Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách đối với HSSV
15:32 - 18/08/2016
Với những kết quả đạt được, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) trong gần 10 năm qua đã khẳng định là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội cùng triển khai thực hiện chương trình, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, tạo được sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu rủi ro, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình và của HSSV - người trực tiếp sử dụng vốn vay.
|
Đại diện Lãnh đạo Báo Thanh niên chúc mừng các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến |
Chương trình đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần đảm bảo tính công bằng xã hội, thể hiện tính nhân văn, tính nhân đạo sâu sắc, tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một năm học mới lại bắt đầu, với HSSV nghèo và những bậc sinh thành, đó là nỗi lo không có tiền đi học, là khả năng liệu có vay được vốn ngân hàng không; thời gian và thủ tục đi vay có phức tạp không, đối tượng vay vốn có mở rộng…?
Nhằm trao đổi, giải đáp những nội dung liên quan, NHCSXH vừa phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Tín dụng chính sách với học sinh, sinh viên năm học 2016 - 2017”.
Các khách mời tham gia gồm có ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV - Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Bùi Văn Thuấn - Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác NHCSXH; ông Nguyễn Việt Hải - Phó Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông NHCSXH và ông Vũ Trung Dũng - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương. Sau đây là nội dung buổi tọa đàm trực tuyến đã được phóng viên lược ghi lại.
Bạn đọc Đức Minh (Nghệ An) hỏi: Con tôi năm nay đủ điểm trúng tuyển Đại học ở Hà Nội nhưng gia đình đang băn khoăn không biết có nên cho cháu đi học không vì hoàn cảnh quá khó khăn. Xin chương trình cho biết cụ thể về chính sách vay vốn tín dụng dành cho HSSV, mức vay và thủ tục vay hiện nay ra sao…?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Thưa bạn, được vay vốn tín dụng dành cho HSSV thì HSSV phải thuộc 1 trong các đối tượng như sau:
1. HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.
2. HSSV là thành viên của hộ gia đình nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
3. HSSV là thành viên hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.
4. HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Từ những đối tượng cụ thể nêu trên, bạn có thể đối chiếu xem gia đình bạn thuộc đối tượng nào để được thụ hưởng chương trình tín dụng HSSV.
Mức vay và lãi suất: hiện nay mức vay là: 1.250.000 đồng/HSSV/tháng với lãi suất 0,55%/tháng.
Thủ tục vay vốn:
Người vay phải là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi sinh sống. Người vay chỉ việc viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn kèm Giấy xác nhận của nhà trường (bản chính) hoặc Giấy báo nhập học (bản sao đối với HSSV năm thứ nhất mới trúng tuyển) gửi cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ tiết kiệm và vay vốn gửi UBND cấp xã xác nhận, sau đó gửi hồ sơ đến NHCSXH cấp huyện và được phê duyệt cho vay. Người vay sẽ được nhận tiền vay tại điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã nơi đang cư trú.
Bạn đọc Văn Đạt (Phú Thọ) hỏi: Đề nghị Chính phủ quan tâm và có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đối với HSSV vay vốn học tập, nhưng khi ra trường chưa có việc làm nên không có khả năng trả nợ.
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Theo quy định hiện nay người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học. Thời hạn cho vay tối đa được xác định theo công thức sau:
Thời hạn cho vay tối đa = thời hạn phát tiền vay + 12 tháng + thời hạn trả nợ.
Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.
Ngoài ra, đến kỳ trả nợ cuối cùng, người vay gặp khó khăn chưa trả được nợ thì có thể đề nghị NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ. Tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng có thể gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay, nhưng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.
Như vậy nếu HSSV học đại học 4 năm thì thời hạn cho vay tối đa là 9 năm, nếu gặp khó khăn được gia hạn nợ tối đa thêm 2 năm nữa thì tổng cộng cho vay là 11 năm. Trong khi đó nguồn trả nợ được trích từ thu nhập của hộ vay và thu nhập của sinh viên khi đi làm.
Vì vậy, việc đề nghị khoanh nợ, gia hạn nợ cho những HSSV không xin được việc làm hoặc xin được việc nhưng không đúng ngành nghề nên thu nhập thấp không đủ trang trải cho cuộc sống và trả nợ ngân hàng theo đề nghị của hộ vay, vấn đề này, NHCSXH xin tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xem xét, quyết định.
Bạn đọc Thu Nguyệt (Thái Bình) hỏi: Với sinh viên ngành sư phạm, vì được miễn học phí nên sinh viên nghèo có được vay vốn từ chương trình này để chi trả sinh hoạt phí hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Mức cho vay tối đa đối với mỗi HSSV hiện nay là 1.250.000 đồng/tháng để hỗ trợ trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của HSSV trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở, đi lại.
Đối với những HSSV thuộc diện được miễn, giảm học phí hoặc HSSV theo học tại các trường Công an, Quân sự, Sư phạm đã được miễn học phí và sinh hoạt phí thì khi cho vay phải loại trừ không cho vay đối với số tiền đã được miễn, giảm học phí, sinh hoạt phí…
Bạn đọc Mỹ Lan (Nghệ An) hỏi: Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị gì với Chính phủ để tăng mức cho vay và kèm theo một số ưu đãi khác cho HSSV nghèo hay không khi mà mức cho vay chỉ là 1.250.000 đồng/tháng trong khi chi phí rất tiết kiệm cho một sinh viên trọ học ở Hà Nội cũng ít nhất là 3 triệu đồng/tháng?
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chính phủ đã có chính sách cho HSSV trong diện ưu đãi theo Nghị định 86/2015 ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đói với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Quyết định số 66/2013 ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi trong giáo dục, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn và đề xuất Chính phủ nghiên cứu có thể nâng mức cho vay và có thể cho phép kéo dài thêm thời gian trả nợ để hỗ trợ sinh viên bớt khó khăn trong điều kiện hiện nay.
Chúc các bạn HSSV có một năm học mới 2016 - 2017 thành công tốt đẹp!
Bạn đọc Thùy Dương (Bắc Ninh) hỏi: Khi vay vốn chương trình tín dụng HSSV mà không đăng ký trả lãi theo tháng hoặc quý thì khi có việc làm, tiền lãi có bị cộng vào tiền gốc không? Nếu có thì cộng vào theo tháng hay theo quý?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Trong thời hạn phát tiền vay tức là trong thời gian HSSV còn đang theo học tại trường thì chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc. Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học.
NHCSXH thỏa thuận với người vay trả lãi theo định kỳ tháng hoặc quý trong thời hạn trả nợ. Trường hợp người vay có nhu cầu trả lãi theo định kỳ hàng tháng, hàng quý trong thời hạn phát tiền vay thì NHCSXH thực hiện thu theo yêu cầu của người vay. Vì vậy lãi tiền vay không bị cộng vào tiền gốc.
Bạn đọc Tuyết Trinh (Thanh Hóa) hỏi: Tôi đã từng nghe có trường hợp vay tiền để đi học nhưng do giải ngân chậm nên nhà trường cho thôi học. Vậy tình trạng này hiện nay còn tái diễn hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Từ khi thực hiện chương trình đến nay, NHCSXH chưa tiếp nhận trường hợp như bạn đã nêu ở trên, nếu thực tế có trường hợp này, NHCSXH rất mong bạn cung cấp thông tin cụ thể để chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý vụ việc.
Nếu đúng đối tượng vay vốn theo quy định, người vay viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn kèm Giấy xác nhận của nhà trường (bản chính) hoặc Giấy báo nhập học (bản sao đối với HSSV năm thứ nhất mới trúng tuyển) gửi cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tổ tiết kiệm và vay vốn gửi UBND cấp xã xác nhận, sau đó gửi hồ sơ đến NHCSXH cấp huyện và được phê duyệt cho vay, người vay sẽ được nhận tiền vay trực tiếp từ NHCSXH vào ngày giao dịch cố định hàng tháng tại trụ sở UBND xã nơi người vay đang cư trú.
NHCSXH phối hợp với các cơ quan chức năng và báo cáo cấp có thẩm quyền đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm cho các HSSV không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Bạn đọc Mỹ Tâm (Hà Tĩnh) hỏi: Với những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhưng có hoàn cảnh khó khăn thì ngoài việc vay vốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách ưu tiên nào nữa về việc hỗ trợ kinh phí học tập không?
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đối với những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhưng có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc vay vốn, theo quy định, các sinh viên này còn có thể được hưởng học bổng khuyến khích học tập theo Quyết định số 44/2007 ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Về học bổng khuyến khích học tập đối với HSSV trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục Đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Theo đó, mức học bổng được hưởng thấp nhất sẽ bằng với mức học phí mà sinh viên phải nộp.
Ngoài ra, khá nhiều trường có quỹ học bổng ngoài ngân sách do các cựu sinh viên, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đóng góp để có thêm học bổng nhằm khích lệ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà có thành tích học tập tốt.
Bạn đọc Bảo Ngọc (Thừa Thiên - Huế) hỏi: Khi sinh viên nhập học rồi nhưng chưa có tiền đóng học phí vì chưa hoàn tất các thủ tục vay vốn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có yêu cầu các trường cho sinh viên thuộc đối tượng được vay tín dụng được phép nộp học phí chậm hơn không?
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Vấn đề bạn Bảo Ngọc hỏi cũng là tình huống đã từng xảy ra cách đây vài ba năm. Sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các trường Đại học đề nghị tạo điều kiện cho sinh viên được nhập học trong điều kiện chưa có kinh phí để đóng học phí do chưa nhận được tiền vay của NHCSXH.
Nhiều năm gần đây, đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà chưa vay được vốn của NHCSXH thì Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đề nghị các trường tạo điều kiện cho sinh viên nộp học phí chậm hơn để chờ thủ tục giải ngân của ngân hàng.
Qua theo dõi của tôi thì những năm vừa qua việc giải ngân của ngân hàng thường rất kịp thời nên các trường không phải giải quyết các trường hợp chậm nộp học phí do chưa nhận được tiền vay từ nguồn vốn tín dụng này.
Bạn đọc Đình Thăng (Ninh Bình) hỏi: Em mồ côi cha, mẹ sức khoẻ yếu nhưng gia đình không thuộc diện hộ nghèo. Vậy em có được vay vốn đi học đại học hay không?
Phó Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông: Trong các đối tượng vay vốn gồm có cả sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động. Như vậy, nếu mẹ em không có khả năng lao động, có chứng nhận tình trạng sức khoẻ, bệnh tật của cơ quan y tế cấp huyện trở lên, thì em thuộc đối tượng được vay vốn.
Em liên hệ với NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở để được hướng dẫn thủ tục cần thiết để vay vốn.
Bạn đọc Kim Điền (Hà Nam) hỏi: Hiện nay nhiều HSSV tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm. Vậy để các đối tượng này trả được nợ sau khi ra trường, xin ông cho biết giải pháp trong thời gian tới như thế nào?
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Vấn đề bạn đặt ra cũng là mối quan tâm chung của nhiều sinh viên hiện nay. Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị NHCSXH trên cơ sở điều kiện thực tế của từng sinh viên có chính sách hỗ trợ, như kéo dài thời gian trả nợ hay hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ sẽ tăng cường tư vấn hướng nghiệp, triển khai hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để hạn chế việc thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng Đề án khởi nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp và chỉ đạo các trường đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức về khởi nghiệp để sinh viên tiếp cận khởi nghiệp và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bạn đọc Ngọc Thịnh (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Một loạt trường đại học công lập đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tự chủ tài chính và có xu hướng tăng học phí rất cao. Vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định hoặc đề nghị gì đối với các trường này đối với đối tượng HSSV nghèo không?
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Với các trường có mức thu học phí cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các trường căn cứ điều kiện thực tế của trường để có những chính sách hỗ trợ đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, như có chính sách hỗ trợ hoặc miễn giảm học phí của nhà trường, chính sách học bổng cho sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hoặc có quỹ hỗ trợ sinh viên.
Theo tôi được biết thì các trường tự chủ tài chính thường có quỹ học bổng riêng của nhà trường để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng khuyến khích các trường tự chủ tài chính có thể có nguồn vốn để cho sinh viên vay, sau đó trả dần.
Bạn đọc Ngọc Trâm (Hải Dương) hỏi: Khi học đại học, sinh viên Chế Đình Thân có vay vốn từ Chương trình tín dụng đối với HSSV. Tháng 6/2014, sinh viên Thân tốt nghiệp, chưa có việc làm thì nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Với trường hợp này, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự có được gia hạn khoản vay không, nếu được gia hạn thì lãi suất như thế nào?
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương: Trường hợp tháng 6/2014, sinh viên Thân tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm thì nhận được lệnh gọi nhập nhập ngũ, số dư nợ vay tại NHCSXH sẽ được kéo dài thời gian trả nợ và miễn lãi tương ứng với thời gian phục vụ tại ngũ, nhưng tối đa không quá 24 tháng, kể từ ngày HSSV nhập ngũ.
Thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ ngày nhập ngũ ghi trên Lệnh gọi nhập ngũ đến ngày kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự (là ngày, tháng có hiệu lực của các Quyết định về việc quân nhân xuất ngũ).
Bạn đọc Thùy Uyên (Bắc Giang) hỏi: Em ra trường đã 3 năm nay nhưng vẫn chưa tìm được việc làm trong khi vẫn nợ vốn vay đi học là hơn 20 triệu đồng mà chưa có tiền trả. Trường hợp của em và những bạn ra trường chưa có việc làm bền vững sẽ được xử lý ra sao?
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương: Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng đối với HSSV, NHCSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay đối với HSSV. Để tạo điều kiện cho gia đình HSSV giảm bớt khó khăn trong việc trả nợ, HSSV được ân hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc khóa học thì bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi tiền vay.
Trong thời hạn trả nợ (thời hạn trả nợ bằng thời hạn phát tiền vay, HSSV nhận tiền vay 4 năm thì thời hạn trả nợ là 4 năm), đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng, nếu HSSV gặp khó khăn khách quan chưa trả được nợ thì được xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng ½ thời hạn trả nợ (như ví dụ trên là bằng 2 năm).
Bạn đọc Nguyễn Trung (Hà Nam) hỏi: Tôi có đề nghị Ngân hàng cấp phát tiền vay cho HSSV trước khi khai giảng năm học mới, vì thời gian qua ngân hàng cấp phát trễ, cha mẹ HSSV phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để đóng học phí.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương: Trong thời gian qua, NHCSXH và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh - xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai cho vay tín dụng đối với HSSV. Vào đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh - xã hội đều ban hành công văn yêu cầu các cơ sở đào tạo tổ chức việc xem xét và xác nhận cho HSSV một cách thuận tiện, nhanh chóng, tránh phiền hà, khó khăn cho HSSV.
Nếu có phản ánh HSSV nhận Giấy xác nhận HSSV chậm từ nhà trường, NHCSXH đều thông tin lại cho các Bộ trên để chỉ đạo ngay các trường. Vào thời điểm năm học 2011 - 2012, còn có trường hợp chưa bố trí đủ nguồn vốn nên giải ngân còn chậm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo cho phép các HSSV này được chậm nộp học phí.
Cho đến những năm học này, tuyệt đối không có tình trạng NHCSXH phát tiền cho vay trễ. Nếu quý vị phát hiện địa phương nào có trường hợp này xảy ra, xin vui lòng thông tin lại để NHCSXH phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý.
Bạn đọc Minh Hiếu (Bình Phước) hỏi: Có ý kiến cho rằng, việc xác nhận cho các đối tượng vay vốn ở mỗi nơi làm rất khác nhau, có nơi thì chặt quá, nơi thì lỏng quá, thậm chí có nơi hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo cũng vay được tiền từ chương trình này. Vậy NHCSXH sẽ giám sát như thế nào để đảm bảo công bằng, chính xác trong quá trình xác nhận cho vay ở các địa phương?
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương: Đối tượng cho vay của Chương trình tín dụng HSSV không chỉ riêng hộ nghèo mà còn một số đối tượng khác cũng được vay, như gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật, HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính…
Để đảm bảo công bằng, chính xác trong quá trình cho vay tại các địa phương, NHCSXH đã ban hành quy trình cho vay đáp ứng được yêu cầu khách quan, dân chủ từ cơ sở, có sự giám sát của cộng đồng đồng dân cư, của xã hội, đó là:
- Người vay viết Giấy đề nghị vay vốn kèm Giấy xác nhận của nhà trường hoặc Giấy báo nhập học gửi cho Tổ tiết kiệm và vay vốn.
- Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận được hồ sơ xin vay của người vay, tiến hành họp tổ để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên Giấy đề nghị vay vốn. Sau đó lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH kèm Giấy đề nghị vay vốn, Giấy xác nhận của nhà trường hoặc Giấy báo nhập học trình UBND cấp xã xác nhận.
- NHCSXH phê duyệt cho vay trên cơ sở danh sách danh sách hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn đã được UBND xã xác nhận.
Danh sách hộ đã vay vốn được niêm yết công khai tại UBND cấp xã để nhân dân giám sát và có phản ánh những khó khăn, thắc mắc tại điểm giao dịch xã (trực tiếp hoặc góp ý vào hòm thư) để NHCSXH kịp thời phối hợp với các cấp, ngành xem xét, xử lý.
Bên cạnh đó, định kỳ, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện kiểm tra tới từng hộ vay. Hàng năm, NHCSXH tham mưu cho UBND các cấp thành lập các Đoàn kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007QĐ-TTg của Thủ tướng tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các trường hợp sai sót, cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp.
Bạn đọc Trà My (TP Đà Nẵng) hỏi: Phải chăng do hạn hẹp về nguồn vốn, do dư nợ nhiều nên mức cho vay không tăng?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Mức cho vay là mức hỗ trợ chi phí cho HSSV học tại trường (không phải là đáp ứng), đảm bảo trang trải học phí và hỗ trợ một phần chi phí học tập ở mức hợp lý đối với HSSV trên cơ sở sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng và lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt.
Kể từ khi thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, đến nay Thủ tướng đã 5 lần điều chỉnh nâng mức cho vay tối đa, từ 800.000 đồng/HSSV/tháng (2007) lên 860.000 đồng/HSSV/tháng (2009), lên 900.000 đồng/HSSV/tháng (2010), rồi lên 1 triệu đồng/HSSV/tháng (2011), sau đó là 1,1 triệu đồng/HSSV/tháng (2013). Từ 09/1/2016, mức vay tăng lên 1.250.000 đồng/HSSV/tháng.
Tính đến hết tháng 6/2016, tổng dư nợ cho vay HSSV đạt 21.467 tỷ đồng với 946.933 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn là 138,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,64%. Thông qua nguồn vốn đã giúp cho trên 3,4 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. |
Nguồn: VBSP