(Quỹ HTND)- Sau khi có Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung xây dựng và triển khai Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã kiện toàn lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân ở 03 cấp: trung ương, tỉnh, huyện. 61 tỉnh, thành Hội đã kiện toàn Ban Điều hành Quỹ cấp tỉnh; Quỹ Hỗ trợ nông dân của 40 tỉnh, thành Hội đã hoàn thành tư cách pháp nhân và có con dấu riêng; 45 tỉnh, thành Hội đã thành lập Ban Kiểm soát theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân; 38 tỉnh, thành Hội thành lập Ban vận động ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Trung ương Hội đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản để quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân như: Quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân; Quy định về hoạt động kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hướng dẫn củng cố Ban Vận động, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, cấp huyện; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản về xây dựng, quản lý, điều hành hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện việc đổi mới phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân, từ cho vay nhỏ lẻ, sang cho vay theo dự án để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể (nhóm liên kết giữa các hộ) theo hình thức cho vay có hạn mức, có kỳ hạn, với mức thu phí hiện nay 0,7%/tháng đối với vay trung hạn.
5 năm qua, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho trên 380.000 lượt hộ nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, với số vốn cho vay quay vòng đạt trên 5.200 tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giàu, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
|
Trong 3 năm thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương được cấp bổ sung 400 tỷ đồng và 49 tỉnh, thành Hội được cấp bổ sung 573,785 tỷ đồng từ ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân ở các cấp Hội đạt 1.709,060 tỷ đồng; trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương: 466,829 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân địa phương: 1.242,231 tỷ đồng; một số tỉnh, thành Hội có Quỹ Hỗ trợ nông dân cao như: Hà Nội 451,7 tỷ; thành phố Hồ Chí Minh 102,2 tỷ; Bình Dương 61,5 tỷ; Bà Rịa - Vũng Tàu 32 tỷ; Hải Dương 30 tỷ; Vĩnh Phúc 29 tỷ; Tiền Giang 25,5 tỷ; Hưng Yên 22 tỷ; Quảng Bình 21 tỷ, Thanh Hóa 20 tỷ…
Nguồn vốn trên đã góp phần mạnh mẽ vào sự chuyển dịch phát triển kinh tế nông nghiệp tại các địa phương. Nhiều mô hình liên kết sản xuất mới ra đời, nông dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, tình trạng li hương dần được hạn chế.
Tuy nhiên thời gian qua, ở một số địa phương việc triển khai thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673 còn hạn chế, một phần do một số tỉnh, thành Hội chưa tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương dẫn đến thiếu nguồn lực và cơ chế hoạt động. Nhất là việc kiện toàn củng cố bộ máy tổ chức, pháp nhân Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện và việc tổ chức vận động phát triển, bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Hiện nay, còn 14 tỉnh chưa bổ sung ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh là: Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Hà Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng. Nhiều tỉnh có cấp nhưng số lượng rất hạn chế. Tỷ lệ địa phương cấp kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện còn thấp.
Thời gian tới, để khắc phục một số hạn chế trên, các tỉnh, thành Hội cần tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền bố trí tạo nguồn lực cho Quỹ HTND. Đồng thời TƯ Hội NDVN cũng kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan bổ sung ngân sách hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương; đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương chỉ đạo các tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hằng năm bố trí ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương.
Ngọc Hà