|
Ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính) - nguyên Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN. (Nguồn: Danviet.vn) |
Người không dám im lặng!
Năm 1981, khi ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vẫn đang chịu “án” về chủ trương ‘khoán hộ” thì ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Tỉnh ủy Long An, đã khẳng khái phát biểu rằng “Trước sau gì thì cũng ghi công đồng chí Kim Ngọc”. Đó không chỉ là lời tiên đoán, mà còn là sự lạc quan của ông Chín Cần tự động viên mình trước việc lớn mà ông tự nguyện dấn thân...
Rất nhiều người dân Long An thấy ông Chín Cần đóng giả thường dân, chiều chiều đi qua các trạm kiểm tra lưu thông trên Quốc lộ 1A. Đó là lúc ông đang dằn vặt, khổ tâm trước những bất hợp lý đang tồn tại trong nền kinh tế nước nhà. Ông cắn môi, đứng lặng trước cảnh người nông dân già mang 5kg gạo đi thăm con học ở Tp. Hồ Chí Minh, bị trạm kiểm tra thu giữ, rồi đem ngâm gạo vào chậu nước. Hàng trăm hecta mía của nông dân Bến Lức thà bỏ cháy khô chứ không đốn bán, vì giá mua của thương nghiệp quốc doanh thấp hơn tiền công đốn.
Tình trạng “Bán như cho, mua như cướp” được gán cho thương nghiệp quốc doanh cứ ám ảnh, thách đố ông tìm ra lời giải cho một cuộc “cách mạng” của Tỉnh ủy Long An về “Cải tiến phân phối lưu thông – Bù giá vào lương” gây chấn động dư luận. Thời ấy, đó là điều hệ trọng, động đến nguyên tắc kinh tế XHCN chính thống. Ngay trong cả nơi ông làm việc, cũng không có sự đồng thuận cao; có người còn đập bàn, lớn tiếng phản đối về đề án cải cách của ông. Không ít tội danh đang treo lơ lửng trên đầu ông Chín Cần. Song, bằng tư duy hiện thực, đứng về phía người dân, bằng sự giúp đỡ của những chuyên gia kinh tế tiến bộ... kết quả “Cải cách Giá - Tiền - Lương” ở Long An đã làm rung chuyển cơ chế tập trung, bao cấp; là bài học lớn cho công cuộc đổi mới và đưa nước ta ra khỏi thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Một lần đến thăm ông, khi gợi lại câu chuyện này, ông Chín Cần bình tâm kể: Lần ấy, cuộc họp Trung ương phải kết thúc trễ hơn một giờ bởi tâm điểm cuộc tranh luận là ông “xé rào”. Sau cuộc họp, có vị Bộ trưởng hỏi: Sao ông gan vậy? Mình trả lời “Tôi nhát, nên tôi mới tranh luận chứ đâu có gan! Nhát vì không dám im lặng để dân tiếp tục đói khổ”.
Người mở đường Quỹ Hỗ trợ nông dân
Sau khi rời nhiệm ở Chính phủ, ông Chín Cần được Bộ Chính trị điều giữ chức Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam vào cuối năm 1991. Khi ấy, “Khoán 10” mới thực hiện được 3 năm. Nông nghiệp còn khó khăn, hộ đói nghèo chiếm tới 62% tổng số hộ nông dân cả nước. Phương thức hoạt động của Hội Nông dân chủ yếu là tuyên truyền, vận động “chay”, vẫn là: Tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao…; mâu thuẫn với việc đem lại “lợi ích” thiết thực bằng việc hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp “đầu vào”, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo.
Làm gì để đổi mới hoạt động? Với tầm nhìn xa, rộng – ông Chín Cần đã khéo léo lách đi giữa hai đường: Một, theo lối mòn cũ; một, vì lợi ích của người nông dân cần có. Và ông đã chọn con đường thực tiễn “Cơ sở, chi, tổ Hội là đơn vị hành động; tạo vốn hỗ trợ nông dân sản xuất; đổi mới phương thức hoạt động, gắn với nâng cao năng lực, bản lĩnh đại diện cho giai cấp nông dân và cả tiếng nói của nông dân, để qua đó mà Nhà nước có chính sách đúng. Nông dân cần vốn – Hội phải lo vốn” – Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của ông Chín Cần với nông dân, với Hội Nông dân - được ví như cách mở đường, hay “khởi nghiệp” cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Không ngại “va đập”, không quản nề hà, ông trực tiếp gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy... để thuyết phục. Bằng những số liệu, kết quả từ các cuộc điều tra, khảo sát vốn, nhu cầu vay vốn sản xuất của nông dân do Trung ương Hội thực hiện tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh... Bằng tình yêu và trách nhiệm, bằng nghị lực và niềm tin, Đề án Quỹ Hỗ trợ nông dân, do ông sáng tạo và thực thi đã được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ đồng tình. Ngày 2/3/1996, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được thành lập, Quỹ trở thành phương tiện, công cụ quan trọng của Hội trong xây dựng phong trào nông dân, tổ chức Hội Nông dân.
Người đi trên đường mở...
20 năm xây dựng, trưởng thành - Quỹ Hỗ trợ nông dân từ sự khởi đầu là ý tưởng đến thành hiện thực. Từ 40 tỷ đồng vốn vay Chính phủ, Quỹ có một cấp ở Trung ương, thì đến nay, Quỹ đã có ở cả 3 cấp, với tổng nguồn vốn gần 2.100 tỷ đồng. Từ phương thức cho vay 2- 3 triệu đồng/hộ nghèo, thì nay cho tổ, nhóm nông dân vay với mức 100 triệu đến 2 tỷ đồng/ dự án, đề án được thẩm định. 20 năm xây dựng và trưởng thành, thực tiễn đã chứng minh: Việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân là đúng đắn, là trúng với yêu cầu khách quan của nhiệm vụ chính trị đối với Hội trong tập hợp, tổ chức nông dân, trong đoàn kết, xây dựng giai cấp nông dân, Hội Nông dân vững mạnh để phối hợp và trực tiếp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ trong “xóa đói giảm nghèo đến CNH – HĐH và hội nhập” – Quỹ luôn luôn vì nông dân mà phục vụ. Từ đồng vốn vay Quỹ, nhiều nông dân đã thoát nghèo, nhiều hộ khá giàu; đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ hoạt động trong hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân được nâng lên về năng lực xây dựng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân. Bên cạnh sự chỉ đạo của Thường trực, Thường vụ Hội Nông dân các cấp, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có văn hóa chảy thẳm sâu trong trái tim người cán bộ Quỹ về ông Chín Cần - Người xây móng, đắp nền, mở đường Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ông là người đồng chí, người anh, người thủ lĩnh của nông dân, đầy đặn cả tầm nhìn, bản lĩnh và phong cách. Ông là người không thích nói nhiều về lý luận, bởi ông tin rằng, từ hoạt động thực tiễn mới nảy sinh ra chất liệu “sống” của những quyết sách, đáp ứng đúng quy luật của cuộc sống. Với ông, quy luật, lý luận phải có và giàu hơi thở của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Chính là con người hành động. Hành động sau khi đã nắm bắt nguyện vọng của nông dân, chân thành, tỉnh táo lắng nghe, rồi tự mình dám đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định ấy. Nếu tri thức là người có chủ kiến của riêng mình về thời cuộc, dám đưa ra thành chính kiến, định hình được giải pháp thực hiện đến thành công... thì ông đã có đôi mắt tinh tường, với những suy nghĩ táo bạo và ý thức dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với những thay đổi tư duy của lãnh đạo Hội Nông dân lúc đương thời và hiện nay đã nâng bước đội ngũ cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân trưởng thành. Chính sự thuyết phục của công việc và tấm lòng vì nước, vì dân của ông Chín Cần đã hóa giải và cuốn cán bộ Hội đi trên con đường – con đường về với nông dân, nông thôn, nông nghiệp.
Xin thay nén hương thơm bằng con chữ nhớ ơn, kính cẩn vĩnh biệt ông Chín Cần – Người mở đường Quỹ Hỗ trợ nông dân.