(Quỹ HTND)- Nghị quyết 26 (khóa VII) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thổi luồng sinh lực mới vào bức tranh nông thôn. Nhiều chương trình kinh tế, xã hội được triển khai đi vào cuộc sống. Công tác Hội, các phong trào nông dân chuyển động mạnh mẽ, nổi bật là khu vực dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo và làm giầu… Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam là một trong các điển hình trong các hoạt động này.
Khởi đầu của một hành trình
Điểm khởi đầu công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi sướng, lãnh đạo và thu được những thắng lợi quan trọng xuất phát từ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này tác động mạnh mẽ đến lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân tâm huyết, trăn trở nhiều về Hội. Làm sao để đổi mới hoạt động Hội, thúc đẩy phong trào nông dân bắt nhịp với sự phát triển đất nước trước mắt, lâu dài và bền vững, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của nông dân. Một chỉ dẫn rất đúng lúc của Đảng đó là tháng 3 năm 1990 Nghị quyết số 8(B) NQTW về đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ra đời chỉ rõ, công tác vận động nông dân trong giai đoạn cách mạng mới - lấy lợi ích làm động lực. Chính từ định hướng của Đảng, nhu cầu của nông dân, đòi hỏi của công tác Hội, Quỹ HTND ra đời đã đẩy mạnh hoạt động công tác Hội thông qua việc hỗ trợ vốn cho nông dân, trước hết là nông dân nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống giúp xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giầu, đồng thời khẳng định dấu mốc đổi mới phương thức hoạt động công tác Hội, đặt nền tảng tạo nguồn lực trực tiếp thúc đẩy các phong trào nông dân của Hội NDVN.
Ban đầu hoạt động Quỹ HTND thu được kết quả còn khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng. Cả giai đoạn từ khi thành lập năm 1996 đến 2010, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn chậm, quy mô vốn của nhiều đơn vị quá nhỏ, nhất là ở cấp huyện và cơ sở, nhiều địa phương chưa xây dựng được Quỹ HTND, chưa tổ chức được các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn giúp nông dân; hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý điều hành chưa được quan tâm, chậm kiện toàn.
Năm 2010, tổng kết 15 năm hoạt động, cả hệ thống Quỹ HTND mới chỉ có 3/63 đơn vị hoàn thiện tổ chức bộ máy, tư cách pháp nhân, có con dấu riêng với Ban điều hành Quỹ chuyên trách; cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ cũng như dịch vụ hỗ trợ vốn còn nặng tính phong trào, chưa chuyên sâu, khó triển khai thực hiện và không có sự thống nhất trong toàn hệ thống. Mô hình cho vay bước đầu hình thành các tổ, nhóm hộ nông dân thay vì cho vay hộ đơn lẻ những năm đầu tiên nhưng còn nhỏ bé, không tạo được sự ảnh hưởng lan tỏa, khó phát huy hoạt động lồng ghép với các chương trình, nguồn lực khác tạo thành sức mạnh tập trung mang tính liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa…
Nghị quyết “tam nông” thấm vào công tác Hội
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu CNH, HĐH đất nước đến 2020 được Đảng, Nhà nước đặt ra mục tiêu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn là phát triển sản xuất hàng hóa lớn, đủ sức cạnh tranh cho hội nhập khu vực và quốc tế, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đảng cũng xác định, chỉ rõ, Hội Nông dân có vai trò trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Từ tình hình và yêu cầu của thực tiễn như vậy, công tác Hội, hoạt động Quỹ HTND đứng trước các đòi hỏi của nông dân, nông nghiệp, nông thôn cho phát triển sản xuất lớn hơn, liên kết, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Theo đó, Ban điều hành Quỹ HTND đề xuất, tham mưu với Ban Thường vụ Trung ương Hội xây dựng Đề án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, đưacác mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động Quỹ HTND từ 2011 đến 2020 nhằm đẩy mạnh phát triển Quỹ HTND, mở rộng các hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân đáp ứng đòi hỏi của nông dân và yêu cầu hoạt động công tác Hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu đặt ra là phát triển mạnh mẽ Quỹ HTND cả về quy mô và tổ chức hoạt động, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân, xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế bằng liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, làm chuyển biến mạnh mẽ hoạt động công tác Hội đem lại lợi ích chính đáng cho người nông dân. Điều này đòi hỏi phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức và hành động trong toàn hệ thống Hội; đồng thời Quỹ HTND phải thực sự trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động công tác Hội thúc đẩy các phong trào thi đua trong nông dân, tham gia thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở nông thôn…
Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, hoàn thiện tư cách pháp nhân Quỹ HTND ở Hội Nông dân cấp tỉnh và cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành Quỹ các cấp có trình độ chuyên môn và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, điều hành Quỹ trong giai đoạn mới; mở rộng và đổi mới nội dung hoạt động của Quỹ HTND các cấp với việc đa dạng huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vận động ủng hộ, tiếp nhận viện trợ, nhận ủy thác, thực hiện các dịch vụ chuyển tải vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng…Đặc biệt, thay đổi căn bản phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình dự án (thay cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ lẻ), từ đó xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với xây dựng Hội vững mạnh; thực hiện tập trung chủ yếu vào tiêu chí cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới đó là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống hội viên, nông dân…
Triển khai thực hiện, Đề án đổi mới Quỹ HTND đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện quan trọng của Đảng, Chính phủ bằng kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương. Tuy nhiên Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương- cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp Ban Thường vụ Trung ương Hội toàn diện về hoạt động Quỹ HTND phải khắc phục, vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Trước hết là đội ngũ cán bộ Quỹ hạn chế về lực lượng trước một khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề mới phía trước. Phải thực hiện quyết liệt, liên tục để có sự tác động mạnh làm thay đổi tư duy, cách nghĩ mở rộng hoạt động Quỹ không chỉ trong hệ thống Hội mà còn thay đổi nhận thức của các ngành, các cấp trong cả hệ thống chính trị về hoạt động cũng như vai trò của Quỹ HTND trong hoạt động công tác Hội; tham mưu, soạn thảo giúp Ban Thường vụ Trung ương Hội xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới hệ thống văn bản tạo dựng mô hình, cơ chế, chính sách theo Đề án đổi mới của Quỹ. Soạn thảo, ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Các địa phương phấn khởi đón nhận tuy nhiên có nơi chưa nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các ngành, thậm chí có cấp ủy gửi văn bản về Trung ương Hội đề nghị không thực hiện… một số cơ sở không muốn rời bỏ Quỹ cấp xã. Nhiều nơi cán bộ Quỹ thực hiện trực tiếp gặp không ít khó khăn, nhất là hướng dẫn hộ viết phương án, tập huấn tổ, nhóm lập dự án vay vốn, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn gắn với củng cố hoạt động công tác Hội, hoặc kết hợp quản lý hoạt động lồng ghép các nguồn lực khác trong cùng dự án vay vốn…
Kết quả sau một “mùa vụ” gieo trồng
Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kiên trì thuyết phục cấp ủy, chính quyền các cấp vào cuộc; tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ, từng bước đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý điều hành Quỹ HTND các cấp, kết quả đã được khẳng định. Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kết thúc năm 2014 tổng nguồn Quỹ HTND đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 300%, Quỹ Trung ương đạt gần 500 tỷ đồng, cho vay hơn 1000 dự án, hình thành các tổ nhóm liên kết hợp tác sản xuất hiệu quả với hàng chục nghìn hộ vay vốn, khắc phục căn bản điểm yếu cho vay hộ đơn lẻ hoặc nhóm hộ nhỏ trước đây. Hoạt động Quỹ HTND, công tác Hội và phong trào nông dân có bước chuyển mạnh mẽ. Đến nay, hơn 40 Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh được kiện toàn hoàn thiện bộ máy ban điều hành và tư cách pháp nhân, có con dấu riêng cho hoạt động Quỹ; nhiều Quỹ cấp huyện được củng cố, hoàn thành nhận chuyển nguồn vốn của Quỹ cơ sở về quản lý theo đúng quy định. Quỹ ở cơ sở cơ bản thực hiện chuyển nguồn vốn của Hội Nông dân cơ sở vận động được về Quỹ cấp huyện quản lý theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, không còn tình trạng số liệu quỹ cơ sở biến động thất thường, sử dụng vốn không đúng mục đích…
Ở địa phương, nhiều tỉnh, thành Hội làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, đề xuất chính quyền, phối hợp với các ngành củng cố Ban vận động xây dựng Quỹ, huy động đa dạng các nguồn vốn, củng cố bộ máy quản lý điều hành, triển khai mạnh xuống cơ sở. Trong thời gian ngắn nhiều Quỹ cấp tỉnh, cấp huyện có nguồn vốn vượt xa chỉ tiêu tăng trưởng của Đề án đề ra. Một số Quỹ vượt cả chỉ tiêu tăng trưởng đến 2020 như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc… Nhưng hơn hết là sự thành công của các mô hình cho vay mới, đã phát huy được nhiều ưu điểm làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay vững chắc. Hàng nghìn dự án từ nguồn Quỹ Trung ương cơ bản được thu hồi đầy đủ gốc và phí khi đến hạn quay vòng. Tình trạng nợ đọng hoặc dây dưa không trả nợ hay thất bại là rất hy hữu. Đưa mức dư nợ quá hạn xuống dưới 0,5% tổng vốn cho vay mà chủ yếu do số nợ cũ trước đây tồn lại chưa được xử lý.
Hoạt động dịch vụ nhận ủy thác vốn từ các ngân hàng cũng thu được những kết quả ấn tượng: Hội Nông dân chiếm đến 34% tổng dư nợ ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với hơn 42 nghìn tỷ đồng đang dư nợ cho trên 2,2 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách vay ưu đãi qua 65.205 tổ tiết kiệm và vay vốn; Dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt gần 20 nghìn tỷ đồng cho 23.500 tổ nhóm hợp tác vay vốn… Số dư nợ đọng quá hạn trả nợ của các hoạt động này qua hệ thống Hội đều ở mức dưới 1%. Theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng nhà nước thì đây là mô hình thành công nhất, hiệu quả nhất từ trước đến nay về hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo, chính sách và hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh kết quả tích cực thì sau 3 năm, có địa phương vẫn còn dậm chân tại chỗ, kết quả còn rất hạn chế, chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và các ngành tại địa phương. Nguồn vốn chưa được phát triển, bộ máy tổ chức quản lý, điều hành chưa được kiện toàn, cán bộ được phân công hoạt động Quỹ còn thụ động, trông chờ… Những nơi này cần có sự tham mưu quyết liệt cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ tạo nguồn lực cho Quỹ, củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…Một số Quỹ tăng trưởng nguồn mạnh, cơ chế hiện tại không còn đáp ứng được yêu cầu cho quản lý, vận hành, không còn tạo được động lực cho sự phát triển tiếp theo. Vì vậy yêu cầu mới đặt ra, Quỹ cần tiếp tục nghiên cứu, sơ, tổng kết đánh giá đúng tình hình và xu hướng phát triển, tham mưu với Ban Thường vụ Trung ương Hội, với Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài Chính và chính quyền các cấp ban hành cơ chế chính sách tạo động lực cho Quỹ HTND tiếp tục phát triển. Đó cũng là đổi mới phương thức hoạt động công tác Hội thiết thực nhất, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của hội viên, nông dân.
Nguyễn Xuân Thắng