Không chỉ nổi tiếng với vịnh Vĩnh Hy và nhiều vũng, bãi biển xinh đẹp; cảng cá, đìa tôm, ruộng muối, Vườn Quốc gia Núi Chúa... mà huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) còn được biết đến là vùng nho nổi tiếng, quanh năm tươi tốt. Những vườn nho xanh mướt mát phủ đầy mặt đất bằng phẳng, leo lên cả triền núi càng làm cho vùng đất nắng gió này thêm quyến rũ. Bất ngờ hơn, không ít vườn nho ở đây được gây dựng từ chính nguồn vốn ưu đãi.
|
Chị Huỳnh Thị Viên đang giới thiệu vườn nho gia đình cho cán bộ NHCSXH |
Tạo sinh kế trên đất khó
Đang vào độ thu hoạch nên dù “nắng như rang” nhưng các nhà vườn trồng nho hai bên Quốc lộ 1A thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vẫn tấp nập du khách tới tham quan, mua bán. “Tuy nhiên, nếu không đặt mua trước, du khách cũng khó lòng mua được các loại nho đỏ, nho xanh, nho móng tay bởi chúng hầu như đã có chủ” - một cán bộ tín dụng NHCSXH bật mí.
Đơn cử như vườn nho đỏ rộng 1,7 sào của vợ chồng anh Phạm Duy Quốc và chị Nguyễn Thị Hà ở xã Vĩnh Hải là một ví dụ. Nhìn những trái nho chín mọng, buông thõng dưới tán lá xanh rợp, chúng tôi không khỏi thắc mắc, sao chị Hà không cắt bán? Hóa ra, vườn nho ước 3 tấn này đã được anh chị bán cho thương lái từ đầu vụ với giá 35 triệu đồng. Theo chị Hà, vì ít vốn nên vợ chồng chị thường bán trước như vậy để lấy tiền mua phân, thuốc trừ sâu chăm sóc nho. “Dù bán như vậy, giá không cao nhưng bù lại tôi có vốn để quay vòng. Hơn nữa, mỗi năm sau 3 vụ nho, trừ chi phí, cũng dành ra được trên dưới 60 triệu đồng”, chị Hà khoe.
Gia đình chị Hà thuộc diện hộ cận nghèo, không có đất sản xuất nên phải đi thuê ruộng để trồng nho. Mấy năm đầu, thời tiết khô hạn kéo dài, làm không đủ ăn, tài sản chẳng còn gì đáng giá. Năm 2017, vào thời điểm khó khăn nhất, vợ chồng chị Hà được NHCSXH huyện Ninh Hải cho vay 15 triệu đồng hộ cận nghèo. “Khoản tiền vay lãi suất thấp, không tài sản thế chấp ấy vừa đủ tiền đầu tư phân bón, chăm sóc vườn nho trong 1 vụ. “Thật may mắn, vụ nho đó được mùa, được giá, nên chúng tôi đã vượt qua khó khăn, cuộc sống dần ổn định”, chị Hà hạnh phúc chia sẻ.
Cũng là hộ nghèo không tấc đất sản xuất, gia đình chị Huỳnh Thị Viên được xã Thái An, huyện Ninh Hải cho thuê 3 sào đất canh tác. Cùng với khoản vay NHCSXH 40 triệu đồng, chị Viên đã đầu tư toàn bộ cho 3 sào nho. Vụ này, chị vừa cắt bán cả vườn cho thương lái, thu được hơn 80 triệu đồng. Chỉ cho chúng tôi xem cả một bãi đất rộng lớn với những cột và dây đang chuẩn bị cho vụ mới, chị Viên thật thà: “Nếu không được vay vốn ưu đãi, không được hỗ trợ thuê đất và không có sự động viên kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi không biết ngày nào mới khá được!”.
Bí quyết: Nằm ở mỗi cán bộ
Chỉ thị số 40 - với tinh thần huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với chính sách, một lần nữa đã nhân lên giá trị nhân văn sâu sắc và lan tỏa mạnh mẽ đến việc thực hiện an sinh xã hội trên cả nước. Yêu cầu “tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững” của Chỉ thị đã thực sự trở thành một cuộc đại cách mạng thay đổi tư duy, hành động của cấp ủy, chính quyền và người nghèo, người yếu thế; giúp hệ thống dân - chính - đảng ngày càng khăng khít.
Thực tế triển khai Chỉ thị số 40 ở Thuận Bắc, Ninh Hải hay nhiều vùng, miền khác của Ninh Thuận cho thấy, nơi nào được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao; cán bộ tận tâm, tận lực, nơi ấy tín dụng chính sách sẽ phát huy hiệu quả. Bởi thế, xã Thanh Hải khó khăn, lạc hậu ngày nào, nay đã vươn mình với hàng loạt nghề phát triển rầm rộ như nghề biển gần bờ, dịch vụ nông nghiệp, buôn bán nhỏ, chăn nuôi dê, bò; một Thanh Hải có dư nợ đạt gần 33 tỷ đồng mà không nợ quá hạn; một Thanh Hải đã biết thay đổi tập quán cũ, biết dùng nước sạch, xây nhà vệ sinh hợp chuẩn và mau chóng về đích nông thôn mới.
Khi được hỏi, bí quyết nào khiến Thanh Hải thực hiện tốt Chỉ thị số 40? Chủ tịch UBND xã Thanh Hải Phạm Xuân Thành không ngần ngại cho rằng, không có bí quyết nào khác ngoài sự sâu sát, nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ. Đặc biệt, làm tín dụng chính sách không đơn thuần chỉ là kế toán, sổ sách giỏi mà mỗi cán bộ liên quan đều phải là một dân vận viên giỏi để thuyết phục bà con hiểu về chính sách, tin theo chính sách và làm theo chính sách.
Chia tay những nông dân Ninh Hải đầy nghị lực, chúng tôi thấy vui lây với những thành quả mà họ đã đạt được. Vui hơn, khi cảm nhận rõ chính sách tín dụng ưu đãi đã thấm vào từng thớ đất, quện vào suy nghĩ của cả hệ thống chính trị Ninh Hải cũng như hành động của người nghèo. Giúp họ hiểu rằng, chính mình mới là người thay đổi cuộc sống của bản thân, của gia đình! Và cũng chính mình mới là người làm nên thương hiệu cho quê hương Ninh Hải!