Tây Ninh: Cho vay vốn theo mô hình tổ liên kết
14:44 - 18/05/2016
(Quỹ HTND)- Mô hình vay vốn theo tổ liên kết sản xuất được Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cùng Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại địa phương phối hợp triển khai đã giúp hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh thoát nghèo và làm giàu. Điển hình trong công tác phối hợp là huyện Dương Minh Châu.
Nông dân huyện Dương Minh Châu vay vốn đầu tư sản xuất hiệu quả (ảnh:internet)


Ông Năm Ten ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu là một trong gần 90 ngàn hộ thành viên của tổ liên kết sản xuất ở tỉnh Tây Ninh được vay vốn ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để làm kinh tế. Đến nay gia đình ông đã có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.


 
Ông Phạm Văn Tẩy, Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, tổ của ông hiện có gần 50 hộ tham gia vay vốn với số tiền vay gần 2 tỷ đồng. Đến nay, những hộ gia đình này đều có kinh tế ổn định.


 
Từ 30 triệu đồng vốn vay ban đầu, sau 3 năm nhờ mua cặp bò sinh sản mà ông Trần Công Lập ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu đã thoát nghèo và có vốn làm ăn. Thời gian đầu ông được vay 30 triệu đồng trong vòng 3 năm để chăn nuôi bò. Sau 2 năm bò sinh được 2 con, hết thời hạn vay ông bán 1 con để trả nợ ngân hàng, còn lại 3 con trị giá khoảng 85 triệu đồng.
 


Ông Lập hiện là tổ trưởng tổ liên kết sản xuất ở ấp Phước Lợi 1. Tổ của ông có khoảng 10 hộ được vay vốn của Agribank Tây Ninh đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm nuôi bò, tất cả các hộ đều trả hết nợ ngân hàng và có vốn tiếp tục đầu tư mua thêm bò hoặc mua thêm đất để mở rộng sản xuất.


 
Ông Phạm Văn Tỷ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân kiêm tổ trưởng tổ liên kết vay vốn ấp Phước Bình 2 xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, trong những năm qua, tổ đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tổ của ông Tý hiện có 47 hộ tham gia, tổng dư nợ 1,874 tỷ đồng. Nhiều hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả đã từng bước vươn lên khá giả.
 


Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, hiện đã có 148 tổ liên kết vay vốn với 6.244 hộ tham gia. Tổng dư nợ tín dụng qua mô hình tổ liên kết vay vốn ở huyện Dương Minh Châu là 98 tỷ đồng.
 


Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, dư nợ cho vay qua tổ liên kết vay vốn hiện chiếm tới 10% tổng dư nợ của Agribank ở Tây Ninh (gần 1.000 tỷ đồng). Tổ liên kết vay vốn giúp Agribank giảm nhiều được chi phí tiếp nhận hồ sơ, giải ngân ... Các tổ trưởng tổ liên kết vay vốn là cộng tác viên của ngân hàng trong việc đôn đốc trả nợ vay, giám sát sử dụng vốn vay. Đến nay, hầu hết các hộ vay từ 100 triệu đồng trở xuống là qua các tổ liên kết.


 
Ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh, cho biết: Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, Hội Nông dân chuyển sang cán bộ tín dụng chỉ trong vòng 4 ngày, sau 4 ngày người dân đã nhận được tiền, giúp cho bà con nông dân đầu tư kịp thời.


 
Các hộ nông dân nhờ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, từ chỗ sản xuất, chăn nuôi với quy mô nhỏ, giờ đây đã phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.


 
Việc triển khai mô hình cho vay tổ liên kết sản xuất và ủy thác tín dụng từng phần, Agribank Tây Ninh đã kết hợp hài hòa giữa việc cho vay vốn với việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả. Thông qua các tổ để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng nhu cầu sử dụng vốn của người dân để kịp thời có cách làm linh hoạt hoặc kiến nghị với ngân hàng để có chính sách phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.


 
Sự phối hợp giữa Agribank và Hội Nông dân trong việc hình thành, phát triển mô hình tổ liên kết vay vốn, đã góp phần làm giảm tình trạng vay nặng lãi,góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. 

Thanh Tâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng