Quỹ HTND- Trên chặng đường đổi mới
09:01 - 06/02/2015
(Quỹ HTND)- Cùng với sự ra đời Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, để hội viên, nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, Quỹ HTND đã có những “đột phá” với nhận thức sắc bén, tư duy bắt kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế để “tăng tốc” hành trình làm giàu của nông dân.

 

Tư duy mới-  hiệu quả mới

“Tư duy mới” ấy chính là nhanh chóng chuyển phương thức cho vay Quỹ HTND từ vay theo chi tổ Hội sang cho vay theo dự án, quy mô đầu tư vốn được Ban Thường vụ Trung ương Hội nâng lên tối đa 1,5 tỷ đồng/dự án, tạo điều kiện cho nhiều hộ vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.

 

Nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả, người vay vốn thu được sản phẩm, tăng thu nhập, tiêu biểu như mô hình nuôi lợn thịt sạch, gà sạch đảm bảo vệ sinh môi trưởng ở Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa; sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cao sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn: Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ…

 

 Mô hình thâm canh vườn cây ăn trái theo quy trình VietGap ở Bình Thuận, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang;  Mô hình trồng nấm, trồng măng tây, rau an toàn, trồng hoa: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Lâm Đồng, Ninh Thuận;  mô hình trồng cây dược liệu, cây ăn quả ở Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế; Mô hình nuôi bò sinh sản: Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tây Ninh,…

 

Từ vai trò của đồng vốn Quỹ, đã góp phần nâng số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cả nước lên 4.328.307 hộ, đạt 103% chỉ tiêu. Điều quan trọng hơn đó  là nhận thức của nông dân đã chuyển từ sản xuất quảng canh, nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất thâm canh, liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác quy mô lớn, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung. Xây dựng được 2.807 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa.

 

Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương, nơi có số vốn Quỹ HTND tương đối lớn với 67 tỉ đồng, trong một lần trả lời phỏng vấn cũng nói rằng chính nhờ "chuyển" tư duy, cho nông dân vay theo các tổ hợp tác liên kết kinh tế, năm 2013, 2014, ở các tổ hợp tác này, thu nhập của nông dân tăng 6-7 triệu đồng/người/tháng.

 

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã xây dựng 87 mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả, đạt 217,5% chỉ tiêu Trung ương giao. Nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.  

 

Nhận thấy hiệu quả kinh tế được phát huy tốt hơn khi các hộ nông dân vay vốn theo mô hình tổ liên kết sản xuất, Quỹ HTND tỉnh Bình Định được cấp bổ sung thêm 3 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Số vốn này tương đương khoảng 15 dự án kinh tế đã được Quỹ HTND tỉnh giải ngân hỗ trợ cho nhóm hộ ND, tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh, phát triển làng nghề, phát triển kinh tế tập thể trong năm 2014.

 

Tại Khánh Hòa, Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chim cút ở xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh) thành lập được 3 năm. Ngay khi vừa thành lập, tổ đã được Quỹ HTND tỉnh cho vay 100 triệu đồng, Quỹ HTND cấp xã cho vay 10 triệu đồng. Nhờ có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nên đầu ra của sản phẩm chim cút khá ổn định. Hàng tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi thành viên tổ liên kết thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng. Từ việc làm ăn có hiệu quả, Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chim cút đã ủng hộ Quỹ HTND xã 1 triệu đồng để duy trì và phát triển quỹ.

 

“Sinh sôi” đồng vốn

Theo Báo cáo của Quỹ HTND Trung ương, đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt 1.709,060 tỷ đồngtăng236,764 tỷ đồngso với 31/12/2013, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 là 116%.

“Thực tế đã khẳng định vai trò rất quan trọng của Quỹ Hỗ trợ nông dân đối với công tác Hội và phong trào nông dân. Quỹ HTND thực sự là “công cụ”, “phương tiện” hữu hiệu để Hội Nông dân chủ động hơn trong hoạt động Hội và tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam”.

 

Nguồn vốn Quỹ TW ủy thác cho vay tại 62 tỉnh, thành Hội thông qua 1.137 dự án với 18.147 hộ vay. Trong đó, tỷ lệ dự án đầu tư cho trồng trọt chiếm 24,9%, chăn nuôi chiếm 59,6%, thủy sản chiếm 9,3%, dịch vụ, ngành nghề và các loại khác chiếm 6,2%.

 

Trong năm qua, Ban điều hành Quỹ HTND TW đã đôn đốc thu hồi vốn của 639 dự án đến hạn với tổng số tiền 230.076 triệu đồng của 11.206 hộ vay; đồng thời hướng dẫn các tỉnh, thành Hội xây dựng kế hoạch dồn vốn, lập dự án để tiếp tục quay vòng cho vay chu kỳ mới; tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự án của các tỉnh, thành Hội, trình Thường trực phê duyệt và đã giải ngân cho vay 808 dự án, 12.660 hộ vay với số tiền 322.460 triệu đồng.

 

Nhìn chung các tỉnh, thành Hội đã tổ chức triển khai cho vay nguồn vốn do Quỹ HTND Trung ương ủy thác đúng quy định. Nhiều tỉnh, thành Hội đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc lồng ghép cho vay vốn với các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề cho nông dân nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa, tiêu biểu như các tỉnh: Tuyên Quang, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh, Hậu Giang, …

  

Với tổng nguồn vốn của 3 cấp (tỉnh, huyện, cơ sở) là 1.242,231tỷ đồng đã giúp cho gần 100.000 hộ nông dân được hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh, tăng  thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Hoạt động Quỹ HTND trong toàn hệ thống có bước chuyển biến rõ rệt, tác động tích cực đến công tác Hội và phong trào nông dân, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức cũng như hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ và hội viên nông dân. Hội Nông dân các cấp được tiếp thêm nguồn lực, nội dung hoạt động đã đi vào chiều sâu, tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Qua đó vị thế và vai trò của Hội được nâng lên, thu hút thêm nhiều nông dân tham gia tổ chức Hội.

 

 Lam Anh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng