(Quỹ HTND)- Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã đổi mới căn bản về phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân theo hướng cho vay theo mô hình dự án. Theo đó, nhóm hộ trong dự án sử dụng Quỹ HTND cùng sản xuất 1 mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi hướng tới quy mô nông nghiệp hàng hóa; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết như tổ hợp tác, nhóm hộ trang trại, hợp tác xã…
|
Quỹ HTND tập trung cho vay theo dự án (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Đến nay, Quỹ HTND Nông dân tỉnh Bình Dương đã giải ngân vốn cho trên 4 ngàn hộ vay, thực hiện 347 dự án. Trong đó có trên 100 dự án, tổ hợp tác đạt hiệu quả cao, thu nhập hàng năm đạt vài trăm triệu đến vài tỉ đồng như dự án trồng màu, cây cảnh, nuôi bò Dầu Tiếng, nuôi bồ câu An Bình, nuôi cá cảnh Thủ Dầu Một…
Hội Nông dân tỉnh Khánh Hoà cũng xác định tập trung vốn Quỹ hỗ trợ cho các mô hình tổ hợp tác. Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn thành lập gần 160 tổ hợp tác, hỗ trợ mỗi tổ hợp tác vay từ 100-500 triệu đồng. Điển hình như: Mô hình tổ hợp tác “Sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ” tại phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh với 10 thành viên, được hỗ trợ 400 triệu đồng mở rộng sản xuất. Mặt hàng của tổ được xuất khẩu đi thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản, Hàn Quốc…Tạo nghề cho gần 100 lao động, với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/người/năm.
Tháng 2/2015, Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã phối hợp với Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh thực hiện Dự án vay vốn mua bò sinh sản tại 2 xã: Nậm Hàng, Lê Lợi cho 32 hộ là hội viên nông dân huyện (xã Nậm Hàng: 15 hộ, xã Lê Lợi: 17 hộ) vay vốn với tổng số tiền 950 triệu đồng. Mỗi hộ được vay 30 triệu đồng trong thời hạn 3 năm. Các hộ tự chọn bò giống ngay tại địa phương hoặc các địa phương lân cận để mua, nên bò mua về thích ứng ngay với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã. Hiện đàn bò phát triển tốt vì 100% số hộ vay vốn có kinh nghiệm nuôi bò sinh sản và chú trọng việc phát triển đàn bò của gia đình.
Tại Phú Thọ, Hội Nông dân thành phố Việt Trì đã giải ngân 300 triệu đồng vốn Quỹ HTND Thành phố cho 15 hộ vay trong dự án "Nuôi lợn nái sinh sản" tại Hội Nông dân xã Chu Hóa từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2016 với tổng giá trị 1,254 tỷ đồng. Trong đó vốn đối ứng của các hộ 954 triệu đồng, chu kỳ vay vốn 24 tháng. Sau 2 năm thực hiện, kết quả thu hồi gốc và lãi đạt 100% kế hoạch đề ra. Tổng giá trị của dự án sau khi đã trừ các khoản chi phí lãi 834 triệu đồng; bình quân mỗi hộ lãi 55,6 triệu đồng/hộ, dự án đã tạo việc làm tại chỗ cho 25 lao động có thu nhập ổn định. Từ đây các hộ đã có nguồn vốn tiếp tục xây dựng và mở rộng dự án với quy mô lớn hơn để giải quyết việc làm cho lao động, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò thịt ở xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) có 14 thành viên, trong đó đã có 10 thành viên được thụ hưởng nguồn vốn vay của Quỹ HTND với tổng số vốn 500 triệu đồng, thời hạn vay trong 2 năm, bắt đầu từ tháng 8.2015. Có vốn, các thành viên mua bê giống về nuôi, đầu tư làm chuồng trại và nguồn thức ăn chăn nuôi. Mỗi thành viên có một phương pháp, người thì nuôi gối, người thì xuất bán cả đàn rồi nuôi lứa mới. Việc tiêu thụ bò thịt thuận lợi, đến nay các thành viên trong CLB đã phát triển đàn bò được khoảng 120 con, có hộ nuôi đến 10 con. Các thành viên trong CLB đề xuất mỗi hộ đóng góp 2 triệu đồng để tạo nguồn vốn cho thành viên chưa được thụ hưởng Quỹ HTND và những hộ khác có nhu cầu vay vốn đầu tư chăn nuôi bò.
Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản tại phường Xuất Hoá, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) có tổng số vốn 300 triệu đồng cho 12 hộ vay, thời gian vay là 24 tháng. Ban đầu triển khai các hộ vay vốn mua được 22 nái. Sau 02 năm thực hiện dự án, trung bình mỗi nái đẻ được 2- 3 lứa, với tổng đàn là 280 con lợn con, tổng số tiền thu về là 875 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí trung bình mỗi hộ có lãi 25 triệu đồng và còn 22 con nái để phát triển tiếp. Dự án đã giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương, ngoài ra, đã có 07 hộ áp dụng lắp đặt hầm bể biogas nhằm tận dụng chất thải từ chăn nuôi lợn đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với phương thức mới là cho vay theo nhóm hộ và dự án, nguồn vốn Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, xoá bỏ dần phương thức làm ăn manh mún thành sản xuất hàng hoá, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng giá đầu ra, vừa giúp nông dân học tập, nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Đồng thời tăng tình đoàn kết, hỗ trợ giữa nông dân với nông dân.