“Bà đỡ” cho người dân phát triển kinh tế
09:00 - 22/07/2019
Những năm qua, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đã phát huy hiệu quả, trở thành một trong những động lực quan trọng giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế. 
Vườn cây xen canh của anh Vương Thanh Ánh ở xã Ea Ral được đầu tư từ vốn vay ưu đãi

 
Huyện Ea H’leo là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và đồng bào DTTS cao, người dân khó tiếp cận vốn vay từ các NHTM. Do đó, chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi là kênh tiếp cận vốn rất thiết thực cho người dân. NHCSXH huyện đã phân công cán bộ địa bàn các xã nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân để triển khai những chương trình cho vay phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và hỗ trợ tốt nhất nhu cầu của người dân, nhất là hộ nghèo và đối tượng chính sách.


Bên cạnh đó, NHCSXH huyện còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội, đoàn thể lựa chọn những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn có năng lực, uy tín. Nhờ đó, vốn được đưa đến đúng đối tượng, đồng thời người vay được các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn sử dụng vốn gắn với những mô hình kinh tế hiệu quả.


Ông Nguyễn Tri ở thôn 1, xã Ea Ral là một trong những khách hàng “có thâm niên” của NHCSXH huyện Ea H’leo. Nói vậy là bởi, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, rồi cận nghèo và mới chính thức thoát nghèo vào năm 2018. Ông Tri cho biết, gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo là nhờ được vay vốn chính sách với lãi suất thấp. Hiện ông đang vay vốn hộ mới thoát nghèo 20 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cà phê, tiêu vì địa phương đang còn nhiều đối tượng khác có nhu cầu vay vốn làm ăn, nhất là các hộ nghèo.


Một khách hàng khác đang vay vốn tại NHCSXH huyện Ea H’leo là anh Vương Thanh Ánh, thôn 1, xã Ea Ral. Năm 2017 và 2018, gia đình anh vay 30 triệu đồng theo chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để khoan giếng, làm công trình vệ sinh và chăm sóc vườn cây của gia đình. Anh cho biết, vốn chính sách giúp anh đầu tư phát triển sản xuất, không phải vay ngoài với lãi suất cao, hồ sơ thủ tục cũng đơn giản, nhanh gọn.


Trong năm 2018, toàn huyện có 3.131 lượt khách hàng được vay vốn, tổng doanh số 73,1 tỷ đồng, mức vay bình quân 23 triệu đồng/khách hàng. Nguồn vốn vay đã giúp 1.583 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi; 672 hộ có điều kiện đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh; 114 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Đặc biệt, nguồn vốn vay NHCSXH đã tạo điều kiện giúp 239 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 10,88% năm 2017 xuống còn 8,87% trong năm 2018.


Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 2.795 lượt hộ dân vay vốn, với tổng số tiền 75,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ea H’leo vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển cho ngân hàng để cho vay còn thấp, dẫn đến một số chỉ tiêu tín dụng chưa đạt so với bình quân toàn tỉnh.


Giám đốc NHCSXH huyện Ea H’leo Đào Văn Mỹ cho biết, năm 2019 đơn vị đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng dư nợ 8% - 10%, hoàn thành 100% chỉ tiêu huy động tiền gửi tiết kiệm, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,05% và 9/11 xã không có nợ quá hạn. Để vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở cũng như các Hội, đoàn thể cho vay ủy thác nhằm hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực; nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã và hoạt động của tổ tiết kiệm, tổ vay vốn. Đồng thời, đơn vị cũng cử cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn tham gia sinh hoạt thôn, buôn để tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.


Trên địa bàn huyện Ea H’leo hiện có 10.886 khách hàng có dư nợ tại NHCSXH, với tổng dư nợ 270,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ vốn ủy thác từ ngân sách địa phương hơn 8,7 tỷ đồng. NHCSXH huyện đang cho vay và quản lý dư nợ 16 chương trình tín dụng, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hơn 151 tỷ đồng, các chương trình an sinh xã hội khác gần 119 tỷ đồng.
Nguồn: VBSP
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng