Quỹ HTND Trung ương: Cho vay vốn lồng ghép chuyển giao KHKT, xây dựng mô hình hợp tác
16:18 - 06/07/2016
(Quỹ HTND) – Với 100 tỷ đồng cấp bổ sung cho Quỹ HTND Trung ương năm 2015, 100% Hội Nông dân các tỉnh, thành phố được phân bổ vốn đã kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế. 
Mô hình "Chăn nuôi lợn thịt đảm bảo vệ sinh môi trường" tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Văn Quân

Mức phân bổ vốn cho mỗi tỉnh, thành từ 2- 2,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này được giải ngân thông qua 223 dự án cho 4.568 hộ vay, bình quân 448,4 triệu đồng/dự án; trung bình mỗi hộ được vay 21,8 triệu đồng.
 
Hiện ngành chăn nuôi vẫn được cho là tương đối an toàn hơn so với các ngành khác nên các dự án vay vốn đầu tư chăn nuôi chiếm 62% (139 dự án - chủ yếu nuôi trâu, bò, dê, lợn); trồng trọt 21,5% (48 dự án- trồng, chăm sóc cà phê, chè, bưởi, cam, xoài, nhãn), nuôi trồng thủy sản 9,9% (22 dự án- nuôi cá nước ngọt tôm, ngao); kinh doanh dịch vụ, nghề truyền thống  6,6% (14 dự án - nghề mộc gia dụng, chế biến nước mắm, miến dong).

 
Về thời gian vay: Dự án vay 24 tháng (chiếm 52%), vay 36 tháng (chiếm 33%), vay 18 tháng (chiếm 15%). Với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, quy mô một dự án tối đa 1,5 tỷ đồng, nhiều hộ đã mở rộng, nâng quy mô sản xuất và sản xuất theo hướng nông sản sạch, an toàn.

 
Nhiều tỉnh, thành Hội đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc lồng ghép cho vay vốn với các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề cho nông dân nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa… Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất hoa, cây cảnh của Hội Nông dân: Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng; mô hình thâm canh cây cà phê, cây tiêu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; chăn nuôi lợn thương phẩm, gà sạch theo hướng công nghiệp xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường ở các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Khánh Hòa; nuôi trâu, bò sinh sản và hướng thịt ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai…


 
Cùng với việc hướng dẫn các cấp Hội địa phương chuẩn bị tốt điều kiện để tiếp nhận vốn vay, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương đã tích cực tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhiễm mặn và hỗ trợ các tỉnh, thành Hội tập huấn nâng cao nghiệp vụ Quỹ HTND cho cán bộ Hội, nhất là đối với cấp cơ sở. Qua công tác kiểm tra, các mô hình vay vốn được triển khai cơ bản đúng quy định và quy trình, nghiệp vụ cho vay. Mặc dù từ năm ngoái đến nay, thời tiết vô cùng khắc nghiệt: Rét đậm, rét hại, nắng, nóng, khô hạn, môi trường nước ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng… nhưng các dự án vay vốn Quỹ HTND cơ bản vẫn tiến triển tốt. Tuy nhiên, có một số dự án vay vốn phải gia hạn thêm thời gian để tạo điều kiện cho hộ vay có thu nhập và hoàn trả vốn.

 
Do nguồn vốn Quỹ HTND còn ít nên quy mô mô hình vay vốn còn nhỏ, manh mún. Việc lựa chọn mô hình, lập dự án chủ yếu tập trung vào các mô hình đã có sẵn, phần vốn vay của Quỹ chỉ để mở rộng thêm quy mô sản xuất; tỷ trọng vốn vay của các dự án chiếm 15- 20% tổng vốn đầu tư. Vì vậy, nguyện vọng của hội viên, nông dân mong muốn được hỗ trợ vốn nhiều hơn, thời gian vay dài hơn. Từ đầu năm đến nay nguồn vốn của cả hệ thống đạt trên 2.085 tỷ đồng, tăng thêm gần 50 tỷ đồng so với 31/12/2015, chủ yếu do Ngân sách địa phương cấp bổ sung theo Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương đã báo cáo kết quả hoạt động Quỹ HTND và đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung ngân sách năm 2016.

 
Để đón nguồn vốn mới, các cấp Hội địa phương chỉ đạo Quỹ HTND sát cánh cùng hộ vay sử dụng thật tốt, hiệu quả nguồn vốn đang dư nợ; đồng thời tập trung củng cố, kiện toàn Quỹ HTND và Ban điều hành Quỹ cấp huyện; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất cho người vay, thường xuyên đôn đốc Ban quản lý các dự án vay vốn đẩy mạnh các hoạt động đã đề ra. Qua đó, giúp các hộ vay có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh thực hiện các phong trào của Hội, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Phương Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng