Quỹ HTND Tiền Giang: Tăng nguồn vốn nhờ vận động giỏi
18:24 - 24/02/2016
(Quỹ HTND) - Chỉ riêng trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”, công tác vận động tạo nguồn vốn của Quỹ được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh. Tính bình quân mỗi năm, toàn tỉnh vận động được từ 1,5- 2 tỷ đồng, tổng số tiền vận động trong giai đoạn 2011- 2015 đạt trên 10 tỷ đồng.
Nông dân phấn khởi tham gia các mô hình kinh tế hợp tác để tăng cao thu nhập


 
Đến nay, trong toàn hệ thống Hội có 9/11 đơn vị cấp huyện thành lập được Quỹ Hỗ trợ nông dân, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Bên cạnh đó cũng đã thực hiện xong việc gom vốn, quỹ dự phòng rủi ro từ cơ sở về để cấp huyện Hội quản lý, trực tiếp phê duyệt hồ sơ vay và giải ngân đến từng hộ hội viên, nông dân.
 


Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận khi tổng nguồn vốn trong toàn tỉnh đến nay đạt 49,087 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác là 11,900 tỷ đồng. Nguồn vốn do địa phương cấp theo Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ là 11,411 tỷ đồng. Năm 2016, ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ 5 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ HTND cấp tỉnh.

 
Thêm vào đó, hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu vận động được Trung ương Hội giao, theo số lượng hội viên cũng như điều kiện thực tế của mỗi huyện, thành, thị Hội mà Ban Điều hành Quỹ tham mưu với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phân bổ chỉ tiêu vận động cho 11/11 đơn vị cấp huyện. Chỉ tiêu vận động này được lồng ghép vào Nghị quyết thi đua hàng năm để đơn vị cấp huyện phân bổ đến từng cơ sở.


 
Hình thức vận động trên tinh thần tự nguyện đóng góp ủng hộ, vận động mỗi cán bộ công chức, hội viên, nông dân và các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh cùng tham gia. Tổng nguồn vốn vận động đến nay đạt  25,524 tỷ đồng. Trong đó, số tiền quyên góp, vận động riêng năm 2015 là 2,267 tỷ đồng.

 
Đơn vị cấp huyện có nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cao nhất hiện nay là huyện Cái Bè đạt 4,3 tỷ đồng. Hai đơn vị khác có nguồn vốn trên 3 tỷ đồng là huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo; huyện Gò Công Tây có số vốn đạt 2,9 tỷ đồng.

 
Từ nguồn vốn trên, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đang triển khai hỗ trợ cho hơn 9.433 hộ hội viên, nông dân trong tỉnh vay để phát triển sản xuất. Trong đó có 1.433 hộ tham gia thực hiện ở 54 dự án với tổng số tiền 22,62 tỷ đồng. Đây chủ yếu là nguồn vốn được Trung ương Hội ủy thác và vốn của tỉnh xây dựng được.

 
Nguồn vốn do cấp cơ sở vận động, xây dựng được hiện cũng đang cho trên 8.000 hộ hội viên, nông dân trong tỉnh vay làm kinh tế nhỏ, lẻ. Mức bình quân mỗi hộ đang được vay từ 3- 7 triệu đồng.


 
Nhiều dự án đã xây dựng thành công mô hình kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất. Điển hình có các dự án cho vay nhằm xóa đói giảm nghèo như: Dự án chăn nuôi bò sinh sản của các xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước), Tân Thành, Tân Phước (huyện Gò Công Đông), Mỹ Trung (huyện Cái Bè). Một số dự án đặc thù của khu vực ven thành phố, thị xã như: Dự án nuôi cá giống Phường Nhị Mỹ (thị xã Cai Lậy); dự án chăn nuôi heo sinh sản theo quy trình sinh học của xã Trung An; dự án trồng hoa kiểng của xã Mỹ Phong (Thành phố Mỹ Tho) và dự án phát triển làng nghề Mộc truyền thống của xã Tân Trung (Thị xã Gò Công)…


 
Ngoài ra, trong tỉnh còn xây dựng các dự án cho vay nhằm phát triển thế mạnh của từng vùng, như các huyện phía Tây phát triển trồng trọt với các dự án: Chăm sóc vườn bưởi, xoài, sầu riêng, chanh (huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy); các huyện phía Đông phát triển ngành chăn nuôi như: Chăn nuôi heo, bò, dê sinh sản (Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công). Hay như ở huyện cù lao Tân Phú Đông, đang có các dự án phát triển cây mãng cầu xiêm, cây sả là đặc sản riêng có của vùng.


Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên, nông dân hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, nội dung hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được Hội Nông dân tỉnh đặc biệt quan tâm và thường xuyên triển khai thực hiện.


 
Hàng năm, tỉnh Hội tổ chức 02 lớp tập huấn dành riêng cho các đối tượng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở về tất cả các nội dung công tác Hội. Trong đó, chú trọng tới các nội dung về: Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội về hoạt động của Quỹ; công tác phối hợp với ngân hàng Chính sách Xã hội, ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân.


 
Ngoài ra, công tác phối kết hợp với các ngành chức năng có liên quan trong xây dựng dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Tỉnh Hội thường xuyên phối hợp và chỉ đạo huyện, cơ sở Hội chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, các Trung tâm Khuyến nông trên địa bàn tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp Viện cây ăn quả miền Nam cung ứng giống cây trồng mới; phối hợp các phòng kinh tế liên hệ thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân…


 
Thông qua các mô hình dự án của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã xuất hiện nhiều hộ kinh doanh giỏi, có sáng tạo trong cải tiến kỹ thuật, biết áp dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập cao cho gia đình, nâng dần chất lượng cuộc sống.


 
Uy tín của tổ chức Hội cũng từ đó được nâng lên, tạo được niềm tin và thu hút thêm đông đảo hội viên, nông dân đăng ký tham gia vào tổ chức Hội. Quá trình sinh hoạt chi, tổ Hội được tổ chức nề nếp và thường xuyên hơn, công tác vận động tạo nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt nhiều kết quả tốt hơn. Tất cả những điều đó đã tạo điều kiện để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt chính trị trong các phong trào, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và chính quyền các cấp.
 
 

Nhật Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng