Chủ trương đúng, hành động đúng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội
16:04 - 19/07/2017
(Quỹ HTND)- Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động triển khai thực hiện sôi động và đi nhanh vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, góp phần củng cố, đổi mới và thúc đẩy hoạt động của các cấp Hội và phong trào nông dân; làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. 
Một buổi giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên


Sau khi Quyết định 673 có hiệu lực, các Bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp trực tiếp thực hiện và tham gia thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Trong đó, nổi bật là đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

 
Đến 31/12/2016, đã có 100% tỉnh, thành Hội đã kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý Quỹ HTND cấp tỉnh, có con dấu riêng; được ngân sách tỉnh cấp bổ sung vốn theo Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ với 197 lượt cấp/847,241 tỷ đồng. Trong đó có 8 tỉnh đã được cấp bổ sung vốn Quỹ HTND 6 lần như: Sơn La, Hà Nội Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận. Gần 95% tỉnh, thành phố đã thành lập Ban vận động Quỹ HTND hoặc thành lập Ban chỉ đạo 61, 673.

 
Phải nói rằng Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 12/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ như một nguồn gió mới, nâng cánh diều Quỹ HTND bay lên tầm cao mới. Nhiều nơi cấp ủy, chính quyền đã trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo sát sao hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân. Vì vậy, nguồn vốn Quỹ trong cả nước tăng trưởng vượt bậc, từ 547,454 tỷ đồng năm 2010 lên 2.351,757 tỷ đồng năm 2016 (trong hơn 6 năm tăng gần 5 lần). Nhiều tỉnh đạt nguồn vốn lớn, tiêu biểu như: Tp Hà Nội (502,1 tỷ đồng), Tp Hồ Chí Minh (122,51 tỷ đồng), Bình Dương (92,697 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (54,9 tỷ đồng), Tiền Giang (45 tỷ đồng), Hải Dương (40,9 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (39,1 tỷ đồng), Hưng Yên (34,9 tỷ đồng)…

 
Bên cạnh vận động từ ngân sách, nhiều tỉnh, thành Hội được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện, chỉ đạo làm tốt công tác vận động ủng hộ, đóng góp từ cá nhân, tổ chức trong cộng đồng như: Tiền Giang (27,708 tỷ đồng), TP Hà Nội (26,731 tỷ đồng), Cao Bằng (26,681 tỷ đồng)…
 

Từ những kết quả đạt được càng khẳng định Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với Tổ chức Hội và giai cấp nông dân. Chủ trương đúng, hành động đúng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nông dân; vị thế, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam được nâng lên và ngày càng thực sự là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; tổ chức Hội Nông dân ngày càng được củng cố vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 
Tuy nhiên, đó là những kết quả bước đầu. Thời gian từ nay đến năm 2020 chỉ còn chưa đầy 4 năm, giải pháp nào để thực hiện thành công Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND giai đoạn 2011- 2020”. Theo đó, tổng nguồn vốn cả hệ thống Hội đạt ít nhất 4.000 tỷ đồng, trong khi còn tới 50% số đơn vị Quỹ HTND cấp tỉnh mới đạt <=10 tỷ đồng, số đơn vị Hội cấp huyện được cấp bổ sung vốn Quỹ HTND mới chỉ đạt 272/ 691 tổng số đơn vị Hội cấp huyện trong cả nước. Đối với cấp Hội ở cơ sở càng khó khăn hơn.

 
Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động Quỹ HTND, truyền thông làm sao để chuyển đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa đến nông dân, nâng cao tỷ suất đầu tư vốn cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp nông dân chuyển đổi nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị…Bên cạnh đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Ban chỉ đạo 61,673 Trung ương có văn bản đôn đốc và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tỉnh, thành ủy.

 
Một hướng mới để tăng tốc nhanh hơn nữa, ngay từ đầu năm 2017, Ban điều hành Quỹ Trung ương đã tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng Đề án “Phát triển Quỹ HTND đến năm 2025”. Theo đó tổng nguồn vốn Quỹ HTND đến năm 2025 đạt 20.000 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương cấp bổ sung hàng năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan đến đầu vào đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, các đơn vị sử dụng đất của nông dân có trách nhiệm đầu tư trở lại cho nông dân tỷ lệ % nhất định trên tổng thu nhập của doanh nghiệp nhằm tiếp sức cho nông dân tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, mang lại giá trị lớn hơn. Từ chủ trương chung, các tỉnh, thành Hội xây dựng phương án cụ thể để trình Ban chỉ đạo 61,673 cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền phê duyệt và thực hiện.

 
Kinh nghiệm của nhiều tỉnh, thành Hội là chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho Ban chỉ đạo 61, 673 của tỉnh, thành phố; tham mưu phân công cho thành viên Ban chỉ đạo, tạo điều kiện để các thành viên BCĐ vào cuộc, gắn việc chỉ đạo thực hiện tinh thần Kết luận của Ban Bí thư và Quyết định của Thủ tướng với việc chuyên môn của mỗi thành viên. Làm được như vậy chắc chắn tỉnh, thành Hội sẽ thành công trong việc tạo vốn cho hội viên, nông dân, nhất là đẩy mạnh hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, tham gia tích cực thực hiện Nghị quyết số 26 của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 

Lê Thị Doanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng