Quỹ HTND Tiền Giang: Tổng nguồn vốn đạt 56 tỷ đồng
15:20 - 17/06/2016
(Quỹ HTND)- Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều mô hình kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất phát huy thế mạnh của từng vùng.
Nông dân Tân Phú Đông trồng sả, lợi nhuận bình quân đạt 70 triệu đồng/ha/năm (Ảnh: Sở NNNT Tiền Giang)


Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương về việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, để Quỹ hoạt động có hiệu quả và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã kiện toàn bộ máy Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, thành lập Ban Kiểm soát Quỹ.


 
Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với các Ban chuyên môn tham mưu Ban Thường vụ ban hành các văn bản có liên quan đến hoạt động của Quỹ như: Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, Quy chế hoạt động Quỹ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát, Quy chế tài chính Quỹ... Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân; kiện toàn Ban Điều hành Quỹ; đăng ký, khắc dấu Quỹ Hỗ trợ nông dân; hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho vay, thu nợ; hướng dẫn công tác quản lý nguồn vốn, thu chi phí cấp huyện và cơ sở.


 
Đến nay có 11/11 huyện, thành, thị hoàn thành thủ tục thành lập Quỹ cấp huyện, có con dấu và tài khoản riêng, riêng huyện Gò Công Tây, Thị xã Cai Lậy đang hoàn thành thủ tục khắc con dấu. Các huyện đã hoàn thành xong các bước chuyển vốn từ cơ sở về Ban Điều hành huyện quản lý.


 
Hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu vận động Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao và số lượng hội viên cũng như điều kiện thực tế của mỗi huyện, thành, thị Hội, Ban Điều hành Quỹ tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phân bổ chỉ tiêu vận động cho 11/11 đơn vị cấp huyện.


 
Chỉ tiêu vận động này được lồng ghép vào Nghị quyết thi đua hàng năm để đơn vị cấp huyện phân bổ đến từng cơ sở. Hình thức vận động trên tinh thần tự nguyện đóng góp ủng hộ, vận động cán bộ công chức, hội viên nông dân và các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh.


 
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân” từ đó tỉnh Hội đã đề xuất với Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ nguồn vốn hoạt động cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp nhận thêm 3 tỷ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác và 5 tỷ từ nguồn ngân sách chuyển sang bổ sung vốn cho Quỹ hoạt động.


 
Đối với Hội Nông huyện, thành, thị có 11/11 đơn vị nhận được vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương với tổng số tiền 1.885.000.000 đồng. Cấp cơ sở có 11 đơn vị thuộc huyện Tân Phước và 17 đơn vị thuộc huyện Chợ Gạo nhận được vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương chuyển sang với tổng số tiền 74.500.000 đồng.


 
Sáu tháng đầu năm 2016 tổng nguồn vốn trong toàn tỉnh đạt 56 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương và xoay vòng vốn các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế vốn tồn đọng, trong 06 tháng đầu năm 2016 Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã thu hồi và xoay vòng vốn các dự án đến hạn trên địa bàn tỉnh, cụ thể thu hồi vốn các dự án nguồn Trung ương ủy thác với số tiền 1.400.000.000 đồng tại 03 huyện: Chợ Gạo, Gò Công Đông, thành phố Mỹ Tho và tạm ứng thêm 300.000.000 đồng để thực hiện xoay vòng vốn xây dựng các dự án mới ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông với tổng số vốn là 1,7 tỷ. Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh chuyển sang năm 2016 đã thực hiện 10 dự án trên 10 đơn vị huyện, thành, thị cho 260 hộ hội viên nông dân trong tỉnh vay với số tiền 5.000.000.000 đồng.


 
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều mô hình kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất phát huy thế mạnh của từng vùng, như các huyện phía Tây phát triển trồng trọt với các dự án: Chăm sóc vườn bưởi, xoài, sầu riêng, chanh (huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy); các huyện phía Đông phát triển ngành chăn nuôi như: Chăn nuôi heo, bò, dê sinh sản (Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công). Hay như ở huyện Cù lao Tân Phú Đông, đang có các dự án phát triển cây mãng cầu xiêm, cây sả là đặc sản riêng có của vùng.
 

 
Hàng năm, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân đều phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của tỉnh, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp hướng dẫn xây dựng phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân tham gia vay vốn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề lao động nông thôn, đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu quả đồng vốn vay của người nông dân.


 
Thông qua hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân đã góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Hội, tạo niềm tin và thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội, sinh hoạt chi, tổ Hội được nề nếp và thường xuyên hơn, công tác vận động tạo nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt nhiều kết quả tốt hơn, tạo điều kiện để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt chính trị trong các phong trào, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và chính quyền các cấp.

Ngọc Quỳnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng