|
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết phát triển chăn nuôi giúp gia tăng thu nhập, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương |
Công tác quản lý cho vay và thu hồi vốn Quỹ luôn được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác 100% được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân. Do đó, nguồn vốn vay đảm bảo không bị tồn đọng, không có nợ quá hạn trên địa bàn.
Đáng chú ý, để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh còn gắn việc cho vay vốn với công tác hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Quỹ HTND là một trong những nguồn tín dụng quan trọng giúp nhiều hộ nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã hỗ trợ 675 lượt hộ vay 19,4 tỷ đồng để triển khai 61 dự án phát triển sản xuất với 12 dự án đầu tư cho trồng trọt, 45 dự án chăn nuôi, 5 dự án nuôi trồng thủy sản, 5 dự án ngành nghề khác. Các dự án trong hạn đều được đánh giá có hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ vay.
Qua các tổ, nhóm vay vốn Quỹ HTND công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các cấp Hội đẩy mạnh nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân trên địa bàn.
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa giúp gia tăng thu nhập, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Đồng thời, góp phần tích cực trong việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao, là tiền đề để phát triển thành mô hình các chi, tổ Hội nghề nghiệp. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất ở nhiều lĩnh vực, gồm: Chăn nuôi, trồng cây ăn trái.
Bên cạnh đó, có nhiều dự án vay vốn Quỹ HTND đã xây dựng được các mô hình Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần giúp hội viên, nông dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm để cùng tập trung nguồn lực đầu tư thâm canh giúp tăng năng suất và thu nhập cũng như giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Về quá trình bình xét cho vay, Hội ND các cấp luôn phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, ưu tiên các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.
Bên cạnh hoạt động vay vốn, các cấp Hội còn chú trọng tập huấn, chuyển giao KHKT giúp hội viên, nông dân nắm được kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nhằm phát huy hiệu quả vốn vay.
Đồng thời, các huyện, thị và cơ sở Hội còn phối hợp với các Viện, trung tâm, các doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn đưa các giống, cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để bà con nông dân có điều kiện học tập, nhân rộng.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị, tỷ trọng từ hoạt động chăn nuôi, Hội ND xã Hòa Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh để xây dựng mô hình tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản.
Với tổng số vốn tự có của các hộ tham gia dự án và vốn vay Quỹ HTND 300.000.000 đồng; mỗi hộ đã mua từ 02 con bò cái sinh sản trở lên.
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong xã mà đặc biệt là hội viên nông dân trên toàn xã biết về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích và trách nhiệm, nhằm phát huy tiềm lực sẵn có, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên trong tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.
Sau gần 3 năm thực hiện dự án, tổng đàn bò từ 21 con nay đã lên đến 55 con (tính cả số lượng bò đã bán xoay vòng chu kỳ mới) tổng trị giá đàn bò ước tính khoảng 900.000.000 đồng. Nhìn chung các hộ tham gia dự án đều được đánh giá có hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho các hộ vay trong dự án.
Điển hình có hộ ông Trần Văn Giầu, ở thôn Tân Hiệp từ một hộ nghèo ở địa phương, sau khi được chi Hội giới thiệu ông tham gia dự án tổ Hội chăn nuôi bò sinh sản đem lại lợi nhuận cao.
Sau khi dự án giải ngân, ông mua 02 con bò cái tơ và 01 con bò đực nuôi với số tiền 37 triệu đồng, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Sau một năm từ 02 con bò cái ban đầu đến nay đã sinh sản được 04 con bê con. 01 con bò đực ban đầu ông mua với giá 15 triệu đồng sau 8 tháng nuôi ông bán được 40 triệu đồng, trừ chi phí ông thu lợi nhuận được 20 triệu đồng.
Ông dùng số tiền lợi nhuận đó tái đầu tư mua bò lại, từ 03 con bò ban đầu đến nay tổng đàn bò của gia đình ông là 8 con bò, trong đó có 03 con bò cái sinh sản, 02 bê con, 03 con bò được nuôi vỗ béo trị giá 257 triệu đồng.
Thông qua mô hình tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản mà Hội ND xã làm chủ dự án sẽ hỗ trợ, giúp đỡ hội viên có tâm huyết với chăn nuôi nhưng thiếu vốn, có điều kiện vay vốn về chăn nuôi, góp phần phát huy được tiềm năng, thế mạnh nghề chăn nuôi bò tại địa phương.
Sự hướng dẫn giúp đỡ của các cấp Hội là sự động viên, đổi mới phương thức, sinh hoạt của tổ Hội nghề nghiệp, qua đó khắc phục được những khó khăn trong quá trình hoạt động của tổ nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Đồng thời, Hội còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại xã, qua đó giúp cho các thành viên tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản và hội viên, nông dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, cách chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho bò; tìm đầu ra cho sản phẩm; thảo luận một số bệnh thường gặp trên bò và cập nhật tình hình thực tế tại địa phương.
Công tác Hội và phong trào nông dân có bước phát triển mới về cách thức tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân; các cấp Hội có sự trưởng thành, có khả năng tham gia vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, hội viên nông dân gắn bó với tổ chức Hội.
Ngoài các dự án chăn nuôi, tại địa phương còn có các dự án trồng táo bao lưới ngăn ruồi vàng, làm muối thương phẩm, trồng măng tây xanh, nuôi hàu sữa, cải tạo vườn nho. Từ khi tham gia các dự án, bà con đã biết áp dụng kỹ thuật và tạo mối liên kết giữa các hộ trong nhóm cùng hỗ trợ nhau về kiến thức và thực hiện đúng quy trình sản xuất để đem lại hiệu quả cao theo mục tiêu của dự án.
Để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh theo dõi chặt chẽ quy trình trợ vốn, phân công các thành viên thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên để giúp hội viên, nông dân sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời, tiếp tục xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi, triển khai thêm các dự án mới khả thi.
Ngoài ra, việc gắn trợ vốn với truyền đạt kinh nghiệm và khoa học - công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất cho hội viên, nông dân, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng chất lượng nông sản hàng hóa, ổn định đầu ra sản phẩm góp phần cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong quá trình cho vay vốn, Hội ND, Ban điều hành Quỹ HTND giám sát chặt chẽ, đảm bảo thu hồi vốn và phí, kết hợp hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Từ đó, giúp hộ nông dân sử dụng vốn đạt hiệu quả, gia tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Hội tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung nguồn Quỹ HTND từ ngân sách địa phương; triển khai nhiều hình thức để vận động cán bộ, hội viên, nông dân, các doanh nghiệp ủng hộ tăng nguồn Quỹ HTND các cấp cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.