(Quỹ HTND)- Cộng hòa Séc “không có rừng vàng, biển bạc”, rất nghèo tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên là nước sớm có có sự phát triển về công nghiệp, nhất là ngành cơ khí, chế tạo máy, luyện kim, hóa chất, sản xuất pha lê, năng lượng điện, sản xuất bia…
Cộng hòa Séc (Séc) là một quốc gia thuộc khu vực Trung Âu được tách ra từ Liên bang Tiệp Khắc tháng 1/1993, là nước không có biển, có tổng diện tích 78.886 km2, dân số khoảng 10,5 triệu người, chủ yếu là người Séc 95%. Người Việt Nam có khoảng 65 nghìn người, mới đây được công nhận là một trong các dân tộc thiểu số có số người đứng thứ 3 so với các cộng đồng người nước ngoài ở Séc.
Séc là nước có thể chế chính trị theo chế độ dân chủ, phát triển theo mô hình kinh tế thị trường. Nhiều sản phẩm cơ khí, máy móc, thiết bị hiện nay của Séc được bán sang Đức rồi mới xuất khẩu sang các nước khác. Vì vậy cũng đã tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch từ trồng trọt và chăn nuôi.
Thu nhập quốc dân, theo số liệu thống kê năm 2012, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Séc đạt khoảng 285,5 tỷ USD, đứng thứ 37 thế giới. Bình quân 27.191 USD/người/năm, trong đó dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp hơn 40% và nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2%.
Gia nhập EU: Được- mất
Chính sách kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng của Séc gắn liền với các giai đoạn lịch sử và bối cảnh chính trị đất nước.
Từ 2004 Séc gia nhập EU, nông nghiệp nhận được nhiều tài trợ từ EU, lĩnh vực nông nghiệp có sự phát triển nhưng lại tạo ra sự biến đổi ghê gớm trong cơ cấu phát triển nông nghiệp. Nhiều ngành nghề nông nghiệp là thế mạnh của Séc bị thu hẹp lại hoặc đóng cửa.
Quá trình chuẩn bị gia nhập EU, Séc đã phải điều chỉnh các chính sách kinh tế nói chung cũng như nông nghiệp để tương đồng với chính sách của EU. Một trong các thay đổi quan trọng là Séc không thể quyết định chính sách nông nghiệp của mình.
Gia nhập EU Séc có nhiều mặt được lợi, cơ bản đó là: có thị trường rộng lớn hơn rất nhiều, toàn EU; nhận được nhiều tài chính tài trợ cho nông nghiệp; có nhiều lựa chọn công nghệ mới. Song cũng không ít những điểm mất đó là: mất quyền tự chủ, tự quyết của quốc gia về chính sách nông nghiệp; mất lợi thế quốc gia và bất lợi về cơ cấu sản phẩm trong nông nghiệp, dẫn đến cơ cấu thay đổi lớn.
Vì vậy, Séc đề ra những chính sách hạn chế nó: khuyến khích lập hợp tác xã theo mô hình mới để liên kết sản xuất phát triển gia công chế biến trong nước nhằm hạn chế xuất khẩu thô, nhập sản phẩm; đầu tư vốn cho chế biến sản phẩm nông nghiệp; đầu tư từ sản xuất đến chế biến đồng bộ khép kín cả quá trình; đầu tư cho khoa học công nghệ phát triển giống tốt như giống biến đổi gen… khuyến khích phát triển những ngành hàng Séc có lợi thế nhưng kém tài trợ từ EU nhằm giữ ngành nghề truyền thống có lợi thế so sánh.
Tuy nhiên mức tài trợ của Chính phủ Séc cho nông nghiệp so với EU và các nước khác còn rất khiêm tốn. Vì vậy cơ cấu nông nghiệp có sự đảo lộn như hiện nay. Trước kia chăn nuôi và chế biến phát triển, nay thì ngược lại trồng trọt và xuất khẩu thô phát triển, chăn nuôi và chế biến thì thu hẹp lại.
Những cải tổ khó khăn
Sau cách mạng “nhung” 1989 sản xuất nông nghiệp cải tổ mạnh mẽ, đất đai trả lại cho chủ cũ từ trước khi lập hợp tác xã, do đó các hợp tác xã kiểu cũ không còn, số ít tồn tại trở thành các liên danh. Có 686 liên danh (hợp tác xã trước đây chuyển thành) chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp.
Hình thức chủ yếu chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp là các Công ty cổ phần. Họ tích tụ đất từ thuê mướn hoặc mua bán của các chủ đất. Hiện nay có 2.336 doanh nghiệp nông nghiệp (công ty cổ phần) chiếm 45,9% diện tích đất nông nghiệp.
Số còn lại gồm 32.000 trang trại vừa và nhỏ (cá thể) chiếm 30% diện tích đất nông nghiệp và 174 cơ sở do Nhà nước quản lý chiếm 0,5% diện tích đất nông nghiệp.
Ở Séc bình quân một trang trại trồng trọt có diện tích 80ha. Số trang trại có diện tích trên 500 ha chiếm đến 72% quỹ đất nông nghiệp. Diện tích cho trồng trọt 63% và chăn nuôi 37%. Tính từ 2004 đến 2012 tỷ lệ lợi nhuận trong nông nghiệp nói chung tăng gần gấp đôi.
Hiện nay Séc can thiệp vào nông nghiệp rất yếu. Bộ Nông nghiệp chỉ là cơ quan điều phối ngân sách EU tài trợ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ nông nghiệp; xét về quyền lực chỉ là cơ quan điều phối, ở khía cạnh tài chính chỉ là cơ quan trung chuyển tiền.
Tại Séc đang sử dụng đến 60% lượng hạt cải để chế biến thành nhiên liệu. Tiếp theo là cây làm thức ăn chăn nuôi bò sữa, chủ yếu từ ngô cũng được EU khuyến khích phát triển nhưng tại Séc có nghịch lý sản xuất ra nhiều sữa đem xuất khẩu song lại phải nhập các sản phẩm từ sữa như bơ, pho mát…Điều này cũng nói nên hệ lụy từ tài trợ của EU và chính sách nông nghiệp của quốc gia chưa khắc phục được.
Ba loại cây trồng trên cũng chính là sản phẩm được EU khuyến khích và tài trợ lớn cho Séc nên phát triển mạnh. Trong khi một số sản phẩm truyền thống, thế mạnh trước đây của Séc lại khó khăn chật vật như chăn nuôi lợn bị thu hẹp lại và chỉ sản xuất cầm chừng do thua lỗ, giết mổ chế biến gia cầm thì phá sản hàng loạt. Những cây cho củ (khoai tây, củ cải) cũng là thế mạnh của Séc nhưng chỉ được cấp hạn mức sản xuất đường nhất định nên Séc vẫn phải nhập đường và chuyển sang sản xuất rượu nhiên liệu.
Séc rất chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra giám sát có một cơ quan riêng làm việc rất nghiêm minh. Nhiều sản phẩm của Séc có tiêu chuẩn cao hơn quy định của EU.
Lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 3% lực lượng trong độ tuổi lao động và tạo ra khoảng hơn 2% giá trị thu nhập quốc nội. Séc vẫn chủ trương phát triển nông nghiệp và giảm lao động trong nông nhiệp để chuyển sang ngành nghề khác mà giá trị và sản phẩm nông nghiệp vẫn tăng lên. Tất cả lao động đều phải tham gia bảo hiểm xã hội, y tế chiếm khoảng 35% tiền lương.
Thu nhập của lao động trong nông nghiệp chỉ bằng khoảng 70% thu nhập bình quân toàn quốc, đó chủ yếu là những người làm thuê chứ không phải chủ đất. Tổng thu từ khu vực nông nghiệp rất nhỏ, chỉ chiếm hơn 2% GDP nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng là bảo đảm tự cung cấp lương thực thực phẩm ổn định cho toàn xã hội, giữ những ngành nghề truyền thống, chống suy thoái đất, bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm ở nông thôn. Do đó Séc khuyến khích phát triển ngành nghề chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm tạo sự cạnh tranh và giá trị thu nhập cao từ chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Đất nông nghiệp của Séc bình quân khoảng 4.000m2/người. Tuy nhiên đất dành cho canh tác không nhiều. Sau cách mạng “nhung” 1989, đất nông nghiệp được trả lại cho các chủ cũ và hầu hết họ không tự canh tác trên đất của mình vì đã có việc làm khác hoặc do quy mô, loại hình kinh doanh không phù hợp.
Vì vậy có đến 90% diện tích đem cho thuê hoặc sang bán cho người khác. Số khác thì để cỏ mọc. Giá thuê đất cao hay thấp tùy theo khu vực và vị trí; vùng đồi núi khoảng 90kc/ha/năm; vùng quanh đô thị khoảng 2.500 kc/ha/năm. Giá bán đất cũng rất thấp so với các nước khác trong EU. Vì vậy người Pháp, Đức, Áo… sang thuê, mua lại canh tác và đây là điều không mong muốn của Chính phủ Séc. Hiện nay Nhà nước quản lý khoảng 0,5% diện tích đất nông nghiệp, số trang trại thuộc quyền Nhà nước quản lý cũng thấp nhất so các nước trong EU.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
(1) Trước thế chiến thứ 2 đời sống người dân ngang bằng Thụy Điển và cao hơn cả Đức, đứng thứ hạng ở Châu Âu, nay đứng thứ 37 trên thế giới. Giai đoạn từ sau 1948 đến 1989 người Séc nhìn nhận và đánh giá là giai đoạn không thành công. Nhưng chỉ một thời gian ngắn từ 1993 đến nay Séc đã thu hút được lượng tiền đầu tư đáng kể từ bên ngoài (120 tỷ USD cho 10,5 triệu dân). Đây là một nguồn lực quan trọng bởi nếu tự tích lũy để có được phải mất thời gian rất dài và do vậy trong suy thoái kinh tế thế giới 1997 và vừa qua kinh tế Séc vẫn tăng trưởng trong khi nhiều nước phát triển khác gặp rất nhiều khó khăn.
Điểm mạnh này cũng hàm chứa nhiều điều kiện đó là sự chia sẻ lợi ích lớn từ đầu tư đến hơn 10 tỷ USD hàng năm cho bên ngoài. 20 năm nhận được 120 tỷ và 20 năm tiếp sẽ phải chia đi hàng trăm tỷ USD. Séc đang xây dựng chính sách để thu hút nguồn lực này đầu tư trở lại. Ở điểm này, Việt Nam cũng đang có nhiều bài học sâu sắc như sự chuyển giá hoặc tiền lãi đầu tư không được quay trở lại của các doanh nghiệp FDI.
(2) Khi mới mở cửa, Chính phủ thực hiện liệu pháp sốc về kinh tế đó là tư nhân hóa ồ ạt cơ sở kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, đã trở thành việc bán rẻ tài sản quốc gia cho nước ngoài. Nhiều hãng nổi tiếng thế giới rơi vào tay người nước ngoài như sản xuất ô tô, da giày, bia… thậm chí cả 100% ngân hàng, bưu chính viễn thông không còn là của người Séc... nông nghiệp không phải là ngoại lệ; xuất khẩu thì bán thô, nhập khẩu hàng đã chế biến, thừa đồng cỏ, thiếu bơ, thịt... Những mô hình sản xuất, dây truyền chế biến nông sản kiêu hãnh một thời thì đóng cửa… Hệ lụy của việc này không thể giải quyết một sớm một chiều và dẫn đến lệ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, vào khoa học công nghệ bên ngoài… Con số 70% thu nhập kinh tế quốc dân do công ty nước ngoài mang lại, 75% giá trị xuất khẩu do công ty người nước ngoài quản lý nói nên điều này. Đây cũng chính là kết quả một chặng đường chuyển sang kinh tế thị trường của Séc. Và bài học cho quốc gia là cần duy trì, bảo vệ chắc những thương hiệu tốt đã có đi đôi với xây dựng phát triển thương hiệu mới.
(3) Về nông nghiệp, sau khi ra nhập EU thì giá trị nông nghiệp có tăng về tổng thể nhưng nền nông nghiệp quốc gia lại phải trả một cái giá quá đắt; nhiều ngành hàng truyền thống, là thế mạnh của Séc bị nguy cơ bức tử hoặc cầm cự sống, như chăn nuôi lợn, giết mổ gia cầm, chế biến các sản phẩm sữa…những mặt hàng này trước dư thừa, nay phải nhập khẩu lớn, có thứ đến 90% trong khi nhiều diện tích đất để cỏ mọc, cơ sở chế biến thì đóng cửa, phá sản do chính sách tài trợ bất bình đẳng từ EU và sự cạnh tranh khốc liệt muốn biến Séc thành đồng cỏ và nhập khẩu nông sản thực phẩm hơn là hỗ trợ sản xuất. Đây là bài học thực tiễn sinh động cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam khi chúng ta hội nhập đầy đủ nội khối Asean và WTO.
(4) Một thực tiễn rất đáng học tập của Séc là đưa chính sách vào đời sống rất hữu hiệu: Đường giao thông của Séc không rộng, phương tiện rất nhiều, tốc độ nhanh nhưng việc chấp hành luật rất tốt, không gây ùn tắc, rất ít tai nạn… Trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng nghiêm luật; an toàn thực phẩm được quản lý chặt chẽ, có sản phẩm tiêu chuẩn còn cao hơn cả EU; năng suất chăn nuôi, trồng trọt rất cao, 35 đến 37 ngày được một lứa gà 2kg/con, 80 ngày được lứa lợn 100kg/con nhưng không có sự lo ngại mất an toàn thực phẩm; phụ phẩm nông nghiệp, rác thải được xử lý triệt để thành điện, nhiệt…; môi trường từ thành thị đến nông thôn trong lành, rừng cây, nguồn nước bảo vệ nghiêm ngặt “chặt một cây phải trồng mới ít nhất một cây”…
Bốn đề xuất kiến nghị
(1) Khi Séc gia nhập EU có một trong các điểm bất lợi khi xin nhận tài trợ của EU là có nhiều trang trại quy mô lớn, không phải là điểm EU khuyến khích nên thua thiệt với các trang trại các nước khác. Vì vậy Nhà nước nghiên cứu kỹ để có chính sách đất nông nghiệp phù hợp: tích tụ đất đai phù hợp, tránh quy mô lớn không phù hợp với trình độ, phương thức sản xuất, gây lãnh phí, giảm hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời sử dụng phương thức thuê mướn đất nhiều hơn mua, bán thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất.
(2) Kinh nghiệm của EU tài trợ cho phát triển nông thôn rất hiệu quả do cách làm: Một mặt đề ra các tiêu chí chung nhưng chỉ tài trợ cho những dự án thật khả thi và thực thi hiệu quả (do dân làng – địa phương tự xây dựng dự án cho mình). Từ kinh nghiệm thành công này, đề nghị Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải đúng với nhu cầu địa phương, nhu cầu người dân thì mới đi vào cuộc sống. Muốn vậy nông dân, đại diện của nông dân phải được tham gia tích cực xây dựng chính sách ngay từ ban đầu.
(3) Một điểm chung của Séc cũng như các nước phát triển trong sản xuất nông nghiệp là tập trung đầu tư công nghệ sau thu hoạch chế biến rất sâu, kết hợp đa dạng sản phẩm để không bỏ phí phụ phẩm nông nghiệp nào và tổ chức chuỗi giá trị rất dài bằng liên kết hoặc đầu tư lớn khép kín chuỗi giá trị. Ở đây vai trò doanh nhân cực kỳ quan trọng, gần như quyết định thành, bại. Vì vậy Nhà nước có chính sách đặc biệt, đủ sức hấp dẫn để thu hút yếu tố doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp, có chính sách đào tạo, hỗ trợ các chủ trang trại, người sản xuất kinh doanh giỏi để tạo sức bật cho họ, liên kết thành doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp. Yếu tố này sẽ giải quyết căn bản các bài toán của nông nghiệp, nông sản Việt Nam về thị trường (tiêu thụ), vốn, công nghệ và tối ưu nhất các khâu trong toàn bộ quá trình.
(4) Tăng cường nguồn lực đầu tư cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn qua các kênh dẫn vốn, đặc biệt qua Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam đến trực tiếp với nông dân, nông thôn và đang hoạt động rất hiệu quả theo tinh thần Kết luận 61- KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư và Quyết định 673 /QĐ-TTg ngày 10/5/2011của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Xuân Thắng