Quỹ HTND Hà Nam hỗ trợ trên 4 nghìn hộ vay vốn phát triển sản xuất
|
Các cấp Hội tích cực phối hợp thực hiện công tác hỗ trợ nông dân về thông tin về thị trường, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung |
Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng quỹ cho các cấp Hội; thực hiện hỗ trợ vốn đúng mục đích, đối tượng.
Đồng thời, các cấp Hội ND trong tỉnh còn tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thành công các mô hình nông dân phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững; đưa việc xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững ở nông thôn trở thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các cấp Hội.
Công tác quản lý cho vay và thu hồi vốn Quỹ luôn được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng dẫn. Nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác 100% được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân. Do đó, nguồn vốn vay đảm bảo không bị tồn đọng, không có nợ quá hạn.
Đáng chú ý, để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh còn gắn việc cho vay vốn với công tác hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Quỹ HTND là một trong những nguồn tín dụng quan trọng giúp nhiều hộ nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập.
Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng trưởng nguồn Qũy HTND. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở ngành liên quan cấp bổ sung kinh phí Quỹ HTND theo Đề án “Phát triển Quỹ HTND các cấp, giai đoạn 2021- 2025”.
Tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội đến nay đạt trên 23,7 tỷ đồng cho 4.235 hộ vay. Các cấp Hội đã vận động, tăng trưởng 3,77785 tỷ đồng. Trong đó: Huyện Kim Bảng: 585 triệu đồng; thành phố Phủ Lý: 510 triệu đồng; huyện Duy Tiên: 680 triệu đồng; huyện Lý Nhân: 862,85 triệu đồng; huyện Thanh Liêm: 630 triệu đồng; huyện Bình Lục: 510 triệu đồng.
Công tác thu hồi và cho vay vốn đảm bảo tiến độ. Hội ND tỉnh thực hiện quay vòng nguồn vốn vay Quỹ HTND Trung ương số vốn 4,6 tỷ đồng cho 96 hộ hội viên, nông dân vay tại 9 mô hình kinh tế tập thể của Hội để đầu tư phát triển chăn nuôi; thu hồi 600 triệu đồng và thực hiện quay vòng nguồn vốn cho 12 hộ hội viên, nông dân vay vốn chăn nuôi.
Thông qua hoạt động vay vốn Quỹ, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác giúp nhau gắn với công tác xã hội cũng được hình thành, phát triển. Các dự án khi triển khai đều được cấp ủy, chính quyền các cấp tin tưởng, tạo điều kiện trong quá trình triển khai thực hiện.
Công tác Hội ở những nơi có dự án Quỹ HTND ngày càng được củng cố vững mạnh, hội viên, nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đội ngũ cán bộ Hội các cấp năng lực nghiệp vụ ngày càng được nâng lên, có điều kiện tiếp cận với kiến thức quản lý tài chính trong quá trình tổ chức triển khai dự án và hoạt động nhận ủy thác.
Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho các Tổ TK&VV. Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách xã hội cho cán bộ chuyên môn, lãnh đạo cấp huyện và chủ tịch Hội ND cơ sở.
Đến nay, các cấp Hội quản lý 405 tổ TK&VV với 14.342 hộ vay. Tổng dư nợ đạt 765.730 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội còn hướng dẫn cách thức sản xuất cho các hộ vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Hội ND tỉnh cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Quỹ HTND các cấp có trình độ, năng lực chuyên môn tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ, góp phần đẩy mạnh hoạt động của hội và phong trào nông dân.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình nông dân liên kết sản xuất, kinh doanh. Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, hội viên, nông dân đã thay đổi tư duy từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị nông sản.
Vốn Quỹ HTND đã giúp nông dân kết nối, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị. Từ đó, hội viên, nông dân tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động của Hội.
Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả và sử dụng đúng mục đích, các cấp Hội đã chú trọng việc xây dựng kế hoạch và triển khai giải ngân cho vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, Câu lạc bộ sản xuất, nhóm hộ, trang trại.
Nhiều mô hình triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế và được nhân rộng trên địa bàn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn như: Các mô hình tổ hợp tác: Chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc; phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; trồng và chăm sóc bưởi Diễn chất lượng cao ở xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên; chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng...
Để vốn Quỹ phát huy hiệu quả, các cấp Hội còn gắn kết việc cho vay vốn với các chương trình khác như khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án từ Quỹ HTND đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh.
Các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT 125.884/124.505 lượt hội viên được tiếp cận với kỹ thuật thâm canh cây trồng vụ xuân, phòng và điều trị cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 33 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Các cấp Hội ở cơ sở cũng thường xuyên quan tâm, kiểm tra, theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng nguồn vốn vay của các hộ hội viên, nông dân trên địa bàn.
Bên cạnh việc phát huy và sử dụng Quỹ HTND hiệu quả, các cấp Hội còn phối hợp với các ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 9.000 hội viên nông dân thoát nghèo. Từ đó, góp phần giúp hội viên, nông dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm để cùng tập trung nguồn lực đầu tư thâm canh giúp tăng năng suất và thu nhập cũng như giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Nguồn vốn Quỹ đã giúp nâng cao quy mô sản xuất, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương.