hành động cụ thể, như: bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện; quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc…


Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. “Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao”, bà Xuân cho biết.


Việc thực hiện giao dịch tại 161/161 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã, hơn 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng đã góp phần công khai được các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH. Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị- xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền địa phương.


“Qua đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở”, ông Nguyễn Công Khanh - Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương nhận định.


Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH cũng chuyển biến rõ rệt. Nếu như trước khi có Chỉ thị số 40, nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác là 27,78 tỷ đồng, thì từ khi có Chỉ thị đến nay là 41,6 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến hết 30/6/2019 đạt 69,43 tỷ đồng.
Nguồn: VBSP
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng