|
Nông dân xã Tân Trung, Phú Tân, An Giang vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất - kinh doanh (ảnh: Trần Văn Bút) |
Nội dung và phương thức hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, đã gắn việc tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân.
Hội đã hướng dẫn xây dựng 14.604 mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 10 triệu lượt hội viên, nông dân.
Xây dựng trên 9.000 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt GAP; chuyển giao 2.700 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
Thông qua 126 “Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật nhà nông”; Tổ chức các cuộc thi “Nhà nông đua tài” và cuộc thi “Nhà nông sáng tạo”, đã có hàng ngàn sáng kiến của nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.
Hội Nông dân 45 tỉnh, thành còn ký kết Chương trình phối hợp với Công ty TNHH Enzyma Việt Nam để nông dân sử dụng chế phẩm sinh học BioWish vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường nông thôn, kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân Việt Nam đã nhận ủy thác vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho 2,3 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay gần 50.000 tỷ đồng, qua 63.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhận ủy thác vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 674.200 lượt hộ vay gần 30.000 tỷ đồng, giúp nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trung ương Hội đã xây dựng và thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”. Trong đó, đã kiện toàn lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân ở 03 cấp (trung ương, tỉnh, huyện). Đến ngày 30/8/2016, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội đạt 2.192,8 tỷ đồng; trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 623,21 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh 1.023,898 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện 311,335 tỷ đồng, cấp xã vận động được 234,357 tỷ đồng.
Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp trên 380.000 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất thông qua 2.807 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; trong đó có 604 mô hình chăn nuôi, 1.738 mô hình trồng trọt, 267 mô hình nuôi trồng thủy sản, 198 mô hình dịch vụ và các ngành nghề khác. Đây là một trong các nội dung hoạt động rất thiết thực, hiệu quả, nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất hàng hóa, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Bên cạnh đó, hàng năm các cấp Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp nhận cung ứng trên 150.000 tấn vật tư nông nghiệp, trên 2000 máy nông nghiệp để bán cho nông dân theo phương thức trả chậm không tính lãi giúp nông dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, vốn, Hội còn tổ chức dạy nghề cho hội viên, nông dân. Đến năm 2016 có 54 tỉnh, thành phố đã bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân.
Trong 5 năm (2012- 2016), Hội Nông dân Việt Nam được cấp 819,45 tỷ đồng cho 35 dự án xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, đã có 11 Trung tâm hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Các Trung tâm đã tổ chức tốt các hoạt động đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, máy nông nghiệp, giống cây, con, thức ăn chăn nuôi...) theo phương thức trả chậm.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo ngắn hạn, nâng cao kiến thức nghề làm nông nghiệp cho trên 1.684.000 lượt nông dân, chủ yếu là nông dân đã có nghề làm nông nghiệp nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp... đạt trên 90%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương tuyên truyền về Đề án và Kết luận 61, Quyết định 673 chưa sâu, rộng; một số cán bộ cấp ủy, chính quyền và sở, ngành, các cơ quan chuyên môn, cũng như Hội Nông dân các cấp chưa hiểu đúng về nội dung của Kết luận 61 và Quyết định 673 nên việc thực hiện chậm và đạt kết quả chưa cao.
Để Kết luận 61 đi vào cuộc sống hơn nữa, một số tỉnh, thành Hội cần chủ động tham mưu có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khai thác có hiệu quả các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương nhằm mang lại đời sống cao cho hội viên, nông dân.