Quỹ HTND: Không ngừng đồng hành cùng nông dân làm giàu
14:53 - 12/10/2016
(Quỹ HTND)- Các mô hình sử dụng vốn vay Quỹ HTND đã giúp người vay phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình tiêu biểu như: Nuôi lợn, gà sạch đảm bảo vệ sinh môi trường ở Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Long An; trồng lúa chất lượng cao  ở An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ; trồng cây ăn trái theo quy trình VietGap ở Bình Thuận, Đồng Nai, Bến Tre, Hậu Giang...
Hoạt động Quỹ HTND giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ nguồn vốn 40 tỷ đồng Ngân hàng Người nghèo cho Hội Nông dân vay khi thành lập năm 1996 - nguồn vốn này còn quá nhỏ so với nhu cầu vay của gần 3 triệu hộ nông dân nghèo. Năm 2002, Chính phủ đồng ý giao Bộ Tài chính cấp 40 tỷ đồng cho Quỹ HTND Trung ương trực tiếp quản lý, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đến hết tháng 6/2011, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống nâng lên 638,030 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho trên 1,8 triệu lượt hộ nông dân vay với doanh số cho vay đạt trên 1.500 tỷ đồng. Mức cho vay nâng lên 10 triệu đồng/hộ.
 
Với những trăn trở suy nghĩ làm sao có nhiều nguồn lực để giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia xây dựng nông thôn mới, tập thể Ban Thường vụ Trung ương Hội, Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương đã xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 - 2020” được triển khai trong toàn hệ thống Hội nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 61 -KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng Đề án phát triển Quỹ HTND đến năm 2020; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng nội dung xây dựng, phát triển Quỹ HTND. Nhờ vậy hơn 05 năm qua (đặc biệt từ năm 2011 đến năm 2015), hoạt động Quỹ HTND có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống đạt gần 2.200 tỷ đồng.
 
Song hành với hoạt động Quỹ HTND, Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với các Ngân hàng, nhất là Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện ủy thác gần 80.000 tỷ đồng giúp cho trên 3 triệu hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
 
Kết quả đạt được trong hơn 20 năm hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với 02 Ngân hàng đã giúp cho hàng triệu lượt hộ hội viên nông dân nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45% và thời kỳ 2011 - 2015 từ 14,2% xuống còn 5%. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đầu tư nguồn vốn Quỹ HTND còn có tác động quan trọng trong việc giữ gìn đất đai, làng, bản, biên cương, biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, những năm gần đây bằng việc hỗ trợ vốn trực tiếp cho các hộ mở rộng sản xuất kinh doanh đã tạo hàng triệu việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống và trở thành khá giả ở nông thôn, trực tiếp và thiết thực tham gia mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
 
Tuy đạt được những kết quả quan trọng nêu trên song hoạt động Quỹ HTND cũng còn bộc lộ một số khó khăn cần khắc phục đó là nguồn vốn còn quá nhỏ so với nhu cầu của hội viên nông dân; sự tăng trưởng nguồn vốn không đồng đều giữa các tỉnh, thành Hội; mô hình vay vốn còn nhỏ lẻ, manh mún.  
 
Một số kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình triển khai hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với 02 Ngân hàng như sau:
 
Một là: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các Ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cùng vào cuộc đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động của Quỹ HTND tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện. Phát huy tác dụng là công cụ, phương tiện hữu hiệu trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân giúp hội viên nông dân tích cực phát triển kinh tế tập thể theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa và tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị.
 
Hai là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải bám sát thực tiễn của cơ sở để kịp thời có giải pháp sát thực xử lý những phát sinh trong thực tế. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành hoạt động Quỹ HTND. Hàng năm cụ thể hóa các chỉ tiêu của Đề án để phấn đấu, đôn đốc thực hiện; đưa các chỉ tiêu hoạt động Quỹ vào chỉ tiêu thi đua, kịp thời khen thưởng, khích lệ, động viên những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích xây dựng, phát triển Quỹ.
 
Ba là: Đa dạng hóa nguồn vận động tăng trưởng vốn Quỹ HTND: Ngân sách cấp; ủng hộ đóng góp; vốn tài trợ, ưu đãi của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
 
Bốn là: Quan tâm công tác cán bộ, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội, nhất là đối với những cán bộ trực tiếp và tham gia quản lý, điều hành hoạt động Quỹ HTND. Phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho từng cán bộ Hội, gắn nhiệm vụ quản lý Quỹ với các hoạt động Hội. Lồng ghép cho vay vốn Quỹ HTND với các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phát huy hiệu quả nguồn lực (dạy nghề, chuyển giao KHKT, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…)
 
Năm là: Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động Quỹ các cấp; kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Tập trung xây dựng mô hình sử dụng vốn Quỹ thành công và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc phát triển Quỹ HTND.
 
Để hoạt động của Quỹ HTND tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, thời gian tới cần tập trung cho những biện pháp sau:
 
1. Đối với Trung ương 
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế huy động vốn từ các nguồn tài trợ, vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, các tổ chức và người nước ngoài giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam; Vốn ủy thác của Nhà nước, của các tổ chức trong và ngoài nước phát triển nông nghiệp, nông thôn…
 
- Đơn giản hóa các thủ tục cho vay; đầu tư thiết bị, phương tiện, ứng dụng nhanh CNTT đáp ứng yêu cầu quản lý Quỹ; quy định mức cho vay từng đối tượng cụ thể, nhất là đối với những Nhóm hộ sản xuất có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn; các dự án vay vốn ứng dụng công nghệ, tiến bộ KHKT nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm.
 
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội được phân công quản lý Quỹ HTND.
 
2. Đối với địa phương
Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, đề ra giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ HTND, góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác, xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2016-2020, tập trung củng cố kiện toàn hoàn thiện bộ máy tổ chức cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành Quỹ HTND theo Quy định số 282- QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện cấp ngân sách bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ HTND cấp tỉnh, huyện. Phấn đấu đến năm 2020, tổng Quỹ HTND cấp địa phương đạt 3.000 tỷ đồng trở lên.
 
- Về cho vay vốn: 100% nguồn vốn cho vay theo dự án Nhóm hộ; hoàn trả vốn khi hết chu kỳ vay. Quản lý, cho vay, sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ quá hạn phát sinh; đôn đốc, thu hồi, hoàn trả nợ trong hạn và quá hạn. Thường xuyên  kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ, trong đó chú trọng kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay; kiểm tra việc tổ chức thực hiện ủy thác cho vay vốn ở cấp cơ sở; kiểm tra hoạt động của các Tổ TK&VV, Tổ vay vốn; kịp thời xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý vi phạm (nếu có).
 
- Chủ động phối hợp với các ngân hàng thực hiện tốt chương trình liên tịch, văn bản thỏa thuận đã ký, nhất là các tỉnh, thành Hội có số dư nợ, chất lượng tín dụng ủy thác thấp. Tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi mới của Chính phủ cho hội viên, nông dân. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ đồng bộ các điều kiện giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa.
 

Hải Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng